Nếu ngân hàng yếu kém nên cho phá sản
Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cần hoạt động theo luật doanh nghiệp. Do vậy cần có chính sách yêu cầu giải thể các ngân hàng yếu kém, như việc giải thể các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Phiên thảo luận tại hội trường chiều 01/11 về tái cơ cấu nền kinh tế với tâm điểm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính, các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm đáng kể tới hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Các đại biểu hầu hết đánh giá, hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang đúng tiến độ là một điểm sáng của tái cơ cấu nền kinh tế. Thời gian qua, cùng với việc giải quyết nợ xấu, xác định các ngân hàng yếu kém và tiến hành sáp nhập, hợp nhất, hệ thống cũng đã có nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng nhằm từng bước khơi thông nguồn vốn.
Những kết quả đạt được đã góp phần tạo ra thị trường tài chính lành mạnh hơn, thị trường ngoại hối ổn định, lãi suất giảm đáng kể, dự trữ ngoại hối tăng, góp phần làm kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, sản xuất kinh doanh đã dần ấm lên.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Các đại biểu đề xuất một loạt các giải pháp cho hệ thống ngân hàng.
Theo đại biểu Phan Văn Quý của đoàn Nghệ An, chúng ta cần thúc đẩy các ngân hàng sáp nhập hợp nhất, khuyến khích tạo điều kiện cho ngân hàng mạnh và ngân hàng yếu sáp nhập.
Với nợ xấu, cần tích cực giám sát, minh bạch hóa thông tin về nợ xấu của các tổ chức, đơn vị. Kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động đảm bảo thông tin phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế, đánh giá phân loại và công bố khả năng thu hồi nợ của các khoản nợ.
Về sở hữu chéo, đánh giá tình trạng sở hữu chéo hiện nay đã đến mức báo động, do đó cũng cần minh bạch sở hữu chéo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, cần tập trung xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch.
Về nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, đại biểu đề xuất nên xây dựng và áp dụng luật bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng. Cùng với đó là xây dựng hệ thống xếp hạng ngân hàng để người dân phân loại ngân hàng tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp để gửi tiền. Nếu làm được điều này sẽ là đòn bẩy để các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đại biểu Phan Văn Quý lưu ý, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cần hoạt động theo luật doanh nghiệp. Do vậy cần có chính sách yêu cầu giải thể các ngân hàng yếu kém, như việc giải thể các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Cùng đóng góp ý kiến với hệ thống ngân hàng, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng việc lập VAMC là một sáng kiến, tuy nhiên nếu muốn giải quyết tận gốc nợ xấu cần chính sách công cụ mua bán nợ, tăng vốn điều lệ hơn nữa. Nếu nợ xấu coi là mặt hàng dùng để mua bán thì phải phải dùng tiền tươi tóc thậy để giao dịch chứ không thể bằng tiền ảo.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình của đoàn Hà Nội trong khi đó lưu ý cần đẩy nhanh hơn nữa việc sáp nhập các ngân hàng, cần đưa các Ngân hàng nhà nước lớn như là Vietcombank, Vietinbank, BIDV có tiềm lực tài chính mạnh tham gia tái cấu trúc ngân hàng nhỏ để tạo thêm sức mạnh. Thêm vào đó, tái cấu trúc các tổ chức tín dụng là vấn đề của cả nền kinh tế, nên NHNN không nên đứng độc lập trong quá trình này mà cần phát huy sức mạnh của các bộ ngành địa phương và cả hệ thống pháp luật.Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng cần đề xuất một cơ chế xử lý tài sản đảm bảo đơn giản hơn để giúp VAMC và hệ thống NH thương mại đẩy nhanh xử lý nợ xấu.