Kỳ vọng tăng lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn cao
Lực cầu yếu, lạm phát tăng cao trở lại và nhu cầu huy động vốn để bù đắp thiếu hụt cho ngân sách nhà nước trong năm nay có thể là những nguyên nhân dẫn đến kỳ vọng lãi suất TPCP tiếp tục tăng.
Kết quả đấu thầu tiếp tục ảm đạm trong tháng 8
Trong tháng 8, thị trường TPCP sơ cấp diễn ra ảm đạm với tỷ lệ trúng thầu thấp. Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức đấu TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu là 14.000 tỷ đồng, trong đó loại kỳ hạn 2 năm (5.500 tỷ đồng), 3 năm (4.500 tỷ đồng), 5 năm (3.000 tỷ đồng) và 10 năm (1.000 tỷ đồng). Kết quả huy động được tổng cộng 5.725 tỷ đồng, đạt tỷ lệ xấp xỉ 41%, trong đó đó loại kỳ hạn 2 năm (2.950 tỷ đồng), 3 năm (1.775 tỷ đồng), 5 năm (0 đồng) và 10 năm (1.000 tỷ đồng).
Phiên đấu thầu gần đây nhất, ngày 19/8, TPCP kỳ hạn 2 năm có tới 20 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 3.600 tỷ đồng. Vùng lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 7,30-8,60%/năm. Kết quả, huy động được 50 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 7,30%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 22/8/2013).
Tương tự, TPCP kỳ hạn 3 năm có 8 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 1.340 tỷ đồng. Vùng lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 7,70-8,80%/năm. Kết quả, huy động được 50 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 7,70%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 22/8/2013). TPCP kỳ hạn 10 năm có 5 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 1.034,5 tỷ đồng. Vùng lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 8,80-10,00%/năm. Kết quả, huy động thành công 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 8,90%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 29/7/2013). Trái phiếu kỳ hạn 5 năm không có lãi suất trúng thầu.
Kỳ vọng tăng lãi suất TPCP vẫn cao
Mặc dù sức nóng từ thị trường tiền tệ đã giảm nhiệt rất nhiều so với tháng trước thể hiện rõ nét qua lãi suất và giao dịch qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, đồng thời NHNN giảm lượng cung tiền qua thị trường mở và giảm khối lượng phát hành tín phiếu cũng như giảm khối lượng vàng đấu thầu, qua đó đã giảm lực hút tiền qua các nghiệp vụ thị trường mở, phát hành tín phiếu và đấu thầu vàng.
(Xem thêm bài Nhìn lại thị trường tiền tệ tháng 8 và 8 tháng đầu năm)
Tuy nhiên, kỳ vọng tăng lãi suất TPCP vẫn cao do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, lãi suất tín phiếu NHNN kỳ hạn 91 ngày (hiện tại là 4,5%/năm) và tín phiếu 154 ngày (hiện tại là 5%/năm), vẫn còn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, nếu so sánh với lãi suất TPCP kỳ hạn 1 năm là 6,25%/năm (ở phiên đấu thầu gần nhất ngày 19/8) và lãi suất TPCP kỳ hạn 2 năm là 7,3%/năm (ở phiên đấu thầu gần nhất ngày 29/8).
Thứ hai, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, mặc dù đã giảm mạnh so với cuối tháng 7, nhưng vẫn ở mức cao. Kết thúc ngày 30/8, lãi suất qua đêm là 2,23%/năm (giảm 1,57% so với ngày 31/7). Lãi suất kỳ hạn 1 tuần, kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng tại ngày cuối cùng tháng 8 lần lượt là 3,00%/năm; 4,47%/năm và 5,49%/năm, giảm lần lượt là 2,38%; 1,00% và 0,63% so với ngày 31/7.
Thứ ba, kỳ vọng lạm phát tăng cao trong những tháng còn lại của năm và kỳ vọng KBNN tiếp tục tăng lãi suất để huy động TPCP nhằm bù đắp thiếu hụt cho ngân sách nhà nước trong năm cũng là một nguyên nhân cần phải kể đến (chỉ số lạm phát, gần như tăng rất thấp thậm chí còn rơi vào tình trạng giảm phát từ tháng 3 đến tháng 7, đã tăng 0,83% so với tháng trước ; trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, kể từ đầu năm đến nay, KBNN mới chỉ huy động được 101.413,57 tỷ đồng TPCP qua hình thức đấu thầu KBNN và các tổ chức phát hành phải nỗ lực để hoàn thành kế hoạch phát hành trong thời gian tới. Việc này có thể kéo theo lãi suất của trái phiếu sẽ tăng nhẹ trở lại để hấp dẫn các tổ chức tài chính.
Diễn biến lãi suất TPCP các kỳ hạn 1 năm (màu trắng), 2 năm (màu cam), 3 năm (màu đỏ) và 5 năm (màu xanh)
Trong ngày 5/9 tới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành. Phiên đấu thầu có tổng khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng với 3 loại kỳ hạn: 2 năm (2.000 tỷ đồng), 3 năm (1.000 tỷ đồng) và 5 năm (2.000 tỷ đồng).
Nguyễn Lê