Ngân hàng 2015 đầy triển vọng
4 điểm sáng sẽ tạo nhiều triển vọng cho ngân hàng năm nay gồm chỉ thị 02 về xử lý nợ xấu, cải tiến hoạt động của VAMC, mạnh mẽ tiến hành M&A ngân hàng và lãi suất cho vay tiếp tục giảm.
- 28-01-2015Nghiêm cấm lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi
- 01-02-2013NHNN ban hành Chỉ thị 01 về hoạt động tiền tệ, ngân hàng năm 2013
- 20-02-2012Chỉ thị 01 sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua được triển khai quyết liệt, đúng lộ trình và là điểm sáng trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Nhờ các biện pháp cơ cấu lại hệ thống các Ngân hàng thương mại (NHTM) cùng với điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tăng cường quản lý thị trường tiền tệ, an toàn của hệ thống tín dụng được bảo đảm, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi.
Những kết quả đạt được ban đầu về cơ cấu lại các NHTM góp phần quan trọng trong việc ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và tạo cơ sở đẩy nhanh cơ cấu lại các NHTM trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, các NHTM đã được đổi mới, nâng cao hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm toán nội bộ, rà soát, kiện toàn bộ máy, sắp lại hệ thống mạng lưới, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh; từng bước định hướng chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường công nghệ thông tin, hiện đại hóa công nghệ của ngân hàng.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày bốn điểm sáng nổi bật hỗ trợ tốt cho sự phát triển và tạo ra nhiều triển vọng cho hoạt động của hệ thống các NHTM trong năm 2015, bốn điểm nổi bật đó bao gồm: Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về quyết tâm xử lý nợ xấu, cải tiến hoạt động của VAMC, mạnh mẽ tiến hành sáp nhập, hợp nhất và mua lại ngân hàng (M&A) và lãi suất cho vay tiếp tục giảm.
Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 28/1/2015
Chỉ thị 02 được đánh giá là bước đi quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. NHNN yêu cầu các NHTM xây dựng và báo cáo kế hoạch xử lý nợ xấu, bảo đảm đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được ít nhất 60% nợ xấu cần xử lý theo kế hoạch năm 2015 và phải bán được 75% tổng số nợ xấu dự kiến sẽ bán cho VAMC trong năm 2015. Ngoài ra, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các NHTM nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; nghiêm cấm sử dụng biện pháp che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh; nghiêm cấm lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho các NHTM.
NHNN đã xác định một cách đúng đắn về bản chất và các giải pháp để xử lý nợ xấu, các giải pháp đưa ra hết sức phù hợp và nếu như coi việc xử lý nợ xấu là chỉ trông chờ vào sự cố gắng của các NHTM là không đủ.
Cải cách hoạt động của VAMC
Mô hình của VAMC chưa từng có trong tiền lệ, nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống NHTM và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng, qua đó khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn công cụ này trong việc xử lý nợ xấu.
Theo số liệu vừa công bố, từ tháng 10/2013 đến cuối năm 2014, VAMC đã mua tới 123.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD. Quy mô này tương ứng với khoảng 3,3% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Năm 2015, VAMC đặt mục tiêu sẽ mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống dự kiến sẽ tiếp tục “giảm” nữa qua kênh xử lý này.
Việc xử lý nợ xấu trong năm 2015 theo tác giả là sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là khi NHNN đề xuất “tăng quyền” cho VAMC. Được biết, NHNN đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan tới xử lý nợ xấu, đồng thời xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án mua, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường để VAMC thực hiện trong năm 2015. Theo chỉ đạo của NHHN, VAMC phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với NHTM trong việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán và xử lý nợ, tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu đã mua; hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay phục hồi sản xuất- kinh doanh, hoàn thiện các dự án dở dang; tiếp xúc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
NHNN yêu cầu VAMC phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp; triển khai thực hiện việc mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường và phương án được duyệt.
Mạnh mẽ M&A
Việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thông qua M&A là cần thiết vì không chỉ giảm sở hữu chéo trong hệ thống NHTM nói chung và hệ thống tín dụng nói riêng mà còn giúp các ngân hàng tăng sức cạnh tranh trên thương trường.
Việc sáp nhập các ngân hàng được xem là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay trong kế hoạch giải quyết nợ xấu. Trước mắt, kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) và Ngân hàng phát triển Mê Kông (MDB) đã được xác định trong năm 2014 sẽ hoàn thành trước tháng 6/2015. Ngoài ra, thêm hai thương vụ sáp nhập được nhắc đến gần đây liên quan đến hai NHTM Nhà nước là BIDV và VietinBank, sau khi hai ngân hàng này cho biết sẽ nhận thêm một ngân hàng khác trong quá trình tái cơ cấu thời gian tới.
Lãi suất cho vay tiếp tục giảm
Định hướng mà Thống đốc NHNN đưa ra tại Chỉ thị số 01 ngày 27/1/2015 vừa qua là toàn hệ thống phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm trong năm 2015.
Hiện mặt bằng lãi suất đã xuống khá thấp và sát với kỳ vọng lạm phát trong năm 2015, do vậy lãi suất huy động sẽ không còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm mạnh trong năm 2015. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn có thể được giảm thêm từ 1-1,5% một cách chọn lọc tùy từng ngân hàng.
NHNN đã có 9 lần cắt giảm liên tiếp kể từ khi trần lãi suất huy động lần đầu tiên được thiết lập ở mức 14% vào tháng 10/2011. Theo đó, biểu lãi suất huy động của các ngân hàng cũng đã liên tục được điều chỉnh giảm trong quý II, ổn định trong quý III và lại tiếp tục giảm nhẹ trong quý IV năm 2014. Tuy nhiên một đặc điểm nổi bật trong năm 2014 là xu hướng giảm lãi suất đã phân hóa rất mạnh trong hệ thống ngân hàng.
Tại thời điểm cuối năm 2014, lãi suất huy động của các NHTM phổ biến ở mức dưới 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 4-6%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng trở lên khoảng 6-8%/năm. Song hành cùng diễn biến giảm của lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2014 tiếp tục xu hướng giảm so với năm 2013 (khoảng 2-2,5%). Đây là năm thứ ba liên tiếp, lãi suất có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 7-9%; trung và dài hạn ở mức 10-13%; “trần lãi suất” cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm thêm 2% so với cuối năm 2013, hiện chỉ còn 7%/năm.
Với dự báo lạm phát ở mức quanh 4-5% trong năm 2015, chính sách tiền tệ sẽ được NHNN điều hành theo hướng thận trọng nhưng linh hoạt. Hiện mặt bằng lãi suất đã xuống khá thấp và sát với kỳ vọng lạm phát trong năm 2015, do vậy lãi suất huy động sẽ không còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm mạnh trong năm 2015. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn có thể được giảm thêm 1-1,5% một cách chọn lọc tùy từng ngân hàng.
Lợi thế sẽ thuộc về các ngân hàng có lãi suất huy động bình quân thấp nhờ lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn và các ngân hàng đã hạch toán đáng kể nợ xấu nên chi phí dự phòng rủi ro phải trích thêm không còn quá nhiều. Bức tranh phân hóa trong ngành ngân hàng theo đó sẽ ngày càng phân hóa rõ nét.
Bên cạnh đó, theo định hướng của NHNN, tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 sẽ ở mức từ 13-15%, tăng nhẹ so với mức 12-14% trong năm 2014, đây là một mục tiêu tương đối “vừa phải” với sức hấp thụ của nền kinh tế hiện nay, thể hiện sự điều hành thận trọng của NHNN muốn tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất trực tiếp thay vì chảy vào các lĩnh vực tăng trưởng nóng, dễ tạo ra bong bóng. Về cơ cấu, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu và bất động sản có thể sẽ là các lĩnh vực dẫn đầu mức tăng trưởng trong năm 2015.
TS. Bùi Quang Tín