MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng “cầm hòn than đang cháy”

10-05-2013 - 09:56 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất (LS) huy động nhằm tiếp tục kéo giảm LS cho vay do đang thừa vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ LS giảm chưa đủ, mà cần thêm nhiều giải pháp khác để khơi thông dòng vốn.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thời gian qua con số doanh nghiệp (DN) phá sản, ngừng hoạt động ngày càng tăng và “dịch phá sản” này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cần giải pháp khẩn cấp để giải cứu DN, song song đó kéo giảm LS cho vay tương xứng với tốc độ giảm LS huy động, kết hợp với kích cầu tiêu dùng.

Một khi LS huy động giảm thì những DN trước đây gửi vốn ở ngân hàng phải tính đường làm ăn, người gửi tiền thì tính kênh đầu tư khác. Nhà nước nên tăng đầu tư vào những lĩnh vực còn tiềm năng để dẫn dắt luồng vốn tư nhân đổ vào những lĩnh vực này.

Ngân hàng thừa vốn

Sáng 9-5, Ngân hàng Sacombank đã giảm LS huy động các kỳ hạn từ 7-11 tháng xuống mức 7,3%/năm, thấp hơn 0,2%/năm so với mức trần cho phép. Đây cũng là ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh đầu tiên chủ động giảm LS huy động sau động thái cắt giảm mạnh LS huy động của Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV.

Giải thích nguyên nhân cắt giảm LS huy động, ông Phan Huy Khang - tổng giám đốc Sacombank - nói cho vay hiện nay rất khó khăn. Do vậy ngân hàng buộc phải giảm LS huy động để kéo giảm thêm LS cho vay.

Ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank, nói ngân hàng chịu áp lực vì huy động vào nhưng không cho vay ra được.

 “Việc giảm LS nhằm giảm bớt áp lực cho ngân hàng, vì khi đó DN bớt gửi tiền ngân hàng mà rút vốn ra làm ăn. Sức mua tăng, khi đó hàng tồn kho mới giảm được, DN mới cần vốn để sản xuất. Chứ như hiện nay ngân hàng muốn cho vay nhưng DN không làm ăn được thì vay để làm gì?” - ông Thanh đặt câu hỏi.

Đây cũng là tình trạng chung tại các ngân hàng. Ông Bùi Tấn Tài, phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng DN của Ngân hàng ACB, cho biết tốc độ giải ngân từ đầu năm đến nay rất chậm. Ngay cả các gói cho vay ưu đãi, DN cũng không vay. Tính đến hết tháng 4-2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 1,4%, trong khi chỉ tiêu cả năm 2013 là 12%.

Ông Trần Hoàng Ngân ví von tình thế của các ngân hàng hiện nay chẳng khác nào cầm hòn than đang cháy vì ôm một đống vốn và phải trả lãi đều cho người gửi tiền nhưng lại không cho vay ra được. “Nhiều ngân hàng đang bị “phỏng tay” và việc đua nhau giảm mạnh LS huy động vừa qua là bằng chứng cụ thể. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy ngân hàng thừa thanh khoản mà lại bị bít đầu ra. Vấn đề hiện nay là làm sao giải quyết đầu ra cho tín dụng” - ông Ngân nói.

Doanh nghiệp bị bít đầu ra

Trình bày với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về tình hình sản xuất, kinh doanh và việc vay vốn vào đầu tuần này, ông Văn Đức Mười - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm - cho biết hiện các DN không còn nghĩ đến việc vay hoặc duy trì nợ ngân hàng. 

Việc VCB phát tín hiệu giảm LS huy động 6%/năm là tín hiệu tích cực, nhưng vấn đề hiện giờ của DN không nằm ở vốn hay LS mà là tồn kho hàng hóa. Thời gian qua DN đã mất khách hàng, mất thị trường, hàng tồn chưa giải quyết được nên nếu không có cơ chế thoáng trong tái cấu trúc nợ cũ thì sẽ không có chu kỳ sản xuất mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hàn Vinh Quang - chủ tịch HĐQT Công ty CP giấy An Bình - cho biết hiện có ngân hàng cho vay với LS chỉ 7%/năm nhưng ông vẫn không vay vì tăng sản lượng cũng không biết bán cho ai. “Rất nhiều bạn hàng, đối tác của tôi đã gục ngã khi LS cho vay ở mức 18%/năm. Chưa kể sức mua kém, đầu ra sản phẩm đầy rủi ro, thanh toán chậm khiến nhà sản xuất luôn trong trạng thái căng thẳng. Tốt hơn cả là không đầu tư gì thêm” - ông nói.

Phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) Lê Văn Trí cho biết với tình hình kinh tế xấu như hiện nay, chỉ thật sự cần thiết mới dám đầu tư vì quá rủi ro do đầu ra đang khó. Chưa kể mức LS dù đã giảm nhưng chưa thật sự hấp dẫn. Ông Trí cho biết vừa rồi ngân hàng đã giảm LS các khoản vay cũ từ mức 13-15%/năm về mức 10%/năm khiến DN dễ thở hơn, nhưng vẫn chưa thật sự mang lại khả năng cạnh tranh cao cho DN.

Ông Phan Văn Dũng, thành viên HĐQT Công ty CP Hữu Liên Á Châu, cho hay hiện vẫn đang phải trả lãi các khoản nợ cũ ở mức 11,5-13%/năm và chưa được điều chỉnh giảm dù LS huy động ngày một thấp. Công ty đang có nhu cầu vay 100 tỉ đồng nhưng ngân hàng chào LS lên đến 11%/năm, mức LS quá cao và không thể cạnh tranh lại với các đối thủ xuất khẩu khác.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phước Thanh cho rằng cần thêm thời gian ngân hàng mới giảm thêm lãi vay vì thời gian qua giá vốn bình quân của các ngân hàng ở mức 9-10%. Đến nay ngân hàng đang ôm một lượng lớn vốn LS cao. Còn LS huy động tuy đã giảm nhưng phải chờ các khoản gửi mới để “trung hòa” với vốn LS cao trước đây. 

Giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM nói những DN lớn làm ăn hiệu quả, trả nợ tốt chỉ đang vay với LS 8-10%. Có ngân hàng còn chào mời họ vay với LS thấp hơn mức này. Do vậy, khả năng giảm thêm LS cho đối tượng này rất khó. Trong khi nhóm khách hàng khác độ rủi ro cao, ngân hàng phải duy trì LS như một hình thức ép họ trả nợ.

Tín dụng tăng thấp, vốn ngân hàng đi đâu?

Tính đến hết tháng 4-2013, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ tăng 1,4% trong khi huy động tăng đến 5,34%. Trả lời câu hỏi vốn ngân hàng chạy vào đâu, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết ngoài tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng còn phải tăng cường thanh khoản để đáp ứng các chỉ số an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hiện Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các chỉ số an toàn vốn tối thiểu 9%, các ngân hàng hiện nay đã đạt 15-17%. Ngoài ra các ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu chính phủ để đảm bảo thanh khoản. Bên cạnh đó cũng có hiện tượng vốn huy động chảy vào đấu thầu vàng nhưng chỉ xảy ra ở những ngân hàng cần tất toán trạng thái vàng và không nhiều. 

Theo Ánh Hồng - Trần Vũ Nghi

khanhnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên