MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 49%: Quá đủ để hấp dẫn nhà đầu tư

03-10-2013 - 11:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Với hình thức doanh nghiệp cổ phần thì không riêng ngân hàng mà cả ở các ngành nghề khác có độ mở hơn vẫn áp dụng trần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 49%.

Đánh giá về thông tin sắp có thể Chỉnh phủ sẽ cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 49% tại các ngân hàng trong nướcc, hầu hết các chuyên gia tài chính đều cho rằng đây là một thông tin rất tích cực với quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Sức ép lên các ngân hàng trong nước về cạnh tranh

Theo ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc phân tích Quỹ SHF thì đây là việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài (thậm chí có thể là một nhà đầu tư nước ngoài) có thể sở hữu tới 49% các ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu, nhất quán với tinh thần của Quyết định 254 (2012) phê duyệt đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng 2011-2015, cũng như dự thảo sửa đổi nghị định 69/2007/NĐ-CP hiện đang trình Chính Phủ về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với ngân hàng.

Đối với việc tái cơ cấu thông qua tái cấp vốn, chuyển đổi sở hữu ngân hàng nhỏ, yếu kém thì hiện nay hai kênh 1 là sở hữu nhà nước và 2 là các ngân hàng lớn trong nước mua lại gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế xã hội nói chung.

Việc dựa vào luồng vốn ngoại để xử lý ngân hàng nhỏ yếu kém được xem là kênh khả thi nhất để tái cơ cấu triệt để các ngân hàng yếu kém.

Ông Đức cho rằng các ngân hàng yếu kém sau khi đã sát nhập có số vốn đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi xét tới cơ hội gia nhập một thị trường chín mươi triệu dân với nhiều tiềm năng phát triển cho các dịch vụ tài chính.

Cho tới nay, theo nghị định 69/2007 thì tổng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với một tổ chức tín dụng tối đa là 30% vốn chủ sở hữu của TCTD đó, một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 15% cổ phần một TCTD và tối đa 20% nếu được Chính phủ phê duyệt.

Các giới hạn trên về sở hữu, theo thông điệp gần đây của Thủ tướng, sẽ được cởi bỏ và nới lỏng và điều này giúp nhà đầu tư nước ngoài có quyền chi phối một số ngân hàng nhất định, giúp tái cơ cấu ngân hàng đó cũng như hệ thống tài chính.

Với quan điểm tỷ lệ 49% trên chỉ áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt được Chính phủ phê duyệt chứ không áp dụng cho toàn bộ hệ thống (không phải là nâng trần sở hữu của ĐTNN đối với bất kỳ ngân hàng lên 49%) thì ông Đức cho rằng thông tin trên chủ yếu sẽ tích cực với cổ đông của các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu khi họ có thể hy vọng khoản đầu tư của mình có thể sẽ được hồi phục khi ngân hàng có sở hữu mới và hoạt động kinh doanh được cải thiện khi áp dụng các chuẩn mực quản lý quốc tế”.

Với hệ thống ngân hàng chung, điều này cũng tạo tâm lý tích cực khi cho thấy Chính phủ rất quyết tâm trong việc tái cơ cấu hệ thống, qua đó giúp niềm tin của người gửi tiền và vay tiền vào hệ thông được cải thiện.

Các khoản cho vay tiền gửi liên ngân hàng của các ngân hàng lớn cho các ngân hàng yếu kém vay cũng sẽ có thể được hoàn trả giúp các ngân hàng lớn có thể không phải trích lập nợ xấu (nếu chưa trích) hoặc hoàn trả dự phòng (nếu đã trích).

Nhìn về dài hạn, lãnh đạo một số ngân hàng cũng thừa nhận rằng việc các tổ chức nước ngoài thâm nhập sâu hơn vào thị trường tài chính sẽ gây sức ép buộc các ngân hàng trong nước nói chung phải nâng cao hiệu quả hoạt động, độ minh bạch, quản lý rủi ro, đồng thời cũng có thể học hỏi được các kinh nghiệm quy trình quản lý hiện đại. Đây có thể là một tin tốt hoặc không tốt với cổ đông của các ngân hàng trên tùy theo việc ngân hàng mà họ đầu tư có tận dụng được thời cơ này để bứt phá hay không.

Tỷ lệ sở hữu 49% là hợp lý?

Trước băn khoăn về việc Việt Nam nên để cho nhà đầu tư ngoài được sở hữu 100% cổ phần tại các ngân hàng như vậy mới đủ sức hấp dẫn? ông Đức cho rằng, hiện Việt Nam cũng sẵn sàng mở cửa cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài, và thực tế đã có những ngân hàng như vậy đang hoạt động ở Việt Nam.

Tuy vậy, với hình thức doanh nghiệp cổ phần thì không riêng ngân hàng mà cả ở các ngành nghề khác có độ mở hơn vẫn áp dụng trần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 49%.

Thứ nhất, nếu các cổ đông nước ngoài được sở hữu trên 49% cổ phần mà vẫn coi là doanh nghiệp Việt Nam thì nhiều ngành khác cũng sẽ có yêu cầu tương tự và điều này sẽ đòi hỏi phải sửa đổi nhiều luật và nghị định khác nhau.

Thứ hai, theo Luật Tổ chức tín dụng thì với việc cho phép NĐTNN sở hữu tới 49% đã là rất ưu đãi so với cổ đông trong nước (một tổ chức và người liên quan chỉ được sở hữu tối đa 20%).

Cuối cùng, thực tế cho thấy với một ngân hàng nói riêng và một công ty cổ phần đại chúng nói chung thì việc nắm giữ 49% cổ phiếu là quá đủ để nắm giữ quyền điều hành vì đối tượng sở hữu có tính phân tán cao.

“Mức 49% là hợp lý và đủ để có thể phát huy sức mạnh từ luồng vốn ngoại trong việc xử lý tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và việc nâng lên 51% hay hơn nữa là phức tạp và không cần thiết, nếu có thì sẽ chỉ xảy ra trong trường hợp các ngành nghề khác ít nhạy cảm hơn cũng được nâng tỷ lệ sở hữu chiểu theo các cam kết khi gia nhập WTO hay các hiệp định thương mại đa phương khác” – Ông Đức nói.

Khánh Linh 

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên