MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu nợ xấu dưới 3% đang ở rất gần

04-08-2015 - 16:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang giảm nhanh, từ 3,81% hồi tháng 3 xuống còn 3,15% vào tháng 5, rất gần so với chỉ tiêu dưới 3% mà NHNN đề ra.

 

Trong năm nay, để tập trung xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của NHNN, các nhà băng đều đang phải tăng trích lập dự phòng rủi ro dù điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh. Tính tới tháng 5/2015, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành là 3,15%, con số đang rất gần với mục tiêu dưới 3% trước 30/9 theo chỉ đạo của NHNN.

Chỉ đạo quyết liệt của NHNN

Để chỉ đạo các ngân hàng tập trung hơn trong xử lý nợ xấu, NHNN đã có nhiều văn bản cho thấy sự quyết liệt đối với vấn đề này.

Ngày 06/7/2015, Thống đốc NHNN có văn bản số 5057/NHNN-TTGSNH yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD có nợ xấu từ 3% trở lên cần quyết liệt xử lý nợ xấu ngay trong tháng 7/2015 để đưa nợ xấu xuống dưới 3% và hoàn thành kế hoạch được phê duyệt trước 30/9/2015.

Tại văn bản số 5056/NHNN-TTGSNH, các TCTD sẽ không được mở rộng mạng lưới cho tới khi TCTD hoàn thành các chỉ tiêu xử lý nợ xấu năm 2015 theo kế hoạch NHNN giao và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước ngày 1/10/2015. TCTD không hoàn thành được kế hoạch thì cũng sẽ không được mở rộng mạng lưới cho tới ngày 31/12 năm nay.

Bên cạnh đó, theo Chỉ thị số 02, đến ngày 30/6/2015, TCTD phải xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015. Trong đó, đối với số nợ xấu ngân hàng tự xử lý, đến ngày 31/7, nếu ngân hàng không tự xử lý được sẽ phải bán số nợ xấu đó cho VAMC trong tháng 8 và 9/2015.

Còn số nợ xấu bán cho VAMC, đến ngày 30/6, ngân hàng phải bán tối thiểu 75% số nợ xấu phải bán cho tổ chức này và đến ngày 31/8 phải hoàn thành bán 100% số nợ xấu phải bán cho VAMC theo chỉ tiêu được giao từ đầu năm.

Hy sinh lợi nhuận cho dự phòng rủi ro nợ xấu

Do phải tập trung xử lý nợ xấu và đẩy mạnh bán nợ nên dự phòng của các ngân hàng tăng lên, kéo theo đó là kế hoạch lợi nhuận của các nhà băng ngân hàng hầu hết đều khá khiêm tốn. Đặc biệt, một số ngân hàng thực hiện sáp nhập năm nay, gánh nặng nợ xấu sẽ là vấn đề đau đầu ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh.

Chỉ tiêu lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng của Maritime Bank năm nay là 1.114 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế (sau trích dự phòng) chỉ là 165 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với năm 2014.

6 tháng đầu năm, trích lập dự phòng của Vietcombank là 2.995 tỷ đồng, chiếm đến 50% lợi nhuận trước dự phòng và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Sacombank, dự kiến sau khi sáp nhập Southern Bank, với khoản nợ xấu trên 4.000 tỷ đồng, dự phòng rủi ro sẽ tăng. Năm 2015 ngân hàng sẽ trích hơn 1.800 tỷ đồng, năm 2016 là 3.109 tỷ và năm 2017 là trên 5.200 tỷ đồng. Do mức trích dự phòng cao, lợi nhuận trước thuế 3 năm tới được dự kiến sẽ không thay đổi nhiều.

Trong khi đó, quý 1 năm nay khoản dự phòng rủi ro tín dụng của Vietinbank cũng tăng gần gấp rưỡi lên 1.510 tỷ đồng. Vì thế mà lợi nhuận trước thuế trong quý 1 của ngân hàng này chỉ tăng 7,3%, đạt 1.564 tỷ đồng. Trong năm nay, Vietinbank cũng chỉ đặt chỉ tiêu 7.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm, gần như bằng lợi nhuận đạt được năm ngoái.

Còn tại Techcombank trích lập dự phòng gần 1.390 tỷ đồng trong quý 1, bằng 60% của cả năm 2014 (quý I/2014 chỉ trích lập 79 tỷ đồng).

Tình hình xử lý nợ xấu đang đi đến đâu?

Công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, một số ngân hàng đang khá tự tin với khả năng kiểm soát nợ xấu của mình. VietinBank cho biết nợ xấu của ngân hàng này đang ở mức xấp xỉ 1,1%. Nợ xấu tại BIDV còn 2%, MBBank là 2,04%, Vietcombank 2,43%. NamABank thông tin, nợ xấu được kiểm soát tốt với nợ nhóm 2 chỉ chiếm 1,96% trên tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,31%. TPBank cũng rất tự tin công bố ngân hàng đã xử lý số nợ xấu còn tốt hơn số mà NHNN yêu cầu, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng này hiện khoảng 1%.

Trong khi nhiều ngân hàng lần lượt công bố tỷ lệ nợ xấu đang ở dưới mức thấp trong tầm kiểm soát, vẫn còn nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 quanh mức 3%, thậm chí hơn. Tại ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) , tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,7%. Trong 2 quý đầu năm, OCB đã bán 74 tỷ nợ xấu cho VAMC. Còn Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) có mức nợ xấu là 3% vào cuối tháng 5...

Ngoài những ngân hàng công khai tỷ lệ nợ xấu của mình thời gian qua, vẫn còn nhiều nhà băng hiện vẫn còn đang im lặng hoặc lấp lửng về con số nợ xấu và có lẽ phải chờ đến khi báo cáo tài chính quý 2 được công bố mới rõ thêm tình hình.

Xử lý nợ hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, cả trong quá trình bán nợ cho VAMC lẫn ngân hàng tự giải quyết. VAMC dù rằng đã được thêm khá nhiều "quyền năng" song việc mua bán nợ xấu, theo các chuyên gia, phải đến năm 2016 mới diễn ra sôi nổi. Dẫu vậy, với nỗ lực của toàn ngành thời gian qua cùng sự ấm lên của nền kinh tế, tình hình nợ xấu đang có tiến triển lạc quan hơn. Do vậy, có nhiều cơ sở để tin tưởng ít nhất đến cuối quý 3 năm nay, tỷ lệ nợ xấu sẽ ở dưới 3% như kế hoạch của NHNN đã đề ra.

 

Hải Vân

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên