MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua vàng nhớ giữ hóa đơn

06-05-2014 - 12:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Sự việc ở tiệm vàng Hoàng Mai sẽ không bất thường nếu lực lượng chức năng chỉ lập biên bản số tiền 100 USD bị bắt khi đang giao dịch mà không đụng đến 559 lượng vàng miếng nằm trong két sắt của chủ tiệm.

Sự kiện Công an quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh ập vào tiệm vàng Hoàng Mai bắt quả tang vụ giao dịch 100 USD, sau đó lực lượng chức năng khám xét tiệm vàng này và niêm phong 559 lượng vàng đang nằm yên trong két gây xôn xao dư luận ít ngày qua. Mặc dù ngay sau đó, công an đã phải gỡ niêm phong số vàng này, nhưng qua vụ việc cũng đặt ra vấn đề về tính hợp pháp của người giữ vàng.

Theo các quy định hiện hành, người dân sở hữu vàng, kể cả vàng miếng, đều được pháp luật bảo hộ. Nhưng để ngăn chặn vàng giả, vàng nhái không đủ tuổi, các tiệm vàng phải xuất hóa đơn ghi số sê-ri để người tiêu dùng có thể đổi món hàng khác khi cần. Giao dịch vàng phải có hóa đơn để ngăn chặn vàng lậu hợp thức hóa vào lưu thông. Hóa đơn giao dịch vàng theo đó còn giúp hoạt động quản lý thị trường vàng thống nhất, có thể truy xuất nguồn gốc miếng vàng đã được bán ra từ điểm kinh doanh có giấy phép của NHNN, theo quy định về quản lý kinh doanh vàng miếng (Nghị định 24/2012/NĐ-CP - NĐ 24).

Thế nhưng, có một thực tế là thị trường vàng miếng tự do hoạt động đã nhiều năm, người dân không có thói quen giữ hóa đơn mua bán vàng, chưa nói đến chuyện hóa đơn phải ghi rõ số sê-ri lượng vàng đã mua. Từ đó đã xảy ra nhiều phiền toái khi mua vàng ở chỗ này được cho là đúng chất lượng, nhưng qua chỗ khác bán lại bị chủ tiệm phủ nhận không đủ tuổi. Thậm chí, nhiều người cầm miếng vàng thuê dịch vụ giữ hộ cất giữ, nhưng nguyên tắc két sắt chưa được đảm bảo nên đã bị bên giữ hộ chiếm dụng vốn bằng việc bán miếng vàng giữ hộ. Sau đó, bên giữ hộ trả lại miếng vàng tương đương giá trị nhưng không ghi số sê-ri khi lập hợp đồng cũng gây ra không ít tranh cãi.

Đơn cử như lấy số lượng vàng đang lưu hành trong dân được ước tính là khoảng 200-400 tấn, thì số lượng vàng không có hóa đơn ghi số sê-ri làm cách nào để chứng minh tính hợp pháp? Không lẽ lại phải có một quy định “khoác áo” hóa đơn cho toàn bộ số vàng đang lưu hành trong dân?

NĐ 24 chỉ yêu cầu người dân giao dịch vàng đúng nơi được cấp phép để hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng về giá, chất lượng. Ngay như Nghị định 95/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, điều chỉnh đối với cá nhân và tổ chức giao dịch trái phép trong lĩnh vực ngoại tệ và vàng cũng quy định, cần phải bắt quả tang giữa bên bán và mua. Thực tế trước khi có NĐ 24, thị trường vàng đã có 23 năm giao dịch tự do mà không cần đến hóa đơn. Thói quen mua đâu bán đó vẫn hiện hữu cho đến hôm nay. Vàng chuẩn SJC chỉ có ở những đô thị lớn. Tại những vùng xa xôi, người dân chủ yếu mua những thỏi đúc từ các cơ sở gia đình truyền thống có uy tín trong vùng.

Sự việc ở tiệm vàng Hoàng Mai sẽ không bất thường nếu lực lượng chức năng chỉ lập biên bản số tiền 100 USD bị bắt quả tang đang giao dịch mà không đụng đến 559 lượng vàng miếng đang nằm trong két sắt của chủ tiệm. Nếu tất cả vàng miếng đang nằm yên trong két sắt nhà dân mà lực lượng chức năng có thể sử dụng một lệnh khám xét vì nghi “có dấu hiệu” giao dịch vàng miếng, thì có lẽ không biết bao nhiêu vàng trong nhà dân sẽ bị “đánh thức dậy” và rơi vào phạm vi điều chỉnh của những lệnh khám xét như thế này.

Điều đó có thể gây lo ngại cho quyền tích trữ vàng miếng hợp pháp của nhân dân. Những người dân có thói quen tích của bằng vàng miếng luôn phải sống trong sợ hãi. Nếu bất ưng, một ngày nào đó, lực lượng chức năng có sử dụng các hội đoàn địa phương kéo đến kiểm tra số vàng cất giữ hay không?

Theo Phạm Hà Nguyên

loanlt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên