MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không công bằng nếu so lãi suất vay công ty tài chính với ngân hàng

22-02-2016 - 15:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất các khoản vay tiêu dùng trên thị trường được các công ty tài chính áp dụng thường dao động từ 1,6-7%/tháng tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng thỏa mãn được nhiều hay ít các điều kiện cho vay.

Huy động vốn, rủi ro “kéo” lãi suất cho vay

Dựa vào lịch sử tín dụng, khả năng chi trả của khách hàng, đặc thù sản phẩm vay..., công ty tài chính sẽ đặt ra nhiều mức lãi suất cho các đối tượng khách hàng. Những khách hàng càng có nhiều thông tin chứng minh khả năng trả nợ sẽ càng được hưởng mức lãi suất cho vay thấp. Bên cạnh đó, lãi suất cũng phụ thuộc vào thời gian vay, khoản trả trước.

Theo ThS. Trần Ngọc, chuyên gia tài chính ngân hàng, các khoản vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường có mức lãi suất cao hơn mức cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại do phân khúc khách hàng mà công ty tài chính hướng đến phục vụ là những đối tượng không đủ điều kiện hoặc ngại tiếp cận tín dụng từ ngân hàng. Hơn nữa, hình thức cho vay tiêu dùng là cho vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo trong khi vay ngân hàng thường dưới hình thức thế chấp, do đó, rủi ro tín dụng lớn sẽ phải đi kèm với lãi suất cao.

Cũng theo ông Ngọc, với đặc thù không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà phải vay lại từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác nên chi phí vốn đầu vào của công ty tài chính cũng sẽ cao hơn nhiều so với các ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng không giống như hoạt động cho vay mua nhà, mua ô tô của ngân hàng mà thường là những khoản vay nhỏ, gắn liền với hoạt động mua sản phẩm của khách hàng tại điểm bán.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở các nước châu Âu hay Ấn Độ, Trung Quốc..., lãi suất vay tiêu dùng do các công ty tài chính cung cấp thường cao gấp 10 lần so với lãi suất của ngân hàng thương mại, tuy nhiên, thị trường này vẫn phát triển và khách hàng hoàn toàn chấp nhận mức lãi suất trên.

Tương tự, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cũng so sánh với một số nước như Đức, Mỹ, các khoản cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cũng có mức cao từ 0,5 đến 3 lần so với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng. Cụ thể, mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại ở Đức có thế chấp chỉ ở khoảng 2-6% /năm nhưng mức cho vay tín dụng tiêu dùng lại lên đến 9%/năm.

"Việc lãi suất thấp hay cao không có sự khác biệt theo góc độ tổ chức tín dụng mà thực chất là theo mức độ rủi ro của việc thu hồi vốn và đây mới chính là bản chất kinh tế của thị trường vốn. Ngân hàng thương mại luôn có lãi suất tốt nhất trong các hoạt động cho vay nhưng họ cũng đòi hỏi chỉ tiêu chặt chẽ về khả năng trả nợ như đòi hỏi khách hàng phải có tài sản thế chấp hoặc chứng minh được phương án trả nợ và mức thu nhập an toàn. Trong khi đó, công ty tài chính có mức độ yêu cầu cho vay thoáng hơn so với hệ thống ngân hàng thương mại song bù lại, họ buộc phải định ra mức lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro", ông Hiển phân tích.

Đại diện một công ty tài chính cũng cho biết, không công bằng nếu so sánh lãi suất cho vay của công ty tài chính với ngân hàng thương mại vì các công ty tài chính không có chức năng huy động vốn trực tiếp từ người dân như các ngân hàng thương mại, nguồn vốn được tạo lập qua hình thức phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu…

Hầu hết, các kênh huy động qua phát hành trái phiếu, tín phiếu… kể trên đều có giá khá đắt đỏ.Lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp phát hành phải hấp dẫn hơn trái phiếu Chính phủ mới có thể huy động được vốn. Trái phiếu phát hành luôn có kỳ hạn dài 3-5 năm, trong khi cho vay tiêu dùng chủ yếu là kỳ hạn ngắn, chỉ từ 6-18 tháng, và giá trị khoản vay rất nhỏ.

Áp trần lãi suất: Nên hay không?

Những lý giải của các chuyên gia hay đại diện các công ty tài chính đưa ra liên quan đến chênh lệch lãi suất cho vay giữa công tài chính và các ngân hàng thương mạichắc hẳn không làm tất cả người tiêu dùnghài lòng. Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu có nên áp trần lãi suất đối với vay tiêu dùng hay không?

Theo TS. Cấn Văn Lực, Ngân hàng Nhà nước không nên áp dụng lãi suất trần đối với lĩnh vực vay tiêu dùng bởi lãi suất phải tuân theo cơ chế thị trường. "Lãi suất được ví như giá cả của một loại hàng hóa.Nếu như rủi ro cao thì đương nhiên lãi suất phải cao", ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, nếu áp trần lãi suất thì lập tức sẽ làm méo mó thị trường và đi ngược lại với tinh thần hội nhập của Hiệp định TPP. Đối với các điều khoản của TPP, Nhà nước sẽ phải hạn chế can thiệp thị trường.

Ngoài ra, việc định giá lãi suấtnên để cho công ty tài chính và khách hàng tự thỏa thuận với nhau. "Tuy nhiên, khách hàng cũng cần thông minh hơn hoặc có thông tin minh bạch hơn để có thể đàm phán cũng như có thể hiểu về lãi suất, đặc biệt là lãi suất quá cao theo kiểu lãi suất tín dụng đen để mà phòng tránh. Nếu như các công ty tài chính cho vay lãi suất quá cao thì cơ quan quản lý cũng cần thiết phải vào cuộc", ông Lực khuyến cáo.

Ngoài ra, ông Lực cũng cho biết, việc mở rộng kênh cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính sẽ giúp người tiêu dùng tăng khả năng tiếp cận vốn mà không cần tài sản đảm bảo mặc dù với hình thức này, rủi ro cho các công ty tài chính sẽ cao hơn nên có thể lãi suất sẽ cao hơn. "Trong cuộc đua khốc liệt này, công ty tài chính nào đưa ra được mức lãi suất tốt nhất sẽ có lợi thế nhất", ông Lực nói.

 

Minh Quang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên