Lãi vay tiêu dùng cao như tín dụng đen
Lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang được các ngân hàng, công ty tài chính cá nhân tấn công mạnh với mức lãi suất “khủng”.
Gần 70%/năm
Tại cửa hàng Thế giới di động trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), sau khi chọn laptop Sony giá 16,99 triệu đồng, chúng tôi đề nghị được tư vấn mua hàng trả góp. Một nhân viên nữ tư vấn nếu vay 10 triệu đồng của Công ty TNHH thương mại ACS Việt Nam (ACS) trong vòng 6 tháng thì mỗi tháng sẽ trả cố định 1,887 triệu đồng (trong đó tiền gốc là 1,667 triệu đồng và lãi là 220.000 đồng). Lãi suất (LS) mà công ty cho vay là 2,2%/tháng, tương đương 26,4%/năm.
Cũng tại đây, một nhân viên nữ khác của Công ty tài chính PPF Việt Nam (PPF) tính sơ bộ khoản vay trên 10 triệu đồng, thời gian vay 12 tháng, người vay trả góp mỗi tháng 1,105 triệu đồng, trong đó ngoài tiền gốc, tiền lãi, người vay còn phải trả thêm phí ngân hàng 13.000 đồng/tháng, phí bảo hiểm cho khoản vay 325.000 đồng. Nhân viên tư vấn của PPF không đưa ra mức lãi suất (LS) cho vay mà họ chỉ nói số tiền phải góp từng tháng. Tuy nhiên, theo nhân viên quản trị mạng Thế giới di động, mức LS mà PPF áp dụng dao động từ 1,68 - 5,6%/tháng (tương đương 20,16 - 67%/năm).
Đến một điểm mua bán đồ dùng điện tử trên đường Tôn Thất Tùng, Q.1, TP.HCM, chúng tôi đề cập mua 1 laptop giá 24,99 triệu đồng, vay 12 triệu đồng trong vòng 12 tháng. Một nhân viên nam của Công ty PPF tại đây thông tin LS cho vay của công ty là 2,1%/tháng nhưng mức trả góp mà nhân viên tính cho chúng tôi lại lên tới 1,59 triệu đồng/tháng. Chúng tôi thắc mắc, nếu LS 2,1%/tháng thì tiền lãi không thể lên đến đến 590.000 đồng/tháng được. Sau một hồi vòng vo nói phí nọ, phí kia, người này làm tròn tiền lãi trong vòng 12 tháng là 7,08 triệu đồng cho khoản vay 12 triệu, nhưng không nói cụ thể LS bao nhiêu. Trong khi đó, tính trên số tiền lãi phải trả thì LS tương đương 60%/năm.
Hiện nay đa số các công ty tài chính thực hiện cho vay theo hình thức tín chấp. Nhân viên tư vấn của các công ty này đều cho rằng mức LS đưa ra tùy theo mức độ xử lý hồ sơ vay nhanh (trong vòng 30 phút) hay 24 giờ. Ngoài ra, trong trường hợp người vay muốn trả trước hạn cũng phải thanh toán phần lãi cho công ty. Chẳng hạn, khách hàng vay quá 4 tháng mà muốn thanh lý hợp đồng thì phải đóng 50% phần lãi của những tháng còn lại. Có công ty thì tính số nợ còn lại nhân với 15%.
Mập mờ cách tính
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Ngân hàng - Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận xét: “LS cho vay trên 70%/năm thì làm sao mà người vay chịu nổi. Nếu tính về số tiền góp hằng tháng mà người vay bỏ ra thì không nhiều nhưng tính về tỷ suất thì quá cao. Mức LS mà các công ty áp dụng cũng ngang ngửa LS mà các tiệm cầm đồ, cho vay nặng lãi áp dụng”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho rằng LS cho vay của các công ty tài chính đối với khách hàng dựa trên sự thỏa thuận. Nợ xấu của các công ty tài chính ở khoảng 15 - 20%. Vì rủi ro cao nên lãi vay cũng cao hơn.
Không đồng tình với lập luận đó, TS Dương phân tích, dù tỷ lệ nợ xấu của nhóm công ty tài chính cao, dù LS là do hai bên thỏa thuận với nhau nhưng mức LS cho vay trên 70%/năm vẫn khó chấp nhận.
Một điều đáng nói là sự mập mờ trong cách tính LS theo dư nợ giảm dần hay dư nợ ban đầu của nhiều công ty hiện nay. Hiện nay có 2 cách tính lãi, theo dư nợ ban đầu hoặc trả dần. Tùy theo cách tính, số tiền trả sẽ khác nhau. Ví dụ, một khoản vay 100 triệu đồng, thời gian vay 3 năm, lãi suất vay 12%/năm tính trên dư nợ giảm dần, phần lãi mà khách hàng phải trả cho khoản vay là 18,5 triệu đồng. Cũng với số tiền vay 100 triệu đồng, thời gian vay 3 năm và LS cho vay chỉ 8,5%/năm nhưng phương thức tính lãi trên dư nợ ban đầu, mỗi tháng khách trả gốc và lãi khoảng 3,5 triệu đồng. Số tiền này trả đều hằng tháng nên tính ra trong 3 năm, số lãi mà khách hàng trả khoảng 25,5 triệu đồng. Như vậy, với mức LS vay chỉ 8,5%/năm nhưng khách hàng lại phải trả tiền lãi nhiều hơn mức LS 12%/năm.
Vấn đề nằm ở chỗ phương thức tính lãi trên dư nợ ban đầu hay giảm dần. Nhưng các nhân viên tư vấn thường không nói rõ khiến không ít khách hàng cứ nhìn vào mức LS để quyết định và chỉ sau đó mới ngã ngửa vì số tiền phải trả quá cao.
NHNN cần vào cuộc Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN đánh giá việc các công ty tài chính cho vay LS cao có 2 vấn đề: công ty tài chính đang gặp khó khăn; hoặc người đi vay không đủ tiêu chuẩn vay NH, NH không cho vay. Tất cả những điều này đều mang tính rủi ro cao, nguy hiểm cho cả người vay và người cho vay. Do đó, NHNN cần có sự quản lý đối với công ty tài chính để không xảy ra rủi ro. Trong chiến lược phát triển NH, các NH đều chọn con đường là trở thành NH bán lẻ. Thế nhưng các sản phẩm dịch vụ của NH đối với lĩnh vực tiêu dùng hiện nay chỉ mới tập trung vào việc sửa nhà, mua ô tô, xe máy... Những khoản vay thấp dù chỉ 50 - 100 triệu đồng cũng cần có tài sản thế chấp. Vì vậy, thị trường tín dụng đối với những khoản vay nhỏ gần như vắng bóng NH và các công ty tài chính đang tận dụng tối đa khoảng trống này. TS Lê Thẩm Dương cho rằng, đặc trưng của thị trường bán lẻ là thị trường ngách, kênh phân phối cũng dạng ngách (có thể cho vay ngoài vỉa hè) và sản phẩm dịch vụ phải liên kết nên NH cũng không dễ triển khai. Tuy nhiên, nếu không sớm phát triển kênh này, các NH sẽ mất thị phần bán lẻ vào tay các công ty tài chính. Quan trọng hơn, sự tham gia của các NH vào thị trường này mới tạo ra LS cạnh tranh cho người tiêu dùng. |