Nếu tiền đồng tiếp tục giảm giá...
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc không giữ được giá NDT và Việt Nam cần duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu với Trung Quốc?
Có ít nhất 2 tổ chức đã dự đoán tiền đồng sẽ còn tiếp tục giảm giá so với USD. Nếu như báo cáo mang tên “Tiền đồng giảm giá” được công bố ngày 20.8 của Ngân hàng HSBC Việt Nam tin rằng, tiền đồng có thể sẽ giảm giá thêm 2% từ đây đến cuối năm thì báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây nhất của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự đoán, Ngân hàng Nhà Nước có khả năng sẽ nới biên độ tỉ giá.
Theo VCSC, Ngân hàng Nhà nước tỏ ra sẵn sàng ứng phó với các biến động của thị trường; và về lý thuyết, nếu tiếp tục nới biên độ giao dịch, Ngân hàng Nhà nước có thể giữ cam kết không điều chỉnh tỉ giá mà vẫn để thị trường quyết định tỉ giá ngoại hối. VCSC đưa dẫn chứng, năm 2009 Ngân hàng Nhà nước từng nới biên độ giao dịch tới 5% so với giá tham chiếu.
Cơ sở để hai tổ chức này cùng đồng quan điểm về việc tiền đồng có thể tiếp tục giảm giá là nhân dân tệ của Trung Quốc đã phá giá mạnh và có nguy cơ phá giá thêm. Lý do, theo Rabobank Group, là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ phải ngừng hỗ trợ nhân dân tệ vào đầu tháng 12 và cho phép nội tệ giảm giá do cạn kiệt dự trữ ngoại hối. Ông Michael Every, phụ trách nghiên cứu thị trường tài chính tại Rabobank, cho biết thêm dự trữ ngoại hối đang gặp sức ép do nước này buộc phải thanh toán tiền hàng nhập khẩu trong 6 tháng, trả lãi nợ nước ngoài cũng như để phòng ngừa sự thâm hụt tiềm ẩn.
Hiện tại, Trung Quốc đang tung ngoại tệ để “đỡ” tỉ giá. Các nhà phân tích của Deutsche Bank, Barclays và Societe Generale ước tính trong tháng 8.2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải dùng khoảng 100-200 tỉ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối để ổn định tỉ giá đồng nhân dân tệ. Sự ổn định này khá tốn kém và được cho là khó kéo dài lâu.
Nếu Trung Quốc không giữ được giá đồng tiền nước mình và Việt Nam muốn duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu với Trung Quốc thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thực hiện việc giảm giá tiền đồng thêm nữa.
Đó là chưa nói đến việc dù bức tranh lạm phát và việc làm ở Mỹ chưa đủ sắc hồng để thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, nhưng khả năng tăng lãi suất vẫn còn đó. Lãi suất tại Mỹ tăng sẽ khiến đồng USD mạnh hơn dự kiến, càng gây áp lực lên tỉ giá VND/USD.
Cũng vì những lý do trên mà tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ giao dịch 2 lần và cũng tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng VND/USD. Kết quả là tiền đồng giảm gần 3% so với USD. Cộng với 2 đợt điều chỉnh trước đó, tiền đồng đã giảm khoảng 5% kể từ đầu năm đến nay.
Đây là mức giảm giá khá đáng kể nếu nhìn vào diễn biến tỉ giá ổn định hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, nếu so với các nước, tính cả trường hợp tiền đồng giảm thêm 2% như HSBC dự đoán, mức giảm này vẫn được xem là thấp.
Nếu tiền đồng tiếp tục giảm giá, nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào kịch bản như thế nào? “Hàng nhập khẩu sẽ tăng”, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định. Trước mắt, tháng 10 tới đây, Toyota Việt Nam dự kiến tăng giá một số dòng sản phẩm lắp ráp và nhập khẩu như dòng xe Altis, Vios, Innova, Fortuner, Yaris, Hiace, Hilux... với mức tăng khoảng 4%. Hay Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam thừa nhận tỉ giá tăng sẽ gây khó cho các doanh nghiệp ngành này, vì chi phí nhập khẩu chiếm tới 60-65% trong tổng chi phí.
Với một nền kinh tế nhập siêu như Việt Nam, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu đến 13 tỉ USD (theo số liệu 8 tháng đầu năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư) thì tiền đồng giảm giá sẽ khiến giá cả nhập khẩu trở nên đắt đỏ, ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa, tác động tiêu cực đến lạm phát. Bởi lẽ, phần lớn hàng nhập khẩu của Việt Nam là máy móc thiết bị và nguyên vật liệu - yếu tố đầu vào trong sản xuất.
Nhìn ở góc độ Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam 8 tháng đầu năm nay đã tiến gần con số của năm 2014, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng khi tiền đồng giảm giá hơn so với nhân dân tệ, hàng hóa Việt Nam sẽ đỡ bị áp lực cạnh tranh từ hàng Trung Quốc ồ ạt tràn vào trong nước.
Nhưng theo HSBC, nợ công cao sẽ không cho phép Việt Nam giảm giá đồng nội tệ quá nhanh. Điều này giúp Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách đồng nội tệ mạnh như đã làm. Hiện tại, theo HSBC, tiền đồng vẫn là một trong những đồng tiền mạnh nhất của châu Á. Bởi lẽ, trước khi có giảm giá và nới biên độ giao dịch, tiền đồng đã tăng 9% so với các năm trước.
Trong một chia sẻ với Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam, Tiến sĩ Marc Faber, chuyên gia tư vấn đầu tư hàng đầu thế giới, cho biết, chính đồng nội tệ mạnh mới giúp doanh nghiệp đủ tiền để gia tăng đầu tư, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh. Ông dẫn chứng, những nước xuất khẩu mạnh như Đức, Thụy Sĩ đều có đồng tiền mạnh. Việc giảm giá đồng nội tệ không phải luôn giúp xuất khẩu tăng lên, như trường hợp ở Nhật. Ngoài ra, những quốc gia có đồng tiền suy yếu khó thu hút được dòng vốn đầu tư.
Trên thực tế, kể từ sau những biến động kinh tế ở Trung Quốc, theo số liệu từ Citigroup, trong 4 quý gần đây, dòng vốn rút khỏi Trung Quốc đã vượt mức 500 tỉ USD. Tiền đang chảy trở lại vào các thị trường châu Âu, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Còn ở Việt Nam, một báo cáo cuối tháng 8 của Bloomberg đã xếp Việt Nam nằm trong tốp 12 thị trường chứng khoán mới nổi an toàn nhất sau cú sốc phá giá nhân dân tệ. Trong 8 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index vẫn tăng 3,5%, trong khi chỉ số MSCI Southeast Asia Index của thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á sụt giảm hàng chục phần trăm.
Báo cáo của Ngân hàng ANZ cũng cho rằng Việt Nam đã bình ổn một cách xuất sắc khi chống đỡ với suy thoái thương mại trong khu vực và là nền kinh tế duy nhất ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực về xuất nhập khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Mỹ tăng mạnh nhất, 19,8%.