MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Mê cung” sở hữu chéo ngân hàng

16-08-2013 - 08:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Sở hữu chéo có thể hiểu đơn giản là hiện tượng doanh nghiệp này nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Không riêng Việt Nam, pháp luật giữa các nước trên thế giới tuy không cấm loại hình này nhưng luôn tìm cách hạn chế và giám sát bởi rủi ro từ nó rất lớn. Tuy thị trường tài chính mới chỉ phát triển trong giai đoạn đầu, nhưng quan hệ sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam cũng đã trở nên hết sức chằng chịt, phức tạp, trở thành bài toán đau đầu của những người hoạch định chính sách.

Một sơ đồ được đưa ra trong một hội thảo gần đây về vấn đề sở hữu chéo đã khiến những người diện kiến, dù đã biết ít nhiều về sự phức tạp của sở hữu chéo ngân hàng Việt Nam, đều không khỏi giật mình vì độ phức tạp, đan cài và tính móc nối chặt chẽ giữa các ngân hàng trong hệ thống.Quan hệ chằng chịt giữa các ngân hàng

Theo sơ đồ này, được Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbrighr lấy ngân hàng ACB thời điểm Quý 1/2012 làm ví dụ cho ngân hàng sở hữu ngân hàng, ACB do ông Trần Mộng Hùng là Chủ tịch và ông Nguyễn Đức Kiên là Phó Chủ tịch của Hội đồng sáng lập, đồng thời tham gia Hội đồng quản trị. Phó Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn kiêm thành viên HĐQT Đại Á Bank với 4,32% vốn điều lệ, kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa tham gia thành viên BKS Đại Á Bank với 4,38% vốn điều lệ, bản thân ông này cũng đại diện ACB ở NH Kiên Long với 6,13% vốn điều lệ.

Còn một Phó Giám đốc khác là ông Bùi Tấn Tài vừa tham gia HĐQT của Ngân hàng Kiên Long vừa tham gia HĐQT Ngân hàng Việt Nam – Thương tín (Vietbank), và ngân hàng này cũng được ông Nguyễn Đức Kiên, thông qua vợ là bà Đặng Ngọc Lan, quan tâm đầu tư tới 4,99% cổ phần, còn bản thân ACB sở hữu 10% cổ phần của Vietbank.

Cơ chế sở hữu chéo giúp các ngân hàng lách quy định đảm bảo an toàn, nên dù có áp dụng các chuẩn mực quốc tế thì việc cho phép sở hữu chéo cũng khiến các chuẩn mực này trở nên vô ích. Dù các chuyên gia đã cảnh báo từ lâu, nhưng “mạng nhện” sở hữu chéo được hình thành giữa ngân hàng, các công ty tài chính, quỹ, các tập đoàn, tổng công ty… được hình thành rất nhanh trong một giai đoạn phát triển nóng đang trở thành một gánh nặng khó gỡ của nền kinh tế.

Còn ví dụ đối với các ngân hàng thương mại nhà nước lại có “tấm món” và dễ hình dung hơn. Nhà nước sở hữu 60,3% ở Vietinbank, Tokyo-Mitsubishi ở hữu 20% còn IFC sở hữu 6,7%. Bản thân Vietinbank ở hữu 50% ở NH Indovina, 11% ở NH Sài Gòn Công Thương. Còn BIDV – ngân hàng Nhà nước sở hữu 95,8% thì sở hữu 50% ở NH VID Public, 51% ở NH liên doanh Việt Nga, 50% ở Ngân hàng Việt – Lào. Hay NH Vietcombank do Nhà nước sở hữu 77,1% và Mizuho sở hữu 15%, lại có 5,3% ở NH Sài gòn – Công thương, 8,2% ở Eximbank, 11% ở Ngân hàng Quân đội, 5,1% ở NH Phương Đông…

Giằng néo giữa ngân hàng – doanh nghiệp – công ty chứng khoán

Nghiên cứu về sở hữu chéo cũng cho thấy, phần lớn các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp Nhà nước lớn đều đầu tư vào ngân hàng cổ phần. Ví dụ, trong Ngân hàng Quân đội có cổ phần của Viettel (10%), Tân Cảng Sài Gòn (5,7%), Cty trực thăng Việt Nam (7,2%). EVN sở hữu tới 25,4% Ngân hàng An Bình, VNPT có 6% ở Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, 7,1% ở Ngân hàng Tiên Phong, 6,1% ở Ngân hàng SeABank.

Ngân hàng Bảo Việt có 52% của Tập đoàn Bảo Việt, 8% của Vinamilk, 9,9% của tập đoàn CMC. Các ông Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - FETP) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước lớn, những tập đoàn kinh tế đều có cổ phần tại các ngân hàng thương mại nhưng lại không nắm quyền chi phối, kiểm soát. Quyền kiểm soát rơi vào một số cổ đông, nhóm nhà đầu tư khác, và theo như ông Thành nhận định, dường như các ông chủ nhà băng đang được hưởng lợi từ vốn Nhà nước trong những trường hợp này.

Hay như trường hợp tại NHTMCP Bưu điện Liên Việt, Công ty Bưu chính Việt Nam chiếm tỷ lệ sở hữu 12,5%, Công ty Cổ phần Him Lam sở hữu 10,4%, Công ty Chứng khoán Liên Việt chiếm 9,5% và 62,6% còn lại dành cho các cổ đông khác, trong đó có ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Him Lam. Đây là một trong những ví dụ được “ưa” nhất trong các câu chuyện về sở hữu chéo đang được nhắc tới nhiều lúc này, và với mô hình đó, ai thực sự là người đang nắm quyền ở Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

Một mô hình sở hữu chéo khác được các nhà nghiên cứu đưa ra, là nhiều nhà băng thực chất nằm trong tay cùng một ông chủ và bản thân tổ chức này cũng bỏ vốn vào các công ty chứng khoán, quản lý quỹ. Nói cách khác, các ngân hàng có thể nắm cổ phần của nhau thông qua những công ty chứng khoán hoặc quỹ đầu tư hoặc công ty đầu tư tài chính.

"Một thực tế là công ty đầu tư tài chính tại Việt Nam lại là một doanh nghiệp bình thường, không bị điều tiết bởi quy định đặc biệt nào, không phải công bố thông tin trong khi họ hoạt động không khác gì một quỹ đầu tư hay công ty chứng khoán", ông Thành cho biết.

Trong mô hình đó, trường hợp của ông Nguyễn Đức Kiên chính là ví dụ sinh động nhất, do đây là cách tạo tiền của ông Nguyễn Đức Kiên để sở hữu cổ phần tại nhiều ngân hàng. Theo đó, ông Kiên thành lập các công ty đầu tư tài chính và sử dụng những pháp nhân này để vay tiền ngân hàng.

Với phần lớn số tiền này, ông và người thân trong gia đình gom thêm cổ phần tại một ngân hàng thứ hai rồi dùng chính số cổ phần trên thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng đầu tiên. Cuối cùng, tiền chạy lòng vòng và giá trị thực ít hơn rất nhiều con số vốn "ảo" do mối quan hệ sở hữu phức tạp.

Theo Huyền Anh

hangnt

Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên