MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

M&A Ngân hàng thương mại: Được và mất !

11-03-2015 - 14:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Hoạt động mua bán, sáp nhập và hợp nhất (M&A) ngân hàng trở thành một xu thế tất yếu khi mà những yếu kém của hệ thống ngân hàng đã tích tụ trong một thời gian khá dài, số lượng các ngân hàng thương mại (NHTM) bùng nổ và cạnh tranh ngân hàng ngày càng khắt khe.

Nội dung nổi bật

Theo TS. Bùi Quang Tín:

-M&A mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng như mở rộng thị trường, tạo hiệu ứng về quy mô và giải cứu các ngân hàng sụp đổ…

-Tuy nhiên hoạt động M&A cũng có những ảnh hưởng nhất định như cổ đông có thể chịu thiệt thòi; một số lượng nhất định nhân viên bị sa thải; áp lực về quản trị rủi ro sau sáp nhập…


Tuy nhiên, hoạt động M&A ngân hàng cũng cần được nhận thức một cách khách quan về các lợi ích đối với các NHTM cũng như các thách thức mà các ngân hàng phải đối phó sau khi tiến hành M&A.

Lợi ích của M&A đối với các NHTM

Thứ nhất, mở rộng thị trường. Động cơ quan trọng hàng đầu cho các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng là mở rộng thị trường. Một ngân hàng luôn muốn mở rộng quy mô sang các vùng miền của đất nước mà họ chưa tham gia, mở rộng các loại hình sản phẩm dịch vụ tiềm năng và mở rộng phân khúc khách hàng. Muốn vậy họ hoặc phải thành lập, xây mới các chi nhánh hoặc tiến hành mua lại hoặc hợp nhất với các ngân hàng khác. Trong nhiều trường hợp, mua lại, hợp nhất được công nhận là một phương thức tốn ít thời gian hơn, hiệu quả và tốn ít chi phí hơn.

Thực tiễn chỉ ra rằng khi một ngân hàng mở rộng thị trường ở bất kỳ nhân tố nào về sản phẩm, khách hàng hay vùng địa lý đều có tác dụng làm giảm rủi ro cho ngân hàng:

Về nhân tố khách hàng. Khi một ngân hàng phục vụ một khách hàng hay một nhóm khách hàng thì cũng không khác nhiều khi phục vụ thêm khách hàng đó hoặc khách hàng khác nhưng cùng nhóm đó. Như vậy, rõ ràng hoạt động của ngân hàng hiệu quả hơn và rủi ro cũng giảm khi mà ngân hàng có thêm nhiều nguồn thu từ các khách hàng khác nhau hoặc các khách hàng ở những phân đoạn khác nhau.

Nhân tố sản phẩm: Trong một môi trường cạnh tranh, một ngân hàng cần phải cung cấp nhiều sản phẩm hay dòng sản phẩm với đặc thù, bởi vì sản phẩm đó có thể phục vụ cho rất nhiều khách hàng khác nhau kể cả ở những phân đoạn khác nhau. Do đó, rủi ro của ngân hàng sẽ được hạn chế bởi nguồn thu sẽ được gia tăng từ các sản phẩm  khác nhau.

Nhân tố vùng địa lý: khi một ngân hàng mở rộng cung cấp sản phẩm cho khách hàng khác ở vùng địa lý thì hiệu quả hoạt động được gia tăng và rủi ro ngân hàng giảm khi kinh doanh với các đồng tiền khác nhau, ở các nền kinh tế khác nhau, môi trường lãi suất khác nhau, ...

Như vậy, khi một NHTM tiến hành hợp nhất và sáp nhập với một NHTM khác thì có thể mở rộng quy mô theo khách hàng, sản phẩm hay vùng địa lý hoặc cả 3 và kết quả là gia tăng doanh thu và giảm trừ rủi ro hoạt động.

Thứ hai, hiệu ứng kinh tế nhờ quy mô. Hiệu ứng kinh tế nhờ quy mô tức là sự gia tăng gấp đôi sản lượng đầu ra của một ngân hàng đối với bất kỳ dịch vụ hay danh mục dịch vụ nào sẽ không làm cho chi phí của ngân hàng tăng lên gấp đôi do sử dụng tốt hơn các nguồn lực sẵn có của ngân hàng.

