Linh hoạt hóa lãi suất
Thay vì quy định chi tiết mức lãi suất như vẫn diễn ra, gần đây NHNN đã linh hoạt điều chỉnh lãi suất bằng các văn bản có tính giới hạn thời điểm.
Đơn cử cho chính sách điều hành linh hoạt này là việc ban hành văn bản số 1691/NHNN-TD. Văn bản này được NHNN ban hành ngày 19/3, trong đó đề nghị 5 NHTM Nhà nước thực hiện cho vay mới phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm với lãi suất tối đa 8% theo quy định Thông tư số 08/2014/TT-NHNN (TT 08).
Trước đây, theo các quy định tại Thông tư 16/2013/TT-NHNN (TT 16) mức lãi suất cho vay ngắn hạn được “đóng khung” tối đa ở mức 9-10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Việc đóng khung mức lãi suất này tại TT 16 mặc dù giúp các TCTD thực hiện hoạt động cho vay ổn định và lâu dài, tuy nhiên lại nảy sinh bất cập khi thị trường có nhiều biến động. Thực tế cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản, thủy sản có tính mùa vụ và giá cả luôn không ổn định.
Trong suốt năm 2012 và 2013, NHNN đã phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, nhưng các DN hoạt động trong lĩnh vực này vẫn cho rằng lãi suất còn cao. Nhiều DN kinh doanh không hiệu quả rơi vào nợ xấu, không thể vay tiếp hoặc không dám vay mới vì giá bán giảm sâu so với giá thành sản xuất.
Để tháo gỡ nút thắt này, thời điểm tháng 10/2013, NHNN đã ban hành công văn 7558/NHNN-TD, chỉ đạo các TCTD thực hiện miễn giảm lãi vốn vay, không thu lãi quá hạn hoặc ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau đối với các khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ. Công văn 7558 mặc dù chỉ có tính thời vụ và hiệu lực chỉ trong vòng 2,5 tháng nhưng đã giúp nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn mới, phục hồi sản xuất và trả dần nợ cũ.
Tuy nhiên, do đã quy định mức lãi suất cho vay tối đa tại TT 16 nên để giảm lại suất, NHNN buộc phải ban hành Thông tư mới thay thế. Chính vì vậy, ngày 17/3/2014, NHNN đã chính thức ban hành TT 08 và ngay sau đó là công văn 1691/NHNN-TD. Việc “đi kèm” của công văn 1691 ngay lập tức được các TCTD và DN hưởng ứng. Mức lãi suất cho vay tối đa 8% cho lĩnh vực chế biến nông thủy sản thời điểm hiện nay đang được đánh giá là hợp lý. Nếu có biến động gì trong thời gian tới thì việc điều chỉnh lãi suất trần của NHNN cũng sẽ dễ dàng và kịp thời hơn bởi không cần phải mất thời gian soạn thảo thông tư thay thế.
Như vậy có thể thấy rằng, trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình có tính thời điểm, mùa vụ của NHNN đã ngày càng trở nên linh hoạt và kịp thời. Việc ban hành các văn bản quy định này, một mặt, giúp các NHTM chi tiết hóa trong việc triển khai các gói vay, nhất là các chương trình mang tính thời vụ như chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo, cà phê; chương trình cho vay giải cứu cá tra, giải cứu ngành chăn nuôi thời điểm dịch bệnh…
Theo đó, việc điều hành lãi suất trở nên linh hoạt trong cả một quá trình dài mà không phụ thuộc vào việc “luật hóa” lãi suất trong điều hành. Mặt khác, các TCTD cũng dễ dàng kiến nghị NHNN trong bối cảnh điều kiện thị trường có nhiều thay đổi, hoặc các chương trình đã kết thúc. Từ góc độ khách hàng, việc ban hành các văn bản, công văn “đi kèm” Thông tư vừa giúp họ tiếp cận các gói vay ưu đãi nhanh chóng, kịp thời. Thêm vào đó, khi thị trường có biến động mạnh, người vay cũng giảm thiểu được khó khăn do lãi suất vay sẽ nhanh chóng được NHNN điều chỉnh phù hợp.
Theo Thạch Bình