Nên sớm có phương án huy động vàng trong dân
Chỉ trong vòng 4 tháng tổ chức đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra thị trường hơn 50 tấn vàng. Tuy nhiên, thị trường đang như cái thùng không đáy, khi vàng đấu thầu được cung ra đều “mất hút”.
Vậy thực sự thì vàng “thẩm thấu” đi đâu, trong khi khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới vẫn tiếp tục níu ở mức cao. Túi vàng trong dân càng ngày càng phình to, và mục đích huy động nguồn vàng trong dân càng ngày càng trở nên xa vời nếu không sớm có giải pháp…
Giữ giá vàng ổn định, không để gây náo loạn
Nếu chỉ tính riêng thời điểm sau ngày 30/6 - hạn cuối cùng đóng trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại, số vàng chính thức chảy vào thị trường cũng đã hơn 12 tấn. Các phiên đấu thầu liên tục “cháy hàng” cho thấy lực cầu đang rất mạnh. Tuy nhiên, các địa điểm kinh doanh vàng bạc đều cho rằng, trong tháng 7 việc mua bán vàng diễn ra khá chậm chạp. Hầu hết khách mua là nhỏ lẻ, nhiều nhất chỉ từ 10-20 lượng, nhưng những giao dịch này rất ít. Ngay như đơn vị kinh doanh lớn là SJC, tổng lượng bán ra trong một ngày trên toàn quốc nhiều nhất cũng chỉ 2.000 lượng.
Đại diện SJC cho biết, doanh số mua bán này thậm chí còn thấp hơn cầu vàng vào thời điểm trước đấu thầu. Vậy thực tế thì vàng đấu thầu đã chảy đi đâu, hay có hiện tượng “tay to” đầu cơ quay lại thị trường? Trao đổi thông tin với chúng tôi, một đại diện của NHNN cũng không trả lời được câu hỏi vàng đấu thầu đi đâu. Theo vị này, hiện có quy định giao dịch vàng 300 triệu là phải báo cáo, nên các giao dịch lớn hầu như không có. Bởi vậy, ý kiến cho rằng có “tay to” đầu cơ trên thị trường vàng là cũng chỉ là phỏng đoán mà không có thực tế.
Về vấn đề này, chính ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, thực ra với diễn biến giá vàng trong thời điểm hiện nay, việc đầu cơ là không hề dễ dàng, thậm chí rủi ro rất cao, dẫn đến thua lỗ. Tuy nhiên, ông Trúc công nhận đến bây giờ, việc vàng đấu thầu đi đâu vẫn là câu hỏi chưa xác định được. Bởi vậy, nhiều ý kiến đặt dấu hỏi liệu các NHTM đã thật sự tất toán đủ vàng như công bố? Còn người dân, việc họ mua vào khi giá vàng thấp, tích trữ vàng khi kinh tế khó khăn là điều tất yếu. “Dù vàng có chảy đi đâu, thì cũng rõ ràng là không tốt.
Về phía đại diện NHNN, trả lời câu hỏi là sẽ đấu thầu đến bao giờ, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết là NHNN đang “vừa làm vừa xem, vì cái chính là phục vụ nhiệm vụ quản lý, chứ không phải là tung vàng để “chiều” thị trường. Nguyên tắc là giữ ổn định, nếu buông tay ra sẽ náo loạn, ảnh hưởng đến chuyện khác”. |
Để đấu thầu vàng, NHNN đã mua 50 tấn, tương đương với một lượng ngoại tệ rất lớn đã bị đổ vào vàng (khoảng 2 tỷ USD, tương đương 40 nghìn tỷ đồng). Khi mua lại 50 tấn vàng đấu thầu từ NHNN, các doanh nghiệp lại phải sử dụng tiền đồng để mua vàng.
Như vậy, dù “thẩm thấu” đi đâu, thì vàng đang hút một lượng tiền rất lớn. Cộng với một lượng tiền khác, khoảng 300-500 tấn vàng, đang nằm trong dân từ trước tới nay, rõ ràng đồng tiền đang bị nằm chết, không chảy vào được sản xuất kinh doanh, không mang lại giá trị vật chất cho xã hội. Đấy là chưa kể, việc vàng tiếp tục mất hút, NHNN cứ tiếp tục cung vàng ra thị trường, khiến cho mục tiêu huy động nguồn vàng trong dân thành tiền phục vụ nền kinh tế của NHNN ngày càng xa vời. Như vậy, vấn đề gốc rễ không giải quyết được, mà làm cho túi vàng trong dân ngày càng phình lên, tình trạng vàng hóa ngày càng trầm trọng thêm”, ông Trúc nhận định.
Sớm tính việc huy động nguồn vàng trong dân
Vàng liên tục mất hút, trong khi khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục giữ ở mức cao. “Dù cho NHNN đã nhiều lần tuyên bố mục tiêu chính của các phiên đấu thầu vàng là ổn định thị trường, chứ không phải ổn định giá vàng, nhưng nói thật một lượng vàng lớn như vậy được tung ra, mà giá vàng vẫn chênh lệch lớn như vậy thì đó là điều mà người dân khá thất vọng” - chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
“Thứ nhất, cần thay đổi cách thức đấu thầu, đặt giá thầu về sát với giá thế giới. Để tránh nghi ngại doanh nghiệp mua rẻ, bán đắt, thì NHNN có thể áp trần giá bán theo tỷ lệ cũng là một ý kiến. Trước mắt, việc đấu thầu có thể chưa dừng lại, vì nếu dừng lại trong thời điểm này, chắc chắn khoảng cách chênh lệch sẽ lại lên cao. Nhưng trong tương lai, cần tính toán xem có nên đấu thầu nữa hay không.
Thứ 2, kéo giá vàng bằng cách giảm sức cầu. Để làm được việc này, có thể cho các doanh nghiệp khác cùng dập vàng miếng SJC, tăng nguồn cung dồi dào. Nếu cho như vậy, chưa cần nhập khẩu, thì đã giảm chênh lệch rồi”, ông Trúc kiến nghị.Song, theo ông Nguyễn Thanh Trúc, thực ra, nói chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn, nhưng chỉ là chênh lệch của thương hiệu vàng SJC, còn vàng miếng các thương hiệu khác, vàng nguyên liệu, thì mức chênh không nhiều. Ông Trúc cho rằng để giải bài toán chênh lệch này không khó.
Riêng về cách thức chuyển lượng vốn vàng trong dân thành vốn phục vụ phát triển kinh tế, ông Trúc cũng cho rằng có nhiều cách: “Ví dụ như huy động nguồn vốn bằng vàng sau đó gửi nước ngoài dưới hình thức gửi tiết kiệm và dùng cái đó làm tài sản đảm bảo để vay ngoại tệ. Đó là một hình thức, ngoài ra có thể huy động vàng xong bán ra để lấy VND để đầu tư phát triển kinh tế, nhưng bán phải phòng ngừa rủi ro trượt giá, đơn giản là bán trong nước bao nhiêu thì mua ở nước ngoài đúng như vậy với giá đúng như giá bán. Việc này hầu hết các nước tiên tiến đều áp dụng, chúng ta không cần sáng tạo gì ở đây mà chỉ cần áp dụng đúng như mô hình đó".
Theo Lệ Thúy - Thanh Hà