MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không che giấu nợ xấu

24-03-2014 - 07:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Đó là khẳng định của ông Phạm Huyền Anh - vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng NHNN khi trao đổi về thông tư 09 (sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư 02) vừa được ban hành.

Ông Huyền Anh nói: “Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn, mục đích của thông tư 09 là hỗ trợ và tạo điều kiện để cho doanh nghiệp tiếp tục vay vốn tín dụng, ổn định và phát triển sản xuất, không phải chịu lãi suất cao do có nợ xấu”.

* Nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu tiếp tục được che giấu sau khi NHNN ban hành thông tư 09 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) chưa phải điều chỉnh nhóm nợ có rủi ro cao nhất?

- Hoàn toàn không có chuyện che giấu nợ xấu ở đây. Vì TCTD vẫn phải tự phân loại nợ và gửi cho Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) để tổng hợp theo nguyên tắc một khoản nợ của cùng một khách hàng phải được phân loại vào nhóm nợ có độ rủi ro cao nhất. CIC sẽ cung cấp cho các TCTD kết quả tổng hợp phân loại nợ để TCTD quản lý chất lượng tín dụng, quản trị rủi ro. Tuy nhiên, TCTD chưa phải điều chỉnh việc phân loại nợ theo kết quả tổng hợp của CIC đến hết năm nay.

Để giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng và nợ xấu, Cơ quan Thanh tra giám sát NH sẽ sử dụng kết quả tổng hợp phân loại nợ của CIC. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ yêu cầu TCTD phải phân loại nợ theo kết quả tổng hợp của CIC. Tôi xin khẳng định là không có chuyện che giấu, giấu giếm nợ xấu ở đây.

* Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì qua việc tiếp tục được cơ cấu lại nợ?

- Như tôi nói ở trên, Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn. Do đó, NHNN đã cho phép các TCTD được phép cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết quý 1-2015.

Điều đó đồng nghĩa với việc các khoản nợ đáng ra phải trả đúng hạn thì nay tiếp tục được kéo dài thời gian trả và không bị xếp vào nhóm có độ rủi ro hơn. Đơn cử, một doanh nghiệp A có khoản vay tại NH B. Theo hợp đồng vay vốn, doanh nghiệp sẽ phải trả vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, với hướng dẫn mới thì doanh nghiệp được lui dài thời hạn trả nợ muộn hơn so với hợp đồng đã ký. Đồng thời, khoản vay của doanh nghiệp này được giữ nguyên nhóm nợ. Như vậy, doanh nghiệp có lợi quá chứ. Bởi trong lúc thị trường còn nhiều khó khăn, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm thì việc được kéo dài thời gian trả nợ vốn vay NH góp phần hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không phải khoản nợ nào cũng được áp dụng chính sách trên. Để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng, NHNN bổ sung quy định các điều kiện chặt chẽ hơn khi thực hiện việc gia hạn nợ.

* Khoản nợ như thế nào sẽ được tiếp tục gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ?

- Các TCTD được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Cụ thể, vốn phải được sử dụng đúng mục đích. Đồng thời, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ là phù hợp với mục đích của dự án vay vốn trong hợp đồng tín dụng...

* Để ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ mà giấu nợ xấu, các TCTD phải đảm bảo yêu cầu chặt chẽ hơn là gì?

- NHNN đặt ra một loạt yêu cầu buộc các TCTD phải đảm bảo khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Cụ thể, TCTD phải có cơ chế kiểm soát nội bộ đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đảm bảo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Đối với từng khoản nợ, TCTD phải kiểm soát lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mỗi khoản nợ chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ một lần duy nhất...

Mặt khác, TCTD phải thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi khoản nợ được cơ cấu lại. Trường hợp khoản nợ đã được gia hạn rồi mà đến hạn vẫn không trả được thì TCTD phải phân loại khoản nợ đó vào nhóm nợ có độ rủi ro cao hơn.

Theo Lê Thanh

hangnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên