MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi lớn, lương cao: Ngân hàng vào vận mới

20-05-2015 - 08:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Liên tiếp báo lãi ngàn tỷ, cùng với đó là những con số về lương cao, tuyển người rầm rộ… ngân hàng dường như lại vào thời vận mới.

Trong khó khăn, lợi nhuận vẫn tăng

Dù chịu sức ép xử lý nợ xấu và tái cơ cấu nhưng hàng loạt NH đã có kết quả kinh doanh quý I/2015 khá ấn tượng. Một số NH lớn báo lơi nhuân tăng caoo và thuộc “câu lạc bộ nghìn tỷ” như Vietcombank, VietinBank, BIDV.

Dù phải trích lập dự phòng rủi ro lớn, xếp đầu bảng về khả năng tự xử nợ xấu, Vietcombank vẫn chứng kiến lợi nhuận tương đối ổn định ở mức 1.456 tỷ đồng trước thuế. Tiền gửi và tăng trưởng tín dụng của NH này đều dương 2,3-3,3%. Tỷ lệ nợ xấu dưới ngưỡng 3%.

VietinBank lợi nhuận trước thuế quý I/2015 tăng 7% so với cùng kỳ 2014 lên 1.564 tỷ đồng. Tổng tài sản và nguồn vốn của VietinBank đều tăng mạnh 16-18% lên tương ứng 646 và 578 nghìn tỷ đồng. Dự nợ tín dụng tăng mạnh tới 27% so với cùng kỳ lên 551 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 1,5% tương đương với tỷ lệ nợ xấu cùng kỳ năm 2014 và ở mức đảm bảo an toàn.

BIDV cũng vừa công bố lãi sau thuế 3 tháng đầu năm đạt 1.856 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và hoàn thành 24,5% kế hoạch cả năm. Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) sau hơn một năm tái cơ cấu cũng đã ghi nhận lợi nhuận quý I/2015 tăng gấp gần 7 lần cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 2% và huy động vốn tăng ấn tượng tới 10%.

MB công bố quý I/2015 lãi 620 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính khoản dự phòng khổng lồ thì lợi nhuận của MB trong quý này đạt tới gần 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ. VPBank ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi còn Techcombank tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.

SHB tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời kỳ hậu sáp nhập Habubank về. NH này đã đẩy nợ xấu về chỉ còn 2,66%. Lợi nhuận sau thuế, trong khi đó vẫn đạt gần 170 tỷ đồng và tăng trưởng tín dụng 7,5%.

Ở phía Nam, Eximbank có lợi nhuận trước thuế quý I/2015 tăng gần 24% lên 545 tỷ đồng. Nợ xấu giảm hơn 100 tỷ đông so với cuối năm 2014 và chiếm 2,47% trên tổng dư nợ. ACB cũng chứng kiến lợi nhuận tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu giảm về gần 2%. Huy động vốn và tín dụng đều tăng.

Lại "hot" như xưa

Trong vài năm gần đây, khối NH đã gặp rất nhiều khó khăn. Nợ xấu là sức ép rất lớn đối với các NH. Nó khiến nhiều NH thua lỗ, không trả được cổ tức hoặc ít nhất cũng ăn mòn phần lớn lợi nhuận. Trong năm 2012-2013, hàng loạt các NH đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên. Làn sóng cắt giảm nhân sự bùng nổ tại Eximbank, Maritimebank và ngay cả ở các ông lớn có gốc quốc doanh.

Sự tụt giảm về lương thưởng cũng như áp lực công việc đã khiến khoảng 10% nhân sự trong lĩnh vực NH quyết định ra đi để tìm nghề nghiệp mới trong năm 2014.

Tuy nhiên, từ cuối 2014 nhiều NH bắt đầu lấy lại được thăng bằng, lấy lại được sức mạnh của mình và bắt đầu tuyển ồ ạt nhân sự.

Đầu năm 2015, cả chục NH từ lớn tới nhỏ đã rầm rộ công bố tuyển dụng với số lượng lên tới hàng nghìn người phục vụ mục tiêu mở rộng và cho cuộc đua vào tốp 10 NH hàng đầu Việt Nam.

Vietcombank có kế hoạch tuyển 700 người trong năm 2015 sau khi đã tuyển 235 người trong 2014; HDBank tuyển 1.300 người trong năm 2014 và vẫn có kế hoạch tiếp tục phát triển về quy mô; Eximbank dự kiến tuyển 1.000 cán bộ NH trong năm 2015; còn PVcomBank dự kiến sẽ tuyển cả nhân viên chính thức và cộng tác viên khoảng 700 người…

Lương thưởng tại các NH cũng có dấu hiệu cải thiện. Báo cáo quý I/2015, nhiều NH cũng đã công bố lương chi trả cho nhân viên ở mức khá cao so với nhiều ngành nghề khác.

Mức lương trung bình của Techcombank lên tới hơn 19 triệu đồng/tháng; Vietcombank với 18,75 triệu đồng; BIDV 18,5 triệu đồng/tháng; VietinBank 18,2 triệu đồng/tháng; MB 17,22 triệu đồng; Sacombank và ACB có mức chi lương trung bình khoảng hơn 15 triệu đồng/tháng; Eximbank 11,9 triệu đồng.

Báo cáo của các NH cho thấy, lợi nhuận tăng, nợ xấu giảm phần lớn là do các NH đã thắt chặt các khoản chi phí, đẩy mạnh cho vay và mở thêm sản phẩm dịch vụ.

Theo BIDV, lợi nhuận của NH này tăng là nhờ điều chỉnh các khoản chi phí nội bộ giữa ngân hàng và các công ty con. VietinBank chứng kiến lợi nhuận tăng 7% so với cùng kỳ là nhờ dư nợ tín dụng tăng mạnh (+27%) và chất lượng nợ được đảm bảo, mở rộng nhiều sản phẩm dịch vụ như sản phẩm thẻ, dịch vụ NH điện tử....

Một số NH có lợi nhuận tăng ấn tượng nhờ tập trung vào mảng tín dụng tiêu dùng - một mảng tiềm năng rất lớn, lợi nhuận cao nhưng chưa được các NH nội khai thác mạnh.

Hàng loạt các NH gần đây đã mở thêm công ty tài chính, mua công ty tài chính như BIDV, ACB, Techcombank, HDBank, SHB, MaritimeBank, VPBank… để thâm nhập sâu vào lĩnh vực đầy hấp dẫn này.

Đây cũng là một tín hiệu nữa cho thấy, các NH có thể còn gặt hái được những kết quả kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới. Rất có thể, thời vận tốt đang đến với các NH, nhất là những đơn vị còn trụ lại được sau công cuộc tái cấu trúc.

Ngân hàng nào có lợi nhuận đáng mơ ước nhất quý 1/2015?

Theo Lê Hà

PV

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên