Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do sáng 22-4 tăng khoảng 60
đồng so với cuối ngày hôm trước, giao dịch quanh mức 18.160-18.180 đồng/đô la Mỹ
mua vào và 18.210-18.240 đồng/đô la Mỹ bán ra, sau đó giảm nhẹ 30 đồng vào chiều
cùng ngày.
Theo phản ánh của các ngân hàng, giao dịch đô la Mỹ trên thị
trường liên ngân hàng cũng đã sôi động hơn từ chiều ngày 21-4, đến sáng 22-4
giá ngoại tệ chào mua trên thị trường này đã được đẩy lên đến mức 18.200 đồng
và cũng có diễn biến tương tự mức giá ngoài thị trường tự do.
Giám đốc ngoại hối một ngân hàng nước ngoài cho biết trên thị
trường đã có rất nhiều lời đồn về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ cho thực hiện lại
biện pháp kết hối, buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải bán đô la Mỹ lại cho ngân
hàng.
Vì thế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu e ngại đô la Mỹ sẽ rớt giá nên hôm
nay đã chốt giá bán ngoại tệ bằng các hợp đồng kỳ hạn (forward).
Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng cho biết thời điểm hiện tại,
một số doanh nghiệp nước ngoài đã hạch toán xong lợi nhuận và muốn đổi sang ngoại
tệ để chuyển về nước, nên nhu cầu ngoại tệ cũng tăng mạnh.
Các ngân hàng hầu hết đều ủng hộ việc Ngân hàng Nhà nước sẽ
tái sử dụng biện pháp kết hối để làm thị trường ngoại tệ thanh khoản hơn.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết ngân hàng
hiện nay chỉ là một kênh trung gian giúp người bán và người mua gặp nhau, cho
nên nếu thiếu một trong hai bên vai trò của ngân hàng sẽ không thực hiện được.
Vì thế, nếu tình trạng cầu không gặp cung vẫn tiếp tục tái
diễn, người chịu thiệt không phải ngân hàng, mà là chính các doanh nghiệp, là
thị trường ngoại tệ sẽ bị đình trệ. Do vậy, kết hối là biện pháp cần thiết hiện
nay đã giúp thị trường ngoại hối ổn định trở lại.
Ông này cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều
chỉnh chính sách tỷ giá trong tháng 11, tháng 12 năm 2008 và tháng 3-2009, khiến
các doanh nghiệp phải tính toán kỹ hơn rất nhiều trong việc mua bán lẫn vay ngoại
tệ.
Trước đây, doanh nghiệp xuất khẩu có ngoại tệ trong tài khoản sẽ bán cho
ngân hàng nếu cần tiền, nhưng hiện nay, họ lại đi vay tiền đồng cho hoạt động sản
xuất kinh doanh của mình vì được hỗ trợ lãi suất, có khi lấy ngay tài khoản ngoại
tệ làm tài sản thế chấp.
Vị phó tổng giám đốc này đưa ra ví dụ một cách tính toán của
các doanh nghiệp là nếu vay tiền đồng kỳ hạn 3 tháng thời điểm này thì lãi suất
các doanh nghiệp phải chịu là 0,5%/tháng, 3 tháng sẽ là 1,5%.
Thế nhưng, nếu
trong 3 tháng đó, tỷ giá tăng khoảng 2% như đợt nới biên độ vừa rồi cộng thêm một
phần nhỏ lãi suất tiền gửi đô la Mỹ thì doanh nghiệp đã có lời hơn nhiều. Chính
vì thế mà huy động ngoại tệ của các ngân hàng ngày càng tăng mà dư nợ cho vay
thì ngày càng giảm.
Kết hối ngoại tệ là một biện pháp hành chính được thực hiện
từ năm 1998 với tỷ lệ kết hối là 80%, sau đó giảm dần xuống và bãi bỏ thực hiện
vào năm 2003 vì đây là biện pháp điều hành chính sách tiền tệ mang tính chất
phi thị trường.
Theo T.Triều
TBKTSG