MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu quan trọng là giảm thiểu thiệt hại do nợ xấu gây ra

16-03-2014 - 06:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu không chỉ liên quan đến chuyện các TCTD bị lừa đảo, mà ở đây là số tiền ngân hàng bị rút ra không thu hồi được; nợ xấu còn liên quan đến việc sở hữu chéo.

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng thương mại đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý và kiềm chế nợ xấu. Nhờ đó, nợ xấu của các ngân hàng giảm dần, chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) được cải thiện, góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn vay tốt hơn…

Tuy nhiên, hiện nay nợ xấu vẫn như "cục máu đông" làm tắc nghẽn lưu thông dòng tiền khiến cho các chính sách giải cứu DN, giải cứu nền kinh tế chưa phát huy hết tác dụng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

Những dấu hiệu tích cực

- Thời gian qua, bên cạnh những vụ lừa đảo, vấn đề sở hữu chéo giữa các bên đang làm lệch lạc dòng chảy của đồng tiền khiến dư luận hết sức quan tâm. Vậy các hoạt động này có tác động làm gia tăng tình trạng nợ xấu không, thưa ông?

- Nợ xấu không chỉ liên quan đến chuyện các TCTD bị lừa đảo, mà ở đây là số tiền ngân hàng bị rút ra không thu hồi được; nợ xấu còn liên quan đến việc sở hữu chéo. Chúng ta đã có quy định cho TCTD về các vấn đề này nhưng không được thực hiện nghiêm túc; trong khi công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định ấy không chặt nên họ có thể lợi dụng việc này để tác động đến quy mô cũng như tính chất của nợ xấu. Sắp tới, chúng ta phải kiểm soát lại sở hữu vốn, hoạt động tín dụng liên quan đến những người đồng sở hữu ở một số ngân hàng, TCTD.

- Theo ông, những quy định về pháp luật cần phải sửa đổi xung quanh vấn đề này là gì?

- Đó là các quy định liên quan đến phát mãi hay xử lý tài sản thế chấp. Thứ hai là các quy định liên quan đến thanh tra, giám sát. Thực ra, những quy định về sở hữu chéo, cho vay “sân sau” đã có rồi, nhưng trong thực tế lại không giám sát được. Nếu như không quản lý tốt hệ thống, các ngân hàng thành lập ra rất nhiều công ty, có thể có những khoản cho vay trá hình, nói là vay tín dụng nhưng lại biến thành khoản đầu tư. Người ta vẫn có thể biến báo bằng nhiều thủ thuật khác nhau. Có những TCTD nếu thanh tra làm nghiêm thì nợ xấu có thể cao hơn nhiều.

- Dựa trên số liệu công bố gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về nợ xấu, ông nhận định về tình hình nợ xấu của nước ta hiện nay như thế nào?

- Tôi cho rằng, năm 2013 tình hình nợ xấu của ngân hàng được cải thiện đáng kể, với quy mô nợ xấu giảm về mức 4,6-4,8% tổng tín dụng, bằng một nửa so với mức công bố của NHNN cuối năm 2012. Có thể nói, Quyết định 780/QĐ-NHNN (ngày 23-4-2012) của NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ là một giải pháp tạo niềm tin trong năm 2013. Quyết định này cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ về mặt hình thức, do đó cũng giảm được khoảng trên 300 nghìn tỷ đồng có thể trở thành nợ xấu.

Làm rõ nợ xấu thực chất

- Ông có thể cho biết tác động của Quyết định 780/QĐ-NHNN đối với các ngân hàng và DN?

- Quyết định 780/QĐ-NHNN có thể coi như một “liều thuốc” đặc trị, giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý để tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh. Nếu như không có Quyết định 780/QĐ-NHNN thì rất nhiều DN không thể vay vốn của ngân hàng, bởi quyết định liên quan đến phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Gắn với mỗi loại nợ xấu đó phải có mức trích lập dự phòng rủi ro. Nếu khoản nợ trở thành nợ xấu thì phải lấy dự phòng rủi ro bù vào đó; nếu không thành nợ xấu mà vẫn đòi được nợ thì khoản dự phòng đấy vẫn được hoàn trả lại, được nhập vốn và nhập lãi.

- Thực ra, Quyết định 780/QĐ-NHNN chỉ là tạm thời khi nền kinh tế khó khăn, nhưng về lâu dài chúng ta cần phải làm rõ bản chất thực của nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế?

- Để đưa nợ xấu về đúng thực chất cũng phải làm từng bước gắn với khả năng xử lý nợ xấu. Quyết định 780/QĐ-NHNN cơ cấu lại nợ chỉ là tạm thời trong giai đoạn khó khăn của TCTD cũng như phía khách hàng khi tiếp cận vốn. Năm 2014, tình hình nợ xấu được cải thiện thì chúng ta nên hủy quyết định này và các TCTD phải thực hiện theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21-1-2013 về phân loại nợ xấu và trích nộp dự phòng rủi ro theo chuẩn quốc tế. NHNN sẽ cho áp dụng Thông tư 02 vào tháng 6-2014. Cơ quan này đã có chỉ thị, yêu cầu các ngân hàng tính toán nợ xấu tăng lên mức nào, các khoản đầu tư không sinh lời ở mức nào, trên cơ sở đó trích lập dự phòng, gắn với kế hoạch thường niên của năm 2014.

- Khi thực hiện theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, số nợ xấu sẽ tăng do cách thức phân loại khác nhau. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến các TCTD và các đối tượng đi vay sẽ ra sao, thưa ông?

- Khi thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các bên liên quan và cả nền kinh tế, vì nếu ta phân loại nợ xấu một cách nghiêm túc thì bản thân các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro tăng lên. Như vậy, sẽ tác động trực tiếp đến nguồn vốn có khả năng cho vay; nếu nợ xấu quá lớn, thậm chí mất vốn đe dọa nguy cơ phá sản. Còn bản thân đối tượng đi vay cũng bị ảnh hưởng nhiều vì nếu như có một khoản nợ bị xếp vào nợ xấu thì sẽ bị hạn chế điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng. Các ngân hàng đều có một hệ thống quản lý chung, nếu DN vay ngân hàng này mà có một khoản nợ xấu lập tức thông tin ấy sẽ đến với tất cả các đơn vị khác, gần như DN sẽ không vay được nữa. Năm 2014, chúng ta phải làm chặt chẽ hơn, sẽ tạo nên gánh nặng về vấn đề xử lý nợ xấu nên cần phải có lộ trình để các TCTD và DN chuẩn bị trước khi thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN.

VAMC không phải là “cây đũa thần”

- NHNN đã ban hành quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu của các TCTD. Theo ông, vai trò của công ty này nên như thế nào?

- Tôi nghĩ, bản thân các TCTD không xử lý được nợ xấu nên phải cần đến VAMC. Thứ hai, VAMC là một tổ chức của Nhà nước nên dù sao cũng có điều kiện xử lý nợ xấu hơn so với bản thân các TCTD. Thứ ba, trước mắt ít nhất nó “làm sạch” được một phần nợ xấu của các TCTD để có thể tập trung những hoạt động về huy động và tín dụng cho vay, giải tỏa bớt nợ xấu. VAMC ra đời giúp giảm áp lực cho TCTD, giúp TCTD có điều kiện cũng như thời gian tái cấu trúc. Nếu không đưa được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản thì các TCTD sẽ không thể tự tái cơ cấu được. Đúng ra, khi mua nợ xấu nếu VAMC có tiền thì họ trả cho các TCTD bán bằng tiền mặt, nhưng vì không có tiền nên họ trả bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, là giấy tờ có giá trị được NHNN bảo đảm. TCTD có trái phiếu đặc biệt này có thể thế chấp để tái cấp vốn hay giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, phụ thuộc vào việc mở “van” dần của NHNN.

- Vậy mục tiêu quan trọng nhất của VAMC là gì, thưa ông?

- Mục tiêu kinh tế cao nhất của VAMC là thu hồi các khoản nợ xấu. Trong đó liên quan đến việc, tới đây họ phải xử lý các tài sản thế chấp như thế nào để tối đa hóa lớn nhất giá trị các khoản nợ xấu. Đây mới là nhiệm vụ quan trọng nhất của VAMC, chứ việc mua lại các khoản nợ xấu với cả trăm nghìn tỷ đồng mà không có cách xử lý thì cũng không tạo ra dòng tiền nào cả, chỉ là chuyển nợ xấu từ ngân hàng thương mại sang VAMC.

- Theo ông VAMC phải làm thế nào để phát huy hiệu quả trong việc giải quyết nợ xấu cho các TCTD?

