MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất huy động trên đà giảm nhẹ

02-09-2011 - 10:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Thanh khoản dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng chậm được cho là những nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đang hạ nhiệt so với trước.

Mức giảm khoảng 1-2% tiếp tục diễn ra tại nhiều ngân hàng. Chị Hằng ở Đống Đa (Hà Nội) đem gửi tiết kiệm 200 triệu tại một ngân hàng thương mại cổ phần trên phố Vương Thừa Vũ (Hà Nội) cho biết, lãi suất cho kỳ hạn 1 tháng hiện nay chỉ còn ở 17%, thay vì 18% như chị được lĩnh tháng trước.

Những nhà băng "đình đám" trong công cuộc chạy đua huy động tiền gửi với lãi suất cao cũng đang dần chùn chân. Một ngân hàng thương mại cổ phần trên phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) trước đây luôn ưu đãi lãi suất vượt trần rất cao cho khách gửi tiền nhưng sáng 1/9, nhân viên cho biết lãi huy động cao nhất cũng chỉ còn 17,5% cho các khoản tiền từ 200 triệu đồng trở lên. Hơn một tháng trước, đơn vị này sẵn sàng áp dụng kỳ hạn một tháng là 18-19% một năm.

Một nhân viên tín dụng ngân hàng tại phố Xã Đàn (Hà Nội) cũng cho biết, với các khoản tiền từ 100 triệu đồng trở lên, kỳ hạn 1 tháng có lãi suất 18% một năm. Từ 2 đến 3 tháng, mức này giảm dần 0,5%. Đây là mốc cao so với mặt bằng chung, nhưng tại ngân hàng này, chỉ khoảng một tháng trước, mức lãi suất có thể đạt 19% một năm cho các khoản tính bằng trăm triệu.

Thậm chí, một số ngân hàng đã có chiều hướng kén chọn hơn. Chị Ngọc Anh, ở Mỹ Đình (Hà Nội) gửi 50 triệu đồng và được nhận lãi suất 16% một năm tại một ngân hàng thương mại trên phố Nguyễn Lương Bằng chia sẻ, đến hạn tất toán sổ, chị làm thủ tục gửi tiếp thì được nhân viên thông báo lãi suất đã giảm, chỉ còn 15% một năm cho kỳ hạn 1 tháng. Theo giải thích của nhân viên, thời kỳ này, nguồn vốn huy động được tương đối đầy đủ, trong khi cho vay không được bao nhiêu nên không cần bằng mọi giá để huy động vào. Với các khoản tiền nhỏ như chị, nhiều ngân hàng còn để lãi chỉ 14% như quy định.

Thanh khoản của của nhiều đơn vị đang dồi dào, tốc độ lạm phát được kiểm soát hơn được cho là hai trong số những nguyên nhân khiến lãi suất đầu vào bớt căng. Thực tế, nguồn huy động hiện nay không còn căng thẳng, nhất là sau những biện pháp từ Ngân hàng Trung ương. Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh từ mức trên 20% một năm xuống chỉ còn khoảng 12% một năm, do đó, nếu có nhu cầu, các nhà băng có thể gom vốn từ nhau thay vì bị giới hạn như trước.

Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt cho biết, có 2 nhân tố chính tác động đến đà giảm của lãi suất huy động hiện nay tại các ngân hàng mà đầu tiên phải kể đến sự hạ nhiệt của lãi cho vay. Ông nhìn nhận, nhu cầu tín dụng đã giảm mà theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 7, tín dụng bằng đồng Việt Nam đã giảm 0,8%. Nguyên nhân cũng vì lãi suất đầu ra quá cao, người đi vay dần cân nhắc khi, không phải bằng mọi giá để vay tiền như trước.

Ngoài ra, theo Tổng giám đốc Bảo Việt Bank, Thông tư mới ban hành của Ngân hàng Nhà nước cũng khiến cho thị trường một (nguồn vốn huy động từ dân cư, người gửi) và thị trường hai (vốn liên ngân hàng) được liên thông. "Các ngân hàng thiếu vốn không còn bó buộc phải cắm đầu cắm cổ gom từ thị trường một nữa, mà có thể huy động nguồn giá rẻ từ thị trường hai. Điều này cũng tác động đến giảm lãi suất đầu vào", ông nhận định.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần khác lại cho rằng, xu hướng giảm lãi đầu vào chưa nhìn thấy rõ mà vẫn lừng khừng, lúc xuống, lúc lên. Nguyên nhân là không giải phóng được vốn ra, nên ngân hàng cũng chẳng rốt ráo huy động. Thừa tiền nhưng lại không thể cho vay, các ngân hàng tăng cung tiền vào dự trữ bắt buộc khiến cho dự trữ này tại Ngân hàng Nhà nước dư thừa khoảng 37.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, huy động vốn hiện nay vẫn chịu áp lực cạnh tranh để giữ chân khách. Ông nhìn nhận, khách hàng không cần biết ngân hàng nào uy tín hay không, lớn hay nhỏ mà chỉ cần thấy huy động cao hơn chỗ khác 0,5% đã ào ạt chạy sang gửi tiền khiến cho làn sóng chạy đua huy động chưa có dấu hiệu ngừng lại. "Nhiều người than phiền, ngân hàng chỉ ưu ái cho người gửi tiền nên mới áp lãi cao, còn người đi vay è cổ gánh. Đáng lẽ lãi suất gửi phải thấp mới công bằng, nhưng chính chúng tôi cũng phải chạy đua, nếu muốn giữ chân khách hàng, vì nếu không người ta ôm hết tiền sang chỗ khác", ông phân trần.

Dù vậy, CEO này nhìn nhận, có thể sau một tuần nữa, tất cả các ngân hàng sẽ phải đồng loạt giảm lãi suất, mức thỏa thuận lúc ấy sẽ là mức trần, có nghĩa là không chuyện thỏa thuận nữa. Yếu tố quan trọng nhất hiện nay là Ngân hàng Nhà nước phải kiên định, kiên quyết với việc giám sát hoạt động của các ngân hàng nhỏ.

Theo Tuệ Minh

VnExpress

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên