MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để đẩy nhanh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng?

02-11-2014 - 13:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Một trong những việc phải làm là thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất, quản lý sở hữu chéo; xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu chéo...

Hầu hết các đại biểu Quốc hội ghi nhận, nỗ lực tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực.

Những dấu ấn quan trọng phải kể đến như nợ xấu sau 3 năm đã giải quyết được hơn một nửa (nợ xấu từ 460 ngàn tỷ năm 2012 giảm còn 252 ngàn tỷ đến giữa tháng 9 năm nay, tương đương tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%); 8 ngân hàng yếu kém thực hiện tái cơ cấu thông qua mua bán, sáp nhập; hầu hết các tổ chức tín dụng đều đã xây dựng phương án tái cơ cấu và được phê duyệt; lãi suất ngân hàng đã về ngang mức thấp của giai đoạn 2005 – 2006; tín dụng từng bước được khơi thông; an ninh tiền tệ được đảm bảo; hệ thống ngân hàng thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ…

Trong khi tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm thì tái cơ cấu ngân hàng đi đúng lộ trình được các đại biểu đánh giá là điểm sáng của tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên bên cạnh đó, các đại biểu đánh giá, quá trình tái cơ cấu vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc, dẫn đến một số e ngại liệu rằng 1 năm nữa là kết thúc giai đoạn tái cơ cấu theo đề án, ngành ngân hàng có thể tái cấu trúc được một cách triệt để hay không.

Báo cáo về Kết quả giám sát “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015” do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày trước Quốc hội sáng ngày 01/11 chỉ ra rằng, cho đến nay, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD vẫn thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số NHTM cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Thực tế trên tồn tại kéo dài nhiều năm, cần được xử lý từng bước.

Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu còn chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Hoạt động của VAMC còn gặp một số vướng mắc. Một là, mặc dù không sử dụng tiền ngân sách để mua nợ xấu nhưng những trái phiếu đặc biệt của VAMC phát hành có thể được sử dụng để vay tái cấp vốn, tái chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước; cùng với những bất cập trong quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến khó xử lý nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu này. Hai là, cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu.

Đại biểu Thân Đức Nam đoàn Đà Nẵng trong khi đó đánh giá cao nỗ lực của NHNN vì vừa phải thực hiện tái cơ cấu vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống. Nhưng ông cũng bày tỏ e ngại quá trình chuyển đổi một số ngân hàng nông nghiệp thành ngân hàng thương mại có sự đứng sau là các ông chủ bất động sản, từ thực tế đó đạt ra một câu hỏi lớn, liệu trong 1 năm tới NHNN có thực hiện được triệt để vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hay không, hay phải trông chờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản?

Đại biểu Huỳnh Văn Tính – Tiền Giang thì nhận định, theo đề án tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2011 – 2015 có 24 giải pháp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp xử lý sở hữu chéo song kết quả đạt được rất thấp. Quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, tính công khai của các TCTD trong việc công bố chính xác tỷ lệ nợ xấu chưa thực hiện tốt, tình hình kinh tế khó khăn, niềm tin thị trường giảm sút cũng ảnh hưởng đến tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM hiện nay.

Để góp phần đưa ra giải pháp nhằm giúp ngành ngân hàng đẩy nhanh tái cơ cấu, Báo cáo Kết quả giám sát do chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu kiến nghị: Tái cơ cấu ngành ngân hàng cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất, trần tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với NHTM mà thông qua sử dụng các công cụ gián tiếp để can thiệp phù hợp quan hệ cung-cầu thị trường; tách bạch chính sách tín dụng theo định hướng của Nhà nước với chính sách tín dụng thương mại. Đồng thời phải xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% tổng dư nợ.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính thì đề xuất, trước hết cần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững; môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thông thoáng nhằm tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước nhằm góp phần thực hiện tốt tăng trưởng kinh tế, nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế nước ta hiện nay vốn đang khó khăn.

Song song với đó cần đẩy nhanh việc chuyển đổi hoặc quy hoạch lại dự án Bất động sản khó có khả năng thực hiện trong tương lai bởi nhiều lý do khác nhau như thiếu vốn, dư cung và giải quyết tình trạng đóng băng. Cần sớm sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự phù hợp đồng bộ nhất là trong quan lý đất đai, phá sản doanh nghiệp thi hành án dân sự, cơ chế thực thi pháp luật tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện tốt thu hồi nợ xử lý tài sản nợ đảm bảo nhanh chóng nhằm hạn chế, khắc phục dần tình trạng nợ đọng nợ xấu của ngân hàng.

Quá trình tái cơ cấu hệ thống, theo đại biểu, ngân hàng mới chú trọng tái cơ cấu tài chính, chưa chú trọng quản trị và hoạt động. Do vậy tới đây cần chú trọng hơn vào quản trị và hoạt động nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu hoạt động ổn định, phát triển bền vững góp phần đạt mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó phải từng bước thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất, quản lý sở hữu chéo; xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong TCTD. Cần đề cao hơn nữa nguyên tắc thị trường, và kỷ cương kỷ luật an toàn trong hệ thống NH.


>>> Nếu ngân hàng yếu kém nên cho phá sản

Tùng Lâm

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên