MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất vay tiêu dùng qua thẻ cao chót vót

15-01-2014 - 11:19 AM | Tài chính - ngân hàng

Trái ngược với các chương trình cho vay có mức lãi suất thấp, lãi vay tiêu dùng qua thẻ vẫn ở mức rất cao và đang có chiều hướng tăng.

31%/năm

Tham khảo LS vay thẻ tín dụng của một NH nước ngoài khác, loại thẻ Visa bạch kim là 27,8%/năm, thẻ vàng là 28%/năm và thẻ tiêu chuẩn là 31,2%/năm. 

Ngoài mức LS này, chủ thẻ còn chịu các loại phí khác như phí chậm thanh toán tài khoản là 4% khoản nợ tối thiểu (tối thiểu 80.000 đồng - tối đa 630.000 đồng), phí vượt hạn mức tín dụng là 100.000 đồng, trong trường hợp chủ thẻ dùng thẻ tín dụng rút tiền mặt còn phải “cõng” thêm loại phí rút tiền mặt là 4% và phí chuyển đổi ngoại tệ từ 2,75 - 4% tùy theo loại thẻ khi rút tiền ở nước ngoài.

Tại Ngân hàng (NH) Citibank trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), chúng tôi được nhân viên hướng dẫn những thông tin về mở thẻ tín dụng với những ưu đãi mà NH đang áp dụng. Trả lời về lãi suất (LS), nhân viên NH cho biết với số tiền khách hàng sử dụng đến ngày nhưng chưa thanh toán, LS cho vay là 2,15%/tháng (tương đương 25,8%/năm). 

“Nếu có nhu cầu rút tiền thì chị mở thêm thẻ tín dụng linh hoạt, LS tính trên dư nợ giảm dần. Đối với khoản vay từ 10 - 50 triệu đồng, LS là 2%/tháng (tức 24%/năm), từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, LS từ 1,75%/tháng (tức 21%/năm); khoản vay từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, LS 1,5%/tháng (tức 18%/năm)”, nam nhân viên của NH này nói.

Một NH cổ phần trong nước cũng vừa tăng LS thẻ tín dụng quốc tế từ mức 25,8% - 26,8%/năm lên mức 31%/năm. Tương tự, một số NH cổ phần trong nước áp dụng mức LS cho vay lũy tiến tùy theo số tiền của chủ thẻ, chẳng hạn như dưới 2,5 triệu đồng sẽ có LS vay là 19,5%/năm; từ 2,5 - 5 triệu đồng là 19%/năm, từ 5 - 10 triệu đồng là 18,5%/năm, từ 10 - 15 triệu đồng là 18%/năm... từ 300 - 500 triệu đồng là 14%/năm.

So với LS huy động tiền đồng 5 - 8,5%/năm và LS cho vay cá nhân có tài sản thế chấp ở mức 12%/năm thì mức LS cho vay trên gấp 2 - 6 lần.

Mức LS cho vay tiêu dùng “khủng” hơn thuộc về các công ty tài chính (CTTC) cá nhân, có nơi áp dụng 2,2%/tháng (tương đương 26,4%/năm), có nơi LS là 3 - 7%/tháng (tương đương 36% - 84%/năm).

Lãi suất cao để bù đắp rủi ro

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét loại hình cho vay qua thẻ tín dụng hay hình thức cho vay tiêu dùng mà các CTTC hiện đang triển khai là cho vay tín chấp. Trước đây, khách hàng vay tín chấp trong hệ thống NH chủ yếu là lãnh đạo cao cấp, có mức thu nhập cao, còn nay đối tượng khách hàng đã được mở rộng hơn. LS cho vay cao cho thấy, các tổ chức tín dụng hướng đến đối tượng khách hàng có độ rủi ro cao. LS cao nhưng do số tiền vay nhỏ nên nhiều khách hàng chấp nhận vay.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận định: “Trong LS cho vay tiêu dùng có tính tỷ lệ phần trăm độ rủi ro. Khi khách hàng không thể trả nợ thì phần thu lãi từ khoản vay sau để bù đắp cho khoản rủi ro trên. Thế nhưng LS cho vay tăng lên, những khách hàng vay sau không trả nổi lại dẫn đến nợ xấu. Đây là vòng luẩn quẩn. Họ đưa mức LS cho vay cao nhằm bù đắp rủi ro khi khách hàng không trả nợ, điều này vô tình đẩy những khách hàng thực hiện nghiêm túc phải gánh cho những khách hàng có độ rủi ro cao, đồng thời nợ xấu cũng tăng lên”.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, nhìn nhận đúng là LS cho vay đối với lĩnh vực này hiện nay cao và đã có nhắc nhở các đơn vị này. Thế nhưng quy định hiện nay, LS cho vay của khối khách hàng cá nhân này là mức LS thỏa thuận giữa 2 bên.

Tín dụng tiêu dùng có thể đạt 10% GDP

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển dự đoán trong vòng 5 năm tới kinh tế Việt Nam hồi phục và phát triển, thu nhập đầu người tăng và quá trình đô thị hóa mạnh thì tín dụng tiêu dùng Việt Nam có thể đạt 10%/GDP (hiện nay ở mức 5%/GDP), tức tăng bình quân mỗi năm 20%.

Theo Thanh Xuân

hangnt

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên