Muốn lời, phải biết cắt lỗ
Đó là lời khuyên của các chuyên gia với người nghiệp dư “lướt sóng” vàng, USD, chứng khoán... khi những thị trường này thường xuyên trồi sụt thất thường...
Lỗ vì “rải đinh”
Chị Hòa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể cách đây không lâu chị mua 10 lượng vàng với giá 39 triệu đồng/lượng. “Trước thời điểm mua khoảng 2 tuần, giá vàng ở mức 41 triệu đồng/lượng, nhiều tháng trước đó giá vàng duy trì ở mức 44 - 45 triệu đồng/lượng nên thấy giá 39 triệu đồng/lượng, giảm 5 - 6 triệu đồng/lượng, đã là đáy, chắc chắn sẽ tăng lại như những lần trước nên quyết định mua. Nào ngờ mua xong chưa được 1 tuần giá giảm sâu về 36 - 37 triệu đồng/lượng. Qua đến cuối tháng 7, giá vàng cũng tăng được lên mức 38,4 triệu đồng/lượng, nghĩ bán ra thì lỗ vài triệu đồng nên kỳ vọng giá sẽ tăng chút nữa. Ai dè giá lại giảm lại xuống mức 37 - 38 triệu đồng/lượng. Giờ bán ra thì lỗ nặng, mà giữ không biết giá sẽ ra sao? Liệu có lỗ thêm”, chị Hòa lo lắng.
|
Không như chị Hòa ngồi chờ đợi giá lên khi khoản đầu tư đã lỗ, chị Huệ (Q.1, TP.HCM) kinh tế khá hơn nên xử lý khoản lỗ bằng một cách khác. Sau khi mua 20 lượng vàng, giá liên tục xuống và bị lỗ, thay vì bán ra để tránh nguy cơ lỗ nặng, chị Huệ tiếp tục mua thêm 20 lượng vàng ở mức giá thấp hơn; sau đó do giá vàng tiếp tục giảm sâu, chị Huệ lại mua thêm 20 lượng vàng nữa... Với cách “rải đinh” này, chị Huệ kỳ vọng kéo giá mua bình quân xuống thấp, chờ giá thị trường tăng lại để thoát lỗ. Nhưng diễn biến giá vàng gần 2 tháng qua khiến chị Huệ ôm 60 lượng vàng lỗ nặng hơn...
Vốn vay, cần cắt lỗ ngay
Tâm lý của chị Hòa hay chị Huệ cũng là tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp: khi chẳng may mua phải giá cao, rơi vào tình trạng lỗ, họ cảm thấy khó quyết định bán ra khoản đầu tư này. Anh Thành, một nhà đầu tư vàng, cổ phiếu có kinh nghiệm 7 năm trên thương trường, nhìn nhận: “Khi nhà đầu tư rơi vào tình trạng lỗ, họ thường khó chấp nhận bán ra bởi tâm lý kỳ vọng giá lên, dẫn đến tình trạng lỗ càng thêm lỗ. Trong khi với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ thường tính toán và áp dụng cách đơn giản nhất là bán ra cắt lỗ, lấy tiền đầu tư vào thương vụ khác”.
Ông Trần Thành Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho rằng: “Vàng có lúc lên, lúc xuống, tùy theo nguồn vốn của người mua là vốn tự có hay vốn vay mà đưa ra quyết định nên giữ hay cắt lỗ. Khi gặp phải cảnh lỗ, những người dùng vốn vay nên tính đến việc cắt lỗ càng sớm càng tốt, bởi để càng lâu mức lãi vay trả càng nhiều. Những ai đã mua vàng ở mức giá 40 - 42 triệu đồng/lượng bằng vốn tự có của mình thì có thể kỳ vọng giá sẽ quay lại mức này. Nhưng cũng là vốn tự có mà đã mua vàng ở mức giá 47 - 48 triệu đồng/lượng thì nên cân nhắc bán ra ở thời điểm khả dĩ nhất, vì giá vàng thế giới khó có thể tăng lại được mức 1.900 USD/ounce hoặc giá USD tăng mạnh”.
Đối với phương thức “rải đinh”, ông Trần Thanh Hải cho rằng chỉ nên áp dụng với những người trường vốn, vì “khối lượng mua của những đợt sau phải nhiều hơn đợt đầu mới cho ra mức giá sát với giá của thị trường, khi đó cơ hội chờ giá lên để kiếm lời sẽ cao hơn”. |
Theo Thanh Xuân