Trong thời đại công nghệ thông tin và sự phân phối sâu rộng như hiện nay, với một ngành có chi phí cố định cao như kinh doanh ngân hàng thì hiệu ứng kinh tế nhờ quy mô có một ý nghĩa nhiều hơn cả. Tuy vậy, khả năng về việc xảy ra hiệu ứng kinh tế nhờ quy mô do gia tăng thái quá chi phí quản trị - điều hành hay sự chồng chéo trong quản lý, vấn đề về chi nhánh, và các loại chi phí khác vẫn có thể xảy ra tại các ngân hàng có quy mô rộng. Nếu hiệu ứng kinh tế nhờ quy mô phát huy tác dụng, hiệu quả về mặt tài chính và giá trị cho các cổ đông đều được gia tăng, nếu không, cả hai đều sẽ bị phá hủy.

M&A ngân hàng có được hiệu ứng kinh tế nhờ quy mô do M&A giúp ngân hàng xóa bỏ sự chồng chéo của các văn phòng đại lý gần nhau mà có chức năng như nhau, giảm chi phí sử dụng trùng lắp thiết bị văn phòng, giảm đáng kể chi phí nhân công nhất là nhân viên văn phòng, nhân viên marketing. Việc tập trung bộ máy quản lý, lựa chọn những nhà quản lý tốt hơn cũng giúp cho ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ ba, hiệu ứng kinh tế nhờ phạm vi, tức là một ngân hàng có thể tiết kiệm chi phí hoạt động khi nó mở rộng tính hỗn hợp đối với sản lượng bởi vì một số nguồn lực như kỹ năng quản lý, cơ sở kỹ thuật sẽ được sử dụng có hiệu quả hơn trong việc sản xuất ra một danh mục sản phẩm đa dạng so với chỉ tạo ra một dịch vụ. Hiệu ứng này phát huy tác dụng là so chi phí hỗn hợp dàn trải cho nhiều loại sản phẩm đầu ra hơn.

Ngân hàng có thể tiết kiệm chi phí thông qua việc chia sẻ hệ thống giao dịch và trụ sở, tiết kiệm được chi phí thông tin và quản lý, ... Mặt khác, hiệu ứng này còn được giải thích do ngân hàng đã sử dụng triệt để hơn các thông tin của ba nhân tố khách hàng, sản phẩm và vùng địa lý. Mỗi nhân tố chứa đựng những thông tin riêng biệt nhưng khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra một nguồn thông tin quý giá giúp cạnh tranh với các tổ chức tài chính khác. Thông tin có thể được tái sử dụng nhờ đó tránh phải tính hai lần chi phí và việc xếp hạng tín dụng khách hàng cũng như giải quyết các vướng mắc với khách hàng cũng dễ dàng hơn nhiều.

Thứ tư, giải cứu các ngân hàng sụp đổ. Kinh doanh ngân hàng mang hiệu ứng domino, khi mà một ngân hàng sụp đổ sẽ gây hoang mang, mất niềm tin của khách hàng từ đó ảnh hưởng tới hoạt động của toàn thể hệ thống. Vì vậy, rất nhiều vụ M&A ngân hàng được cơ quan bảo hiểm tiền gửi, cơ quan luật pháp và các cơ quan có thẩm quyền khác khuyến khích bởi đây là một phương pháp để bảo vệ  khoản bảo hiểm tiền gửi cũng như tránh ảnh hưởng tới khách hàng.

Một ngân hàng đang đứng trước bờ phá sản sẽ tự “rao bán”. Ngân hàng có tiềm năng tài chính sẽ đứng ra mua lại ngân hàng sắp phá sản đó, cơ cấu lại và tiến hành quản lý hoạt động bình thường. Nếu ngân hàng có khả năng quản trị tốt, bằng cách mua lại các ngân hàng sắp phá sụp đổ có thể tận dụng được mạng lưới khách hàng, cở sở vật chất, nguồn nhân lực, đem lại về cho mình giá trị lớn gấp nhiều lần giá trị bỏ ra ban đầu.

Tuy vậy, hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức

Thứ nhất, một số ngân hàng nhỏ thành lập chưa lâu, nếu ép buộc phải sáp nhập ngay với ngân hàng lớn hơn, cổ đông của các ngân hàng này sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Khi xem xét sự ảnh hưởng của các thương vụ M&A tới giá trị của các cổ đông thông qua thị giá của cổ phiếu trên thị trường, tôi cho rằng về ngắn hạn cổ phiếu của công ty tiến hành sáp nhập sẽ giảm và giá của công ty mục tiêu sẽ tăng. Giá của công ty mục tiêu tăng bởi vì nếu như công ty sáp nhập không đưa ra được một mức giá cao hơn giá thị trường thì các chủ sở hữu hiện tại sẽ không sẵn sàng bán cổ phần của họ cho công ty thôn tính và như vậy thương vụ M&A khó mà có thể diễn ra đúng  kế hoạch.

Còn giá của công ty tiến hành sáp nhập thường giảm xuống sau mỗi vụ sáp nhập. Đó là do công ty phải trả một số tiền lớn hơn nhiều giá trị thực của công ty mà nó thôn tính, mặt khác có rất nhiều những rủi ro bất trắc mà công ty thôn tính có thể gặp phải và từ đó, giá cổ phiếu giảm. Ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt nhưng cũng tuân theo quy luật đó.

Thứ hai, M&A ngân hàng còn ảnh hưởng không nhỏ đến nhân viên ngân hàng và các khách hàng.          Không thể phủ nhận rằng các thương vụ M&A diễn ra đưa đến hậu quả là có một số lượng nhân viên bị sa thải. Số lượng nhân viên bị cắt giảm rơi chủ yếu vào các nhân viên tại chi nhánh cũ, nhân viên gián tiếp và các nhân viên không đảm bảo chuyên môn. Những dịch vụ ngân hàng mới cho phép giao dịch cùng lúc với lượng khách hàng lớn mà không đòi hỏi các kỹ năng ngân hàng truyền thống. Cách thức mà hầu hết các ngân hàng áp dụng để cắt giảm nhân công là sa thải hoặc cho nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, cách thức này đòi hỏi ngân hàng phải tốn một lượng chi phí khá lớn đồng thời áp lực từ xã hội và từ chính những nhân viên đó.

Một thương vụ M&A ngân hàng diễn ra thường khiến khách hàng gặp phải một số vấn đề như sau:

Một là, các ngân hàng thường đóng cửa hay thay đổi chi nhánh của mình sau sáp nhập, hợp nhất đặc biệt là gộp các chi nhánh gần nhau hay hoạt động tương tự nhau. Điều này khiến khách hàng  phải chuyển tài khoản tới nơi có thể không thuận lợi cho họ.

Hai là, M&A thường kéo theo việc thay đổi nhân sự dễ gây ảnh hưởng tới mối quan hệ khách hàng - giao dịch viên vốn có.

Ba là, M&A có thể là làm tăng một số khoản phí mà trước đây chưa từng có.

Mặt khác, M&A trong ngân hàng đôi khi trở thành sơ hở để các đối thủ cạnh tranh lợi dụng sự bất ổn định của tâm lý khách hàng với những thay đổi về tỷ suất lãi tiền gửi, các chi phí phát sinh trong thủ tục chuyển đổi tài khoản.

Thứ ba, quản trị rủi ro hậu sáp nhập. Đây là một trong những yếu tố quyết định thương vụ M&A có thành công được hay không. Các ngân hàng hậu sáp nhập gặp áp lực cần phải quản lý được tốt hơn hệ thống quản lý rủi ro của mình, đặc biệt là rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản, các khoản nợ xấu cần nên được xử lý trước khi tiến hành sáp nhập, nếu không thì ngân hàng hậu sáp nhập vẫn chỉ là một ngân hàng không khỏe mạnh. Bên cạnh đó, quản trị về mặt nhân sự, hoạt động, công nghệ và thương hiệu cũng là những nội dung quan trọng cần phải được đầu tư và thực hiện một cách cẩn trọng.

TS. BÙI QUANG TÍN

CTV Hàng hóa

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên