MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mạnh tay chống vàng hóa, đô la hóa

14-12-2012 - 09:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Đa số ý kiến của UBKTQH tán thành với quan điểm của Thống đốc về việc ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng “đôla hóa” và “vàng hóa”.

Ngày 13/12/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, việc ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa” của nền kinh tế, đồng thời tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ngoại hối. Đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng tán thành với quan điểm này.

Đồng tình hướng tăng cường quản lý và chống đô la hóa, nhưng ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội băn khoăn trước việc quản lý chặt luồng vốn đầu tư ra nước ngoài. Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hiện nay khá lớn, tổng vốn lên đến hàng tỷ USD. Đầu tư ra thì lớn nhưng thu về lại không được bao nhiêu, vì vậy cần kiểm soát chặt chẽ. Mặc dù vậy, một DN đầu tư ra nước A làm ăn tốt, muốn mở ra nước B, C, theo Luật DN hoàn toàn được làm, nhưng phải báo cáo về trong nước.

Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Pháp lệnh quy định, đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư nước ngoài tại TCTD được phép. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trên thực tế tại thời điểm nhà đầu tư nước ngoài ký biên bản ghi nhớ với đối tác trong nước và thường tiến hành đặt cọc ngay, nhưng chưa được phép mở tài khoản do chưa có tư cách pháp nhân.

Về vấn đề này, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào nước ta, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu bổ sung quy định này.

Về vay và trả nợ vay của người cư trú, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng Điều 22 Hiến pháp 1992 đã quy định tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. Trong khi Luật Hợp tác xã mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 cũng quy định rõ, hợp tác xã là “tổ chức kinh tế tập thể” được Nhà nước “bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác”. Vì vậy, đề nghị bổ sung hợp tác xã vào đối tượng vay, trả nợ vay nước ngoài theo quy định pháp luật có liên quan.

Giải trình về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sở dĩ trước đây chưa đưa hợp tác xã vào đối tượng được vay trả nợ nước ngoài vì Quốc hội chưa thông qua Luật Hợp tác xã. Nay luật này đã được thông qua, Ban soạn thảo sẽ bổ sung thêm đối tượng này.

Tuy nhiên, đối với trường hợp đối tượng vay vốn là cá nhân, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ nguyên quy định của dự thảo Pháp lệnh, vì đối với cá nhân vay nước ngoài chứa đựng rủi ro cao. Hơn nữa trường hợp cá nhân thực hiện các dự án đầu tư hợp pháp cần huy động vốn vay nước ngoài thì có thể thành lập DN và vay vốn nước ngoài theo quy định của pháp luật liên quan.

Liên quan đến đề nghị cân nhắc cho phép một số trường hợp được ký hợp đồng, báo giá bằng ngoại tệ nhưng sẽ thanh toán bằng đồng Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của người cư trú trước rủi ro tỷ giá trong các lĩnh vực được khuyến khích, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần tạo khung pháp lý đồng bộ và thống nhất để giải quyết tình trạng “đôla hóa”, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán.

Để chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá, khi ký kết hợp đồng các doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp như hợp đồng phái sinh ngoại tệ. Vì vậy, tán thành với quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trong dự thảo Pháp lệnh.

Riêng với ý kiến của UBKT cho rằng nên hạn chế quyền công dân khi có dự trữ ngoại tệ tức là có ngoại tệ thì gửi hoặc bán cho TCTD mà không được giữ trong người, nhiều ý kiến cho rằng không lý do gì cấm quyền mang đồng tiền khác trong người. Chỉ cần điều 12 quy định mọi giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam phải sử dụng đồng tiền Việt Nam là đủ rồi.

Đồng tình với quan điểm này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết là nhiều lúc ông cũng thấy băn khoăn vì quy định như vậy có rộng quá hay không. “Chúng tôi mong muốn thu hẹp lại nhưng đây là vấn đề rất nhạy cảm. Chúng ta vẫn quản lý được thông qua công cụ khác vì sở hữu là quyền cơ bản của công dân... Vì vậy, chúng tôi cho rằng không nên đưa quy định hạn chế này vào Pháp lệnh do nhạy cảm và ảnh hưởng đến người dân”, Thống đốc cho biết.

“NHNN đã hoàn thiện xong đề án chống đô la hóa và thực tế đã triển khai một phần và đạt được kết quả như thời gian qua. Hiện Chính phủ đang ưu tiên xử lý nợ xấu nên sẽ trình Bộ Chính trị trong tháng 12. Những nội dung trong đề án chống đô la hóa và nội dung của Pháp lệnh Ngoại hối không có xung đột gì”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Theo Trần Hương

Thời báo ngân hàng

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên