MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lật ngược thế cờ?!

21-08-2015 - 10:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc hai lần mạnh tay điều chỉnh tỷ giá vừa rồi đã tạo cho NHNN một vị thế mới, hoàn toàn chủ động đón đầu các diễn biến bất lợi trên thị trường

Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể

Sau một ngày điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên NH và nới biên độ, giá bán USD tại các NH tăng nhẹ so với cuối giờ chiều hôm trước. Đáng chú ý các NH lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank… đều niêm yết giá mua – bán USD ở mức 22.340 đồng - 22.420 đồng/USD. Với tỷ giá bình quân liên NH ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỷ giá +/- 3% thì tỷ giá trần là 22.547 VND/USD; sàn là 21.233 VND/USD.

Tuy giá USD có tăng nhẹ, nhưng diễn biến giá đã ổn định hơn so với ngày hôm trước, cho thấy tâm lý thị trường đã dần ổn định sau quyết định điều chỉnh của NHNN.

Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá giúp DN có cơ hội tiếp cận đàm phán với các đối tác để tăng thêm đơn hàng

Theo Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Thanh Hà, sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá cũng như biên độ của NHNN, thị trường có biến động khá mạnh ngay trong buổi sáng. Và trong ngày này, Vietcombank đã phải điều chỉnh tới 7 lần giá ngoại tệ. Sự phản ứng tức thời của thị trường được nhận định là bình thường trước động thái chính sách mới.

Một điểm đáng ghi nhận trên thị trường sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá là giao dịch khá sôi động, thanh khoản dồi dào, trái ngược với phản ứng găm giữ, phòng thủ cách đây hơn tuần.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến cuối giờ chiều ngày 19/8 doanh số giao dịch trên thị trường gấp đôi so với ngày trước đó. Tâm lý thị trường được giải tỏa đáng kể.

Lãnh đạo Vietcombank tiết lộ, doanh số giao dịch cả hai chiều tại NH đang khá tốt, khoảng 100 - 130 triệu USD/ngày. Nhưng có khác so với trước đây là Vietcombank đã từ trạng thái mua ròng chuyển sang trạng thái cân bằng và có bán ròng chút ít. Với mặt bằng tỷ giá mới cũng như với biên độ rộng hơn, thị trường sẽ dễ thích ứng hơn với biến động của cung – cầu trong nước cũng như các yếu tố bên ngoài.

“Nếu thanh khoản tiếp tục cải thiện và tỷ giá sớm tìm được điểm cân bằng, thì dòng chảy ngoại tệ sẽ sớm được khơi thông. Và NHNN lại có cơ hội mua ngoại tệ từ thị trường để tăng dự trữ ngoại hối”, một chuyên gia NH dự đoán.

Tiếp tục để mắt đến những điểm nóng

Sự thay đổi kép trong chính sách tỷ giá ngày 19/8 của NHNN có thể đã gây bất ngờ với thị trường nhưng nhận được đánh giá tích cực của chuyên gia trong nước cũng như quốc tế. “Việc điều chỉnh mạnh tay trên đã tạo cho NHNN ở một vị thế mới, phá bỏ mọi ràng buộc, hoàn toàn chủ động đón đầu các diễn biến bất lợi trên thị trường”, một chuyên gia NH nhận xét.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam đánh giá, những biện pháp của NHNN như mở rộng biên độ tỷ giá và giảm giá đồng tiền là bằng chứng cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá. Qua đó cho phép các yếu tố thị trường có vai trò quan trọng hơn trong việc xác định tỷ giá thông qua việc mở rộng biên độ tỷ giá, đồng thời góp phần ổn định thị trường tài chính.

“Chúng tôi, cho rằng đây là bước đi đúng hướng và chủ động của NHNN sau khi đánh giá các yếu tố bên ngoài và thậm chí đã tính đến các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới như việc Fed có thể nâng lãi suất. Như vậy, NHNN đã chuẩn bị cho cơ chế tỷ giá sẵn sàng ứng phó theo hướng linh hoạt hơn”, bà Kwakwa nhận định.