- Trong văn bản giải trình của NHNN, các khoản nợ sau khi VAMC mua sẽ được tiến hành cơ cấu lại, cơ cấu cả về lãi suất; đưa các lãi suất cao trước đây về mặt bằng lãi suất hiện nay cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Nợ xấu không có khả năng chuyển thành nợ tốt thì buộc phải bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Các ngân hàng bị thiệt hại do xử lý nợ xấu phải được tái cấp vốn từ cổ đông để bảo đảm đủ điều kiện hoạt động như quy định. Bằng việc mua nợ xấu thông qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt thì các TCTD có thể tái chiết khấu tại NHNN để có thể thu được tối đa đến 70% giá trị của khoản nợ. Chắc chắn tới đây, VAMC sau khi mua xong nợ xấu, họ sẽ bán hoặc phải xử lý nợ xấu.

Sửa quy định theo quan hệ thị trường

- Vấn đề đặt ra đối với việc giải quyết nợ xấu năm 2014 là gì, thưa ông?

- Việc xử lý nợ xấu năm 2014 có 4 vấn đề mà chúng ta vẫn phải tiếp tục làm là: Bản thân ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro; thứ hai là VAMC mua lại nợ xấu; thứ ba là kiểm soát chất lượng tín dụng của những khoản vay mới; thứ tư là áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ vì nó gắn với việc trích lập dự phòng rủi ro. Tôi cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất trong việc xử lý nợ xấu đó là giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do nợ xấu gây ra. Việc trừng phạt các đối tượng vi phạm chủ yếu nhằm mục đích ngăn ngừa để không phát sinh nợ xấu tiếp theo. Xử lý nợ xấu của VAMC là một nhóm giải pháp đặc thù của Việt Nam. Để xử lý được nợ xấu thì VAMC cũng cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn nữa. Ở đây phải có trách nhiệm của TCTD và các tổ chức kinh tế. Vấn đề lớn nhất hiện nay là phải có các giải pháp tổng thể để tăng tổng cầu, giúp nền kinh tế khởi sắc hơn. Bên cạnh đó, bản thân các TCTD và các tổ chức kinh tế cần xác định phải tái cấu trúc lại hoạt động theo hướng hiệu quả hơn, trong đó có trách nhiệm xử lý nợ xấu đang tồn tại.

- Chúng ta cần có giải pháp như thế nào để hạn chế nợ xấu phát sinh liên quan đến thị trường tài chính phi chính thức, thưa ông?

- Việc xử lý nợ xấu luôn phải gắn việc xử lý sở hữu chéo bởi vì khi làm rõ việc sở hữu chéo thì chắc chắn sẽ có hệ lụy liên quan khá nhiều đến vay nợ cũng như phát sinh nợ xấu. Thứ hai là trong thời gian vừa qua, tín dụng trong nền kinh tế rất lớn, kể cả đưa vào sản xuất kinh doanh và những ngành không khuyến khích thì cũng đều có khả năng phát sinh ra nợ xấu; chưa kể các hiện tượng lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm...

Những vấn đề này có mối quan hệ giữa thị trường tài chính chính thức và thị trường tài chính phi chính thức. Thêm vào đó, dòng tiền không chỉ là tín dụng đen loanh quanh trong nước mà có thể được chuyển thành ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài. Toàn bộ hệ thống cơ chế pháp lý của ta cần phải được hoàn thiện để có cơ chế xử lý phù hợp.

- Theo ông, để bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng, giảm nhanh nợ xấu chúng ta phải làm gì trong thời gian tới ?

- Các khoản nợ xấu đều gắn với tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp mà chủ yếu liên quan đến bất động sản và một phần là hàng tồn kho. Muốn đẩy mạnh việc giải tỏa nợ xấu trong thời gian tới thì phải giải phóng được bất động sản, hàng tồn kho, cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến tài sản thế chấp.

Thông thường, các TCTD, ngân hàng thương mại có thể tự họ xử lý được nợ xấu nhưng do định chế pháp lý của mình quá phức tạp, đa số đứng về người đi vay trong khi lại không gắn trách nhiệm với họ nên việc phát mãi tài sản thế chấp không đơn giản. Chưa kể là sự thỏa thuận giữa tổ chức, người cho vay và người đi vay liên quan đến việc đánh giá tài sản bảo đảm thế chấp cũng còn nhiều bất cập. Vì vậy đã xảy ra tình trạng có một kho hàng rởm mà được đem thế chấp tại nhiều ngân hàng. Do đó, phải sửa quy định pháp lý đúng với quan hệ thị trường.

- Trân trọng cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!

Theo Vương Anh

hangnt

Hà Nội mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên