Làm gì với “vàng miếng một chữ”?
NHNN đã lên tiếng rằng NHNN chỉ quản lý việc sản xuất, còn giá mua bán là việc của doanh nghiệp và thị trường. Như thế có nghĩa là NHNN cho rằng họ không liên quan gì đến chuyện công ty SJC trừ bớt giá mua vào vàng miếng một chữ.
- 31-03-2015SJC phân biệt vàng 1 chữ cái: Quyền lợi người tiêu dùng ở đâu?
- 31-03-2015SJC “chê” vàng miếng một chữ: Phải chăng ẩn chứa một điều gì bất thường?
- 30-03-2015Chê vàng miếng SJC “một chữ” vì bán bị trừ tiền
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Công ty SJC tuyên bố từ ngày 01/4 sẽ trừ đi 40.000 đồng/lượng khi mua những miếng vàng SJC có số series một ký tự một chữ (được gọi là vàng miếng một chữ).
Dư luận bất bình vì vàng miếng SJC là sản phẩm của chính công ty SJC sản xuất ra. Nên cứ theo lẽ thông thường như với bất kỳ một công ty kinh doanh vàng bạc có uy tín nào đó từ trước đến nay, họ thường sẽ mua lại sản phẩm của mình với giá thị trường mà không hề có sự phân biệt sản phẩm nào được sản xuất vào thời điểm nào thì sẽ có giá thế nào, đặc biệt khi sự khác biệt chỉ là 1 con chữ dập trên mặt miếng vàng cùng một chất lượng, mẫu mã như mọi miếng vàng tương đương khác.
Tất nhiên các công ty kinh doanh vàng nói chung có quyền từ chối không mua hoặc mua sản phẩm nào đó với giá rẻ hơn những sản phẩm khác tương đương, vì quả thực không hề có một luật nào cấm họ làm vậy, đồng thời họ cũng không có một cam kết nào bằng văn bản rằng họ sẽ phải mua đồng giá sản phẩm đó như sản phẩm tương đương. Đổi lại, cách làm ăn theo kiểu “đuổi khách đi” như thế này thì thường không bền vững và những doanh nghiệp này khó mà trụ lâu được.
Nhưng có lẽ công ty SJC thì họ không sợ cái viễn cảnh khách bỏ đi vì luôn có nhu cầu lớn nắm giữ vàng miếng SJC. Vàng miếng SJC tuy là do công ty SJC làm ra nhưng là thương hiệu vàng miếng độc quyền của nhà nước, được nhà nước công nhận, được các ngân hàng dùng làm vàng giao dịch mua bán, nên sẽ tốt hơn cho người muốn kinh doanh, nắm giữ vàng khi họ nắm giữ vàng miếng SJC.
Như thế, khi công ty SJC đã chủ trương trừ tiền khi mua vàng miếng một chữ thì người bán buộc phải chịu, không thể kiện cáo gì được ngoài chuyện phàn nàn, tức giận, phẫn nộ về “thói độc quyền” của họ, và rút kinh nghiệm là không mua loại vàng một chữ này nữa, chứ không tẩy chay loại vàng miếng này hay công ty làm ra nó.
Đến đây thì sự việc chuyển sang trách nhiệm của NHNN. Tuy nhiên, NHNN đã lên tiếng rằng NHNN chỉ quản lý việc sản xuất, còn giá mua bán là việc của doanh nghiệp và thị trường. Như thế có nghĩa là NHNN cho rằng họ không liên quan gì đến chuyện công ty SJC trừ bớt giá mua vào vàng miếng một chữ.
(Xem thêm: Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối: NHNN chỉ quản lý việc sản xuất, còn giá mua bán vàng là của DN)
Vậy người sở hữu vàng miếng một chữ sẽ phải chịu thiệt khi bán? Chưa hẳn vậy!
Chính phủ và NHNN đã ban hành các văn bản luật tương ứng để đưa vàng miếng thành đối tượng độc quyền của nhà nước. Và theo quyết định 1623/QĐ-NHNN, NHNN giao cho công ty SJC gia công, sản xuất vàng miếng với hàm lượng 99,99%, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký hiệu của công ty SJC (gọi là vàng miếng SJC). Và với quyết định này của NHNN thì công ty SJC đương nhiên sẽ không được tiếp tục sản xuất vàng miếng mà chỉ được gia công vàng miếng SJC cho NHNN với khối lượng, hạn mức, nguồn vàng và thời điểm sản xuất theo quyết định của NHNN trong từng thời kỳ. Không chỉ thế, NHNN còn thành lập Tổ giám sát của NHNN và Tổ giám sát của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh để giám sát việc gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu, đồng thời cũng quy định chi tiết trách nhiệm cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động gia công vàng miếng.
Với những quan điểm quy định như trên thì vàng miếng, dù là một chữ hay hai hoặc nhiều chữ, đều là sản phẩm của NHNN, hoàn toàn do NHNN định đoạt và chịu trách nhiệm về quy cách, mẫu mã, chất lượng, số lượng v.v… Còn công ty SJC chỉ là công ty gia công dưới sự đặt hàng của NHNN.
Để dễ hiểu, có thể coi vàng miếng SJC là các tiền giấy, tiền xu của NHNN, được NHNN đặt hàng in/đúc ở một công ty in/đúc nào đó, tương tự như trường hợp của công ty SJC, dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của NHNN. Khi đã được đưa ra lưu thông thì có nghĩa là các loại tiền này được NHNN chính thức công nhận tính hợp pháp, hợp quy của chúng và có giá trị, giá trị sử dụng như nhau bất kể chúng có sự khác biệt như thế nào đó về mặt hình thức, như han gỉ, sờn, mòn, hoặc lỗi chế tạo, in ấn (không phát hiện ra và vẫn cho vào lưu thông).
Lúc này, trách nhiệm về tính hợp quy và hợp pháp không còn nằm ở công ty in/đúc tiền nữa (kể cả trường hợp có một số đồng tiền không đủ quy cách do lỗi của công ty in/đúc), NHNN phải có trách nhiệm đổi miễn phí những đồng tiền thật nhưng không (còn) hợp quy này cho người chủ cuối cùng của chúng (và trên thực tế NHNN đã tuyên bố sẵn sàng đổi tiền rách, hỏng không mất phí).
Từ ví dụ trên, suy ngược lại cho trường hợp vàng miếng một chữ. Nếu người sở hữu vàng miếng một chữ chứng minh được (hoặc có thể thông qua giám định từ một tổ chức độc lập, có thẩm quyền) rằng vàng một chữ của họ có lỗi, không đúng như quy cách của loại vàng này (ví dụ hàm lượng vàng ít hơn 99,99%, trọng lượng nhẹ hơn 1 lượng, kích cỡ khác so với quy chuẩn của NHNN…) thì họ có quyền yêu cầu, và NHNN phải có nghĩa vụ đổi miễn phí số vàng miếng này với loại tương đương, đúng quy chuẩn. Nếu xảy ra đúng như vậy thì người sở hữu vàng một chữ không sợ bị thiệt khi đã “chót” nắm giữ vàng miếng một chữ nữa.
TS. Phan Minh Ngọc