Còn đối với các DN xuất khẩu, ngay lập tức đã được hưởng lợi khi NHNN điều chỉnh tỷ giá. Tổng giám đốc của một DN chuyên xuất khẩu thủy hải sản chia sẻ: việc NHNN điều chỉnh tỷ giá giúp DN có cơ hội tiếp cận đàm phán với các đối tác để tăng thêm đơn hàng.

Nói như vậy, không có nghĩa từ nay đến cuối năm với công cụ trong tay nhà điều hành giúp thị trường ngoại tệ bình yên. Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, NHNN vẫn phải tiếp tục bám sát thị trường để chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời theo như cách thức đang làm hiện nay là để cho các yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng hơn.

Bà Victoria Kwakwa cho rằng, điều quan trọng là trong công tác hoạch định, điều hành chính sách trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng cũng như tiếp tục theo dõi các cú sốc từ bên ngoài khác có thể xảy ra. Ví dụ như diễn biến của đồng CNY…

Còn theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, việc kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là rất quan trọng. Điều nữa, nếu điều chỉnh tỷ giá mà không tạo được lòng tin cho thị trường, gắn với sự ổn định kinh tế vĩ mô thì có thể tác động bất lợi tới thị trường tài chính như rút vốn, kỳ vọng phá giá tiếp… Vì vậy, thị trường rất cần giải trình, minh bạch thông tin sự rõ ràng về chính sách. Để hạn chế rủi ro tỷ giá có thể mang lại, khách hàng nên sử dụng sản phẩm phái sinh.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vietcombank cũng như các NH khác đã chào khách hàng các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, sản phẩm cơ cấu để đảm bảo phòng ngừa và bảo vệ cho khách hàng trước các rủi ro biến động tỷ giá.

TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia

Động thái chính sách khôn ngoan

Đây là một động thái chính sách rất khôn ngoan của NHNN. NHNN đã chia ra làm hai lần điều chỉnh, lần thứ nhất điều chỉnh biên độ và lần thứ hai điều chỉnh cả biên độ lẫn tỷ giá liên NH. Lần thứ nhất nhằm đối phó ngay lập tức với việc Trung Quốc giảm giá đồng CNY. Còn lần này sẽ dài hơi hơn. Một mặt để đối phó với việc Fed có thể điều chỉnh lãi suất vào tháng 9 này, mặt khác diễn biến thị trường ngoại hối tuần qua cũng bị ảnh hưởng của việc giảm giá đồng CNY và NHNN cần thiết phải có tác động chính sách.

Thông điệp quan trọng của NHNN sau hai lần điều chỉnh vừa qua là tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Như vậy, các DN xuất khẩu có lợi thấy rõ, các DN trong nước cũng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc.

Tôi cho rằng, các DN, NH và người dân cũng không dại gì giữ ngoại tệ mà họ sẽ duy trì giữ đồng VND để có lợi hơn. Tôi nghĩ đó là động thái điều hành đón đầu thị trường rất thông minh, rất kịp thời và mức độ điều chỉnh lớn như vậy rất tốt, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ thời gian tới.

Ông Jonathan Dunn, Đại diện Thường Trú của IMF tại Việt Nam

Tăng cường để chống đỡ các cú sốc bên ngoài

Việc tăng tính linh hoạt tỷ giá là một bước đi đáng hoan nghênh. Mở rộng biên độ giao dịch VND giúp tăng cường khoảng đệm chính sách để chống đỡ các cú sốc bên ngoài và giúp Việt Nam có thêm dư địa cho chính sách tiền tệ độc lập, và qua đó sẽ giúp Chính phủ đạt được mục tiêu lớn hơn về duy trì ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng.

Tăng cường linh hoạt tỷ giá theo cả hai chiều cũng có ý nghĩa quan trọng để tạo thuận lợi cho những thay đổi nền tảng của nền kinh tế Việt Nam như tham gia các hiệp định thương mại mới và các cải cách cơ cấu khác.

PV

 

 

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên