MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất USD ở Việt Nam cao gấp 10 lần thế giới

10-09-2010 - 21:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi lãi suất huy động USD kỳ hạn 3 tháng ở thị trường quốc tế chỉ 0,25-0,35% một năm thì tại Việt Nam, một số nhà băng vẫn tiếp tục tăng mức huy động lên 4,5-4,6%.

Kể từ đầu tháng 9, Eximbank – một ngân hàng vốn rất mạnh về nguồn USD, đã công bố tăng lãi suất huy động ngoại tệ. Tiết kiệm USD kỳ hạn 3 tháng của nhà băng này lên mức 4,35% một năm, còn 12 tháng là 4,45%. Vào ngày 8/9, ACB cũng chính thức công bố tăng lãi suất tiết kiệm đôla bằng với Eximbank.

Một số ngân hàng khác còn đẩy lên ở mức cao hơn. Ngân hàng liên doanh Việt Nga và cổ phần An Bình còn đưa kỳ hạn 3 tháng lên mức 4,5 và 4,6%; 12 tháng được tăng lên 5,2%. Một đại gia về nguồn vốn đôla là Vietcombank hiện cũng để kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,5%.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, do các nhà băng khác đồng loạt tăng nên ACB phải đưa lên để giữ chân khách hàng chứ không muốn chạy đua. Vị lãnh đạo này cho rằng lãi suất USD Việt Nam đã quá cao so với thế giới và không nên tăng nữa. Ông này thông tin, mức huy động USD kỳ hạn 3 tháng trên thị trường quốc tế chỉ khoảng 0,25-0,35% một năm. Trong khi đó, ở Việt Nam mức này đã bị đẩy lên tới 4,5-4,6%.

Một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Công thương Việt Nam tiết lộ, các nhà băng đều biết lãi suất đôla đã ở mức rất cao nhưng không ai chịu giảm mà vẫn đua tăng là bởi muốn giữ hoặc giành thị phần huy động. “Nếu so với thị trường quốc tế, lãi suất đôla tại Việt Nam đang cao một cách phi lý”, chuyên gia về nguồn vốn này bình luận.

Trong khi đó, nguồn tin từ Eximbank cho biết, việc một số ngân hàng tăng lãi suất đôla trong thời gian gần đây là do nguồn huy động bị giảm tháng trước đó. Do tỷ giá đã tương đối ổn định và doanh nghiệp lại cần tiền đồng nên họ bán ngoại tệ cho ngân hàng làm cho nguồn tiền gửi đôla tại một số nhà băng không tăng, thậm chí có nơi giảm. Tăng lãi suất là để bù đắp việc này.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, huy động vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn quy ra tiền đồng tháng 8 ước đạt 167.100 tỷ đồng, giảm 4% so với tháng tháng trước. Trong khi đó, dư nợ ngoại tệ là 175.400 tỷ đồng, tăng 1%.

Giải thích về sự lệch pha khủng khiếp giữa lãi suất đôla trong nước và thế giới, ông Phan Đào Vũ - Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Bảo Việt phân tích, lãi suất đôla tại Việt Nam luôn cao đáng kể so với quốc tế trong nhiều năm. Trong 2 năm gần đây, do khủng hoảng tài chính toàn cầu, lãi suất trên thị trường quốc tế giảm cực mạnh. Ở Mỹ, ngân hàng Trung ương đưa lãi suất cơ bản còn 0%, Anh là 0,5%. Còn trong nước lãi suất đôla không giảm nên mức chênh lệch càng doãng rộng.

Về lý do khiến các nhà băng nội tiếp tục tăng lãi suất đôla mà không huy động từ quốc tế, ông Vũ nói: “Cá nhân thì có thể gửi tiền về Việt Nam để hưởng lãi suất USD ở mức cao, còn huy động vốn USD từ tổ chức nước ngoài với khối lượng lớn, mức lãi suất thấp như trên thị trường quốc tế như hiện nay là không thể. Vì thế, các ngân hàng trong nước đều phải trông chờ vào thị trường nội địa”.

Chuyên gia về tiền tệ này cho rằng, việc tiếp tục tăng lãi suất USD ở một số ngân hàng trong bối cảnh thị trường quốc tế đang đứng yên hoặc giảm không có gì mâu thuẫn. Ngoài nguyên nhân không thể huy động được từ quốc tế, một nguyên nhân khác bắt nguồn từ lãi suất tiền đồng.

Ông Vũ phân tích, với mức lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn khoảng 13-15% một năm vào hiện tại thì doanh nghiệp có thể chấp nhận USD ở mức 6-7% kèm biến động tỷ giá. Và vì thế, nguồn huy động đôla có thể dao động từ 4-5%.

Các nhà băng không giảm lãi suất tiết kiệm USD cũng chính vì lý do này. “Tùy thuộc vào cơ cấu và nguồn huy động đôla trước đó của từng ngân hàng mà họ có thể giữ nguyên hoặc tăng lãi suất thêm chút ít mà không cần phải giảm cho cân đối với thị trường quốc tế”, lãnh đạo của Ngân hàng Bảo Việt nói.

Phó tổng giám đốc của một công ty dệt may tại TP HCM cho biết, lãi suất vay vốn bằng USD để thanh toán cho những hợp đồng nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào khoảng 4,5-5% đối với doanh nghiệp xuất khẩu như hiện nay là chấp nhận được. Doanh nghiệp có thể tạm vay ngoại tệ của ngân hàng để thanh toán nợ nước ngoài, sau đó những hợp đồng xuất khẩu giao hàng trong quý IV sẽ có nguồn cân đối với ngân hàng.

Thực tế, nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ hiện nay trên thị trường chủ yếu là vốn ngắn hạn nên doanh nghiệp hạn chế được rủi ro biến động tỷ giá. Trong khi đó, lãi suất tiền đồng ở mức cao nên việc vay ngoại tệ từ ngân hàng trong nước vẫn hấp dẫn và doanh nghiệp cũng ít quan tâm đến lãi suất trên thị trường quốc tế là bao nhiêu.

Theo Lệ Chi – Hoàng Ly
Vnexpress

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên