Không nhanh chóng bơm tiền sẽ mất cơ hội
Tín dụng như chiếc xe chạy trên đường, tự bản thân nó muốn đi nhanh cũng không được mà phải phụ thuộc vào tốc độ của các xe phía trước.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lúc này cần các chính sách nhanh hơn, mạnh hơn, táo bạo hơn để kích thích nền kinh tế.
Ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ví von như vậy khi bàn về tình trạng tín dụng “mới chỉ ngoi lên mặt đất hiện nay”. Ông Phước nói: Đến hết quý 1, tín dụng mới chỉ tăng 0,01% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng thấp có một phần do nợ xấu, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do sức cầu của nền kinh tế tuy có phục hồi nhưng còn chậm.
* Chính phủ đã chỉ đạo phải tăng tốc tín dụng trong quý 2, nhưng thực hiện yêu cầu này có dễ không khi nợ xấu vẫn đang là rào cản cho việc tiếp cận vốn?
Ông Trương Văn Phước -Ảnh: T.ĐẠM |
Khi các dự án đầu tư công khởi động trở lại, tín dụng qua quý 2 sẽ tăng trưởng nhiều hơn, nhưng cũng cần có các chính sách để kích thích nền kinh tế. Lúc này đừng nên tranh luận kích cầu hay kích cung nữa, mà cần phải hành động khẩn trương. Việc bơm tiền ra như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là việc nên làm và làm nhanh. Nếu không như thế, ta sẽ mất đi một cơ hội tốt.
* Ông có thể nói rõ hơn về các chính sách kích thích nền kinh tế?
- Một trong những cách để kích thích nền kinh tế là cần hỗ trợ thị trường bất động sản. Thủ tướng cũng đã kết luận ba, bốn tháng nay rồi nhưng chính sách cụ thể hóa ý tưởng đó còn rất chậm. Phải sớm có khuôn khổ pháp lý cho Việt kiều, người nước ngoài mua đất đai, nhà cửa; tạo điều kiện cho người nước ngoài tham gia sở hữu cổ phần trong một số lĩnh vực với tỉ lệ cao hơn nhằm kích thích dòng vốn ở nước ngoài vào VN nhiều hơn.
Có ý kiến lo ngại lãi suất thấp thì tiền sẽ chảy vào chứng khoán, bất động sản. Tôi nghĩ rằng đừng nên lo sợ quá như vậy, vì lãi suất thấp xuống sẽ làm doanh nghiệp vay vốn với chi phí rẻ hơn, có thêm những khoản vay vốn mới. Đương nhiên, kích thích nền kinh tế không nên để chính sách tiền tệ đơn thương độc mã mà cần sự phối hợp, thậm chí là hỗ trợ của chính sách tài khóa, chẳng hạn như đầu tư công.
* Khơi thông dòng vốn là đúng, nhưng lúc này doanh nghiệp cũng đang đau đầu với câu hỏi “vay vốn để làm gì”?
- Đúng là như thế. Câu hỏi hiện nay của hầu hết doanh nghiệp là vay vốn để làm gì, sử dụng vốn thế nào để có thể tái tạo dòng tiền trả nợ gốc và lãi vay. Theo tôi, các điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng đã dễ dàng hơn trước rất nhiều, nhưng tổng cầu của nền kinh tế chuyển biến chậm là nguyên nhân chính cản bước tăng trưởng tín dụng. Cải thiện tổng cầu sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất cho câu hỏi “vay vốn để làm gì?”.
* Lãi suất huy động đã giảm mạnh nhưng vì sao lãi suất các khoản vay cũ vẫn còn cao, thưa ông?
- Mấy năm qua kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng, buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng rất nhiều. Những khoản vay trước đây doanh nghiệp không trả được nợ gốc đã đành, mà lãi cũng không trả được. Mặt khác, lãi suất huy động tuy có xuống 1% cách đây một tháng nhưng chi phí huy động vốn do kỳ hạn của các khoản tiền gửi thì ít nhất từ 3-6 tháng sau tỉ trọng vốn huy động lãi suất thấp mới từ từ tăng lên, làm cho chi phí huy động vốn bình quân giảm thấp xuống.
Tín dụng trong năm 2013 tăng trên 12% và Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép (quyết định 780) các tổ chức tín dụng tiếp tục dự thu nguồn lãi từ cho vay, nhưng thực tế thu các khoản dự thu này rất ít, chưa kể lãi treo vẫn còn dồn tích rất lớn nên lãi suất cho vay giảm chậm hơn kỳ vọng.
Ngân hàng Nhà nước lý giải tín dụng tăng thấp Trong thông cáo vừa phát đi, Ngân hàng Nhà nước lý giải tín dụng quý 1 tăng thấp là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nợ đọng ngân sách, nợ giữa doanh nghiệp và ngân hàng... Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chưa có nhu cầu vay vốn. Theo Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng không thể tự đẩy tăng trưởng tín dụng theo mong muốn của mình, càng không thể tăng trưởng tín dụng vào những địa chỉ tiềm ẩn rủi ro mà cần sự phối hợp đồng bộ từ phía các giải pháp chính sách vĩ mô khác. Chẳng hạn, đẩy mạnh giải ngân, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, tạo điều kiện cho các dự án FDI triển khai và hoạt động, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cam kết và bố trí đủ vốn đối ứng để giải ngân vốn ODA... |