Nên mở cửa cho nước ngoài “mua” ngân hàng
Ngay bây giờ chuyển nhượng 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài cũng không sao.
- 01-10-2013Lãnh đạo các ngân hàng lạc quan về khả năng mở room khối ngoại lên tới 49%
- 30-09-2013Thủ tướng: Sẽ hạ giá tiền đồng và nới “room” khối ngoại tại ngân hàng
- 19-09-2013Ngân hàng lớn nhất Singapore có thể sẽ mua cổ phần của GPBank
Mới đây, có thông tin Chính phủ đang xem xét cho phép nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tăng tổng tỉ lệ sở hữu tại các ngân hàng (NH) nội địa từ 30% lên 49% trong thời gian tới. Thực tế thì ngay bây giờ cho phép các NĐT nước ngoài mua 100% vốn của NH trong nước cũng được rồi.
Đi theo lộ trình
Hiện nay trên thế giới, cá nhân hay doanh nghiệp bất kỳ đều có thể mua 100% vốn của NH thuộc các nước là thành viên của WTO. Với trường hợp của Việt Nam, WTO quy định đến năm 2020 chúng ta phải gỡ bỏ mức trần tỉ lệ cổ phần của NĐT nước ngoài nắm giữ ở NH. Vì thế việc chúng ta tháo gỡ trần này là sự công bằng, phá đi tất cả rào cản về đầu tư của các nước thành viên WTO.
Nhưng có một số quan ngại rằng nếu để NĐT nước ngoài vào mua 100% vốn tại một NH thì có thể dẫn đến rủi ro. Về lý thuyết, một NH lớn của thế giới nếu có ý đồ không tốt thì họ có thể dùng chính NH mà họ mua lại để lũng đoạn thị trường tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế điều lo ngại này không có cơ sở vì hiện nay các NH nước ngoài đã vào Việt Nam với 100% vốn như Standard Chartered, Citibank… mà có thấy hiện tượng làm lũng đoạn hệ thống NH nước ta đâu. Ngược lại, các NĐT này làm việc rất thận trọng vì môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng rất rủi ro.
Tuy nhiên, để giải tỏa tâm lý còn lo ngại của các cơ quan chức năng và của một số NH thương mại, trước mắt nên nâng tổng số phần trăm vốn của NĐT nước ngoài từ 30% đến 49%. Sau 1-2 năm tăng 51% và sau đó tăng thêm một cấp nữa là 75% để đến 2020 là 100%.
Có một nghịch lý là đa số NĐT bao giờ cũng muốn đầu tư vào NH mạnh chứ họ không tìm đến các NH yếu. Vì thương hiệu của họ, nếu chọn NH yếu thì cả thế giới sẽ nghĩ rằng ông là NH yếu nên mới mua cổ phần của NH yếu. Trong khi đó dự thảo thay thế Nghị định 69/2007 của Chính phủ quy định, NĐT nước ngoài khi mua cổ phần của NH Việt Nam thì chỉ được mua từ các NH kém nằm trong diện cần tái cấu trúc, tổng tỉ lệ sở hữu này có thể vượt quá 30% quy định trên. Đối với từng trường hợp cụ thể do Thủ tướng quyết định.
NĐT nước ngoài cũng dè dặt vào
Mặc dù nới lỏng cho NĐT nước ngoài mua cổ phần của NH Việt Nam nhưng chắc chắn xu hướng này không thể ào ạt được. Những NH hiện tại tương đối mặn mà với thị trường Việt Nam là NH từ Nhật Bản và Á châu nói chung. Những nước ngày họ hiểu con người và quen với cách làm việc của chúng ta, hơn nữa NH của Việt Nam cũng gần gũi với công ty mẹ của họ.
Còn các NH Tây phương họ rất dè dặt khi vào thị trường Việt Nam bởi điểm tín nhiệm của Việt Nam thấp. Hiện nay chỉ có vài NH tại Việt Nam được xếp điểm tín nhiệm. Không những thế hệ thống NH ở Việt Nam không được đánh giá cao về tính minh bạch, trừ một vài NH và số ít này được thị trường quốc tế biết.
Đặc biệt trong tình thế hiện tại, sau khủng khoảng tài chính năm 2008 đến nay thì việc đầu tư ra nước ngoài của các NĐT bị giới hạn. Rất nhiều nước đùng một cái chỉ qua đêm đã trở thành quốc gia có độ rủi ro cao. Ngay cả Mỹ, Tây Ban Nha, Ireland, Hy Lạp… trước được xem là những nước mạnh mẽ nhất nhưng giờ lại trở thành rủi ro nhất. Hiện nay NĐT thế giới nhắm tới các quốc gia có nền kinh tế phát triển, tương đối ổn định và có khả năng sinh lời như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Tại Mỹ, ai cũng có quyền được mua nguyên một NH. Tuy nhiên, để mua được một NH phải thông qua việc cứu xét rất chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Chẳng hạn như về phía liên bang có hai cơ quan có thẩm quyền xét vấn đề đầu tư là NH Dự trữ liên bang và Cục Ngân khố. Đơn vị thứ ba xét việc đầu tư này là cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang. Ít nhất ba cơ quan này sẽ xét việc NĐT nước ngoài muốn mua NH của Mỹ.
Về phía các tiểu bang cũng có những cơ quan quản lý các NH ở các tiểu bang xét, thành ra qua rất nhiều lớp. Chẳng hạn như mục đích họ muốn mua NH này để làm gì, có mầm mống của các yếu tố rửa tiền hay không… Nếu một ông bác sĩ lập NH để đầu tư thu lợi, hay mấy ông bất động sản lập NH, mua NH để bán bất động sản hay vì các lợi ích cá nhân khác sẽ không được chấp thuận.
TS Nguyễn Trí Hiếu