MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Linh hoạt điều hành tỷ giá

05-01-2015 - 16:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN được các tổ chức tài chính uy tín trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những thành công nổi bật của NHNN trong 3 năm qua. Liệu trong năm 2015, NHNN tiếp tục đạt được mục tiêu đặt ra điều chỉnh không quá 2%. Những thách thức nào đối với điều hành tỷ giá?

Phóng viên đã trao đổi với chuyên gia NH, TS. Cấn Văn Lực về vấn đề này.

Nhận định của ông về chính sách điều hành tỷ giá của NHNN thời gian qua?

Có thể thấy rõ, ba năm qua, NHNN điều hành tỷ giá tương đối ổn định đã gia tăng niềm tin của người dân vào VND. Đồng thời giúp các DN chủ động hơn trong bài toán lập kế hoạch tài chính cũng như quản lý rủi ro tỷ giá… Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá chính sách tỷ giá là một thành công nổi bật, điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Ông có cho rằng, trong điều hành tỷ giá, NHNN đã hoàn toàn chủ động với thị trường?

Theo tôi, có những lúc chính sách tỷ giá của NHNN đi trước thị trường. Nhưng có những thời điểm thì chưa hẳn đi trước. Tất nhiên, để chủ động hoàn toàn đi trước thị trường không phải dễ dàng, nhất là ở Việt Nam. Qua thực tế cho thấy, điều hành tỷ giá của cơ quan quản lý chịu tác động của nhiều biến số cũng như biến cố: tâm lý kỳ vọng, giá vàng, lãi suất… đều ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá. Đến thời điểm này, hầu hết những biến số trên đang ổn định có nghĩa là NHNN đã và đang định hướng, linh hoạt, dẫn dắt thị trường tiền tệ nói chung và tỷ giá nói riêng.

Còn để đòi hỏi NHNN luôn chủ động ứng xử với thị trường như tôi nói ở trên không hề dễ dàng thực hiện được, khi có quá nhiều biến cố liên quan trong câu chuyện tỷ giá. Trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ dù cải thiện đáng kể trong thời gian qua, nhưng vẫn còn mỏng so với các nước trên thế giới. Xét ở góc độ này, rõ ràng tiềm lực để can thiệp thị trường của cơ quan điều hành không phải quá mạnh mẽ. Tất nhiên, chính sách nào cũng có hai mặt nên vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau xoay quanh câu chuyện tỷ giá. Nhưng vấn đề quan trọng là cơ quan điều hành khi đưa ra các quyết sách phải nhìn trên tổng thể của cả nền kinh tế.

2014 là năm thứ 3 liên tiếp NHNN giữ được cam kết trong điều hành tỷ giá. Theo ông, liệu NHNN có duy trì được cam kết trong năm 2015?

Như tôi nói ở trên, mỗi một chính sách đều có hai mặt. Khi tỷ giá ổn định và NHNN định hướng thị trường trong một biên độ như vậy sẽ giúp DN lập dự toán, kế hoạch kinh doanh, tài chính chủ động. Ngoài ra, rủi ro tỷ giá đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế không quá lớn. Nhưng rõ ràng chúng ta không thể bỏ qua được thực tế Việt Nam là nền kinh tế mở, trong đó lệ thuộc rất nhiều xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và nhiều nguồn ngoại tệ khác như ODA, kiều hối… nên điều hành chính sách không thể quá cứng nhắc.

Tôi nghĩ NHNN vẫn có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Nhưng đây cũng là một thách thức lớn đối với cơ quan quản lý. Có 3 vấn đề theo tôi cần phải lưu ý trong điều hành chính sách. Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, đồng USD lên giá so với nhiều ngoại tệ khác, trong đó có cả ngoại tệ của những nước cạnh tranh xuất khẩu trực tiếp đối với Việt Nam.

Thứ hai, khả năng năm 2015, khi mà kinh tế phục hồi trở lại mạnh mẽ hơn thì nhập siêu có thể quay trở lại và đương nhiên, tạo ra áp lực nhất định đối với điều hành tỷ giá. Thứ ba liên quan đến niềm tin của người dân đối với VND và có liên quan một chút đến chênh lệch lãi suất giữa VND so với USD.

Việc Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến DN vay vốn nước ngoài xét về lãi suất lẫn tỷ giá. Điều này có gây khó trong điều hành chính sách của NHNN không thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, có thể Fed chỉ tăng nhẹ lãi suất dao động ở mức 0,5% - 1%/năm. Bởi họ cũng phải quan tâm để ý đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Mặt khác, thông thường Fed tăng lãi suất khá dè dặt và có lộ trình.

Và, theo tôi, dù Fed có tăng lãi suất lên 0,5% hay 1% thì cũng không có nghĩa chi phí vốn của DN, khoản nợ vay nước ngoài của Chính phủ Việt Nam tăng lên. Vì đối với các tổ chức, NĐT nước ngoài, chi phí vốn gắn với rủi ro, hay nói cách khác, rủi ro của nước vay nợ càng cao thì lãi suất phải tăng tương ứng. Mà theo đánh giá tổ chức quốc tế, mức độ rủi ro của Việt Nam ở mức ổn định nên tôi cho rằng, lãi suất huy động vốn trái phiếu quốc tế cũng sẽ ổn định như lần phát hành vừa qua (4,8%/năm - pv).

Với những biến động như ông phân tích thì năm 2015, chính sách điều hành tỷ giá nên định hướng thế nào để đạt mục tiêu đề ra?

Theo quan điểm của tôi, NHNN tiếp tục định hướng thị trường theo biên độ điều chỉnh như Thống đốc cam kết là 2% là phù hợp. Nhưng tôi vẫn cho rằng, NHNN sẽ điều hành tỷ giá theo quan điểm linh hoạt. Tuy vậy, NHNN cũng cần nêu rõ với thị trường rằng, biên độ cam kết được đưa ra chỉ là bài toán định hướng. Còn thực tiễn, có thể linh hoạt điều chỉnh vì điều hành chính sách tỷ giá còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề thị trường chứ không phải lúc nào cũng như mong muốn của mình được. Nên theo tôi, NHNN không nhất thiết bám giữ biên độ tỷ giá như cam kết bằng mọi giá.

Xin cảm ơn ông!


Theo Hà Thành

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên