MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận ngân hàng: Triển vọng lạc quan

28-07-2015 - 10:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù lo ngại trước nợ xấu và áp lực chỉ tiêu nợ xấu lùi về dưới 3% vào cuối quý 3 khiến hàng loạt ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, song lợi nhuận của nhiều ngân hàng 2 quý đầu vẫn đạt trên 50% kế hoạch năm và mở ra triển vọng lạc quan cho các tháng còn lại.

Báo lãi trên 50% kế hoạch

6 tháng đầu năm, trích lập dự phòng của Vietcombank là 2.995 tỷ đồng, chiếm 50% lợi nhuận và tăng 24,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 3.040 tỷ đồng, hoàn thành 51,52% kế hoạch năm và tăng 6,8 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Một ngân hàng cổ phần nhà nước khác là BIDV cũng có báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm rất lạc quan. Dư nợ tín dụng đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.016 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Eximbank, với kế hoạch đạt 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm, ngân hàng này đã hoàn thành được 57% trong 2 quý đầu năm. Với mục tiêu xử lý 7.000 tỷ nợ xấu năm nay, 6 tháng còn lại, Eximbank sẽ vẫn còn phải tăng cường trích lập dự phòng, điều này hẳn sẽ ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận của ngân hàng. Nhưng nhìn chung, kết quả kinh doanh thời gian gần đây của Eximbank đang được đánh giá lạc quan hơn rất nhiều so với tình hình tồi tệ của ngân hàng này cuối năm ngoái.

TPBank cũng là một trong những ngân hàng “ăn nên làm ra” trong nửa năm nay. Hai quý đầu, ngân hàng báo lãi trước thuế 342 tỷ đồng. Huy động vốn ở thị trường 1 và dư nợ cho vay tổ chức, cá nhân tăng trưởng trên 10% so với cuối năm trước. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng vượt 112% kế hoạch 6 tháng đề ra và đạt 55% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Không chỉ các ngân hàng lớn, các ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng lần lượt thông báo kết quả kinh doanh khá tốt. Mới đây, Viet Capital Bank cho biết, tổng huy động của ngân hàng đạt 24.126 tỷ đồng, dư nợ cho vay 13.366 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch năm.

Ngân hàng Nam Á báo lãi 188 tỷ đồng trước thuế trong nửa đầu năm, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước, và cũng đã hoàn thành 52% kế hoạch năm. Khiêm tốn hơn, Kienlongbank báo lãi 187 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng cũng hoàn thành 47% kế hoạch năm.

Tăng trưởng tín dụng cao

Gần đây, Thống đốc NHNN đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 cho nhiều ngân hàng TMCP, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Có ngân hàng còn được nới room tín dụng lên đến 36%. Động thái này của NHNN là nhằm cho phép các ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để đạt chỉ tiêu toàn ngành 15 - 17% cuối năm, bởi tình hình vĩ mô trong nước đang khá ổn định .

Với việc được tăng chỉ tiêu tín dụng, các ngân hàng sẽ có điều kiện cho vay nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu vốn tăng lên trong năm nay, và cũng là cơ hội mang về lợi nhuận nhiều hơn.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cả hệ thống đạt trên 6%, là tốc độ tăng nhanh nhất được ghi nhận từ năm 2012. Thêm vào đó, từ sau năm 2011, các ngân hàng dường như “kỹ tính” hơn trong cho vay để đảm bảo các khoản vay có độ an toàn, tránh nợ xấu bùng nổ. Thu nhập lãi thuần – thu nhập cốt lõi của ngân hàng- nhờ vậy mà đang được cải thiện.

Tăng trưởng tín dụng đang nhanh hơn so với tốc độ huy động vốn nhưng thật may là điều này không gây áp lực thanh khoản cho các ngân hàng, dẫn chứng dễ thấy là lãi suất liên ngân hàng 6 tháng đầu năm nay khá ổn định, giảm nhẹ so với cuối năm 2014 ở đa số các kỳ hạn. Tính thanh khoản tốt sẽ khiến các ngân hàng thoải mái hơn trong đẩy mạnh cho vay thời gian tới, tất nhiên nhà băng vẫn phải kiểm soát chất lượng các khoản vay để hạn chế nợ xấu và giảm phần dự phòng phải trích lập, có như vậy mới kỳ vọng lợi nhuận tốt thực sự.

Nợ xấu đang trong tầm kiểm soát

Đối với xử lý nợ xấu, các nhà băng thừa nhận họ vẫn đang đau đầu đối với vấn đề này nhưng trên cơ bản tỷ lệ nợ xấu vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tổng Giám đốc VietinBank cho biết nợ xấu của ngân hàng này đang ở mức xấp xỉ 1,1%. Nợ xấu tại BIDV còn 2%, NamA Bank là 1,31%. TPBank cũng rất tự tin công bố ngân hàng đã xử lý số nợ xấu còn tốt hơn số mà NHNN yêu cầu, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng này hiện khoảng 1%. Sacombank mặc dù nhận sáp nhập Southern Bank và phải gánh thêm phần nợ xấu phải xử lý song nhà băng này cũng tự tin với tỷ lệ nợ xấu 3% ngay khi sáp nhập...

Số nợ xấu của các ngân hàng nhìn chung vẫn khá đẹp và điều này gây nên nghi ngờ rằng các con số đó chỉ là chiêu che chắn. Tuy nhiên, như một lần chia sẻ, ông Lê Đức Thọ, TGĐ Vietinbank cho biết, việc che nợ xấu là khó xảy ra vì thanh tra giám sát NHNN đang làm rất chặt, các ngân hàng khó mà có thể “che” được.

Đánh giá về nợ xấu, các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng hầu hết cho rằng áp lực nợ xấu tất nhiên vẫn còn nhưng khả năng đưa nợ xấu toàn ngành về dưới 3% trước 30/9 theo chỉ tiêu của NHNN có vẻ khả thi.

Kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt

Với diễn biến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng qua, cùng với triển vọng lạc quan hơn của nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng hoàn toàn có cơ sở để tự tin với kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cho cả năm nay.

Một khảo sát của Vụ dự báo thống kê NHNN mới đây cho thấy, có 41,2% TCTD nhận định tình hình kinh doanh năm nay đang tốt hơn, 53% bình thường. Có tới 86% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2015 sẽ tốt hơn năm ngoái.

 

Hải Vân

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên