MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua bán nợ xấu theo giá thị trường

08-12-2014 - 07:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Công ty Quản lý tài sản (VAMC) phải dùng tiền tươi hoặc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Hiện nay, VAMC đang thẩm định 100-200 tỉ đồng nợ xấu để thí điểm mua bán nợ xấu theo giá thị trường vào trước năm 2015. Thông tin này đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và ngân hàng (NH) cũng hào hứng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho biết mọi người đều mong muốn VAMC cuối cùng sẽ mua bán nợ theo giá thị trường.

Chuyển từ hành chính sang mua bán thị trường

. Phóng viên: Chuyển từ mua bán nợ xấu theo giá trị sổ sách qua mua bán theo thị trường, theo ông vấn đề gì là quan trọng nhất?

+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Việc bán nợ xấu theo giá thị trường thì khả năng thu hồi nợ từ việc thanh lý tài sản là vấn đề quan trọng nhất. VAMC sẽ phải thẩm định giá tài sản đảm bảo, từ đó đàm phán với NH một giá mua thỏa thuận. Với cách mua bán này, NH sẽ bán đứt món nợ cho VAMC, sau đó VAMC có thể thanh lý tài sản để thu hồi số tiền đã bỏ ra hay tiếp tục bán món nợ này cho nhà đầu tư mới. Nhưng tốt nhất, VAMC có thể giúp con nợ phục hồi khả năng tài chính qua việc chuyển đổi món nợ này thành cổ phần hay tái cơ cấu.

. Vậy điều kiện để chuyển sang mua bán nợ xấu theo giá thị trường?

+ Chúng ta sẽ chuyển đổi từ cách mua mang tính hành chính, không thương lượng về giá, không tính toán đến khả năng thu hồi nợ từ thanh lý tài sản bảo đảm sang cách mua đứt bán đoạn, mua bằng tiền tươi. Ngoài việc phải có một lượng tiền lớn hay các công cụ tài chính có giá trị tương đương để mua nợ, VAMC phải có một đội ngũ chuyên viên, chuyên gia tư vấn pháp lý, tài chính đông đảo để thẩm định và khả năng thu hồi nợ với rủi ro thấp nhất có thể. VAMC và NH sẽ ngồi lại thương lượng với nhau về từng khoản nợ.

Giả sử một khoản nợ nhóm bốn theo sổ sách 100 đồng, NH phải trích lập dự phòng rủi ro 50%. Theo cách bán hiện nay, VAMC sẽ mua món nợ này với giá 50 đồng. Với cách tính mới, VAMC sẽ thẩm định giá tài sản bảo đảm. Giả sử giá trị thực của tài sản bảo đảm là 30 đồng thì VAMC sẽ thương lượng mua với giá chẳng hạn 25 đồng. Như vậy với món nợ này tỉ lệ chiết khấu (giảm giá) cho món nợ này là 75%.

Còn nói chung, theo kinh nghiệm của tôi, tỉ lệ giảm giá cho nợ xấu vào khoảng 50%. Cũng có những món nợ bán được với tỉ lệ cao tùy vào giá trị tài sản bảo đảm nhưng có những món nợ phải chiết khấu đến 90% nếu người vay mất khả năng trả nợ và tài sản bảo đảm không phải là bất động sản và không còn nhiều giá trị.

. Nhưng nếu VAMC mua nợ với vai trò trung gian thì thỏa thuận giá thế nào?

+ VAMC có thể đóng vai trò trung gian mua nợ từ NH và bán cho nhà đầu tư hay chỉ đóng vai trò môi giới giữa NH bán nợ và nhà đầu tư. Hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua nợ xấu của Việt Nam. Chúng ta cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài sử dụng, sở hữu tài sản bảo đảm và chuyển đổi nợ thành cổ phần góp vốn. Cần xây dựng một thị trường mua bán nợ do một cơ quan chức năng quản lý chẳng hạn VAMC, trong đó các đối tác có thể trao đổi thông tin và đàm phán. Thị trường mua bán nợ không chỉ dùng cho nợ xấu mà ngay cả nợ tốt cũng có thể trao đổi mua bán.

. Như vậy vẫn phải dùng tiền mặt. Liệu có cách nào để không dùng tiền mặt không?

+ Hiện nay, VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt. Trái phiếu không có bảo lãnh của chính phủ hay NH Nhà nước (NHNN) sẽ không thể chuyển nhượng hay mua bán trên thị trường chứng khoán nhưng có thể chiết khấu với NHNN. Chuyển sang cơ chế thị trường thì thông thường NH sẽ được trả bằng tiền mặt hay một công cụ tài chính có giá trị tương đương như tiền. Các NH sẽ khó chấp nhận được trả bằng trái phiếu đặc biệt như hiện nay trừ trường hợp trái phiếu đặc biệt được bảo lãnh bởi Chính phủ hay NHNN. Để có một lượng tiền mặt đáng kể, VAMC phải đi vay trên thị trường vốn. Để có thể vay trên thị trường vốn, VAMC phải đủ mạnh về mặt tài chính và được xếp hạng tín dụng cao.

Với vốn điều lệ thấp như hiện nay, việc tăng vốn điều lệ cho VAMC lên ít nhất 10.000 tỉ đồng hay được Chính phủ bảo lãnh hay cả hai là điều kiện tiên quyết để VAMC đi vay trên thị trường vốn và giúp xử lý nợ của toàn hệ thống NH hiệu quả.

. Vậy sau khi bán nợ khoản nợ đó sẽ chuyển về nhà đầu tư nhưng số nợ có thay đổi khi đổi chủ không?

+ Hoàn toàn không. Đổi chủ nợ nhưng trách nhiệm trả nợ vẫn không thay đổi. Con nợ vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ như bình thường và nếu trước đây anh nợ NH 100 đồng thì nay anh nợ nhà đầu tư là chủ nợ mới cũng là 100 đồng.

. Xin cám ơn ông.

Đã là thị trường thì thuận mua vừa bán nhưng nếu NH muốn thu hồi nợ nhanh chóng thì sẽ phải bán rẻ cho nhà đầu tư. Còn nếu chưa gấp, họ sẽ chờ đợi để tìm cách thu hồi nợ hay tìm cơ hội bán với giá cao hơn. Với cơ chế mua bán nợ theo thị trường, NH sẽ cảm thấy hào hứng hơn, thị trường mua bán nợ sôi động hơn, khả năng giải quyết các khoản nợ xấu lịch sử sẽ cao hơn và bất động sản sẽ có những cú hích trong thời gian sắp tới.

Ông HUỲNH TRUNG MINH, chuyên gia tài chính


Nhiều bất động sản sắp tới sẽ được thanh lý

Nếu tính chung trên toàn hệ thống NH thì các khoản vay có tài sản bảo đảm được thế chấp bằng bất động sản chiếm khoảng 65%. Riêng về nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản chiếm bao nhiêu % thì chưa rõ. Cùng với đó hàng loạt văn bản pháp lý Nghị định 163, Nghị định 83 sửa đổi, bổ sung, Nghị định 163, đặc biệt Thông tư liên tịch số 16/2014, Thông tư 20 về đăng ký giao dịch bảo đảm… sẽ giúp khâu xử lý nợ xấu nhanh chóng hơn. Và nhờ thế sắp tới sẽ thanh lý được một số tài sản là bất động sản.

TS CẤN VĂN LỰC, cố vấn cấp cao NH BIDV



Theo Yên Trang

hangnt

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên