MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng chạy nước rút thế nào?

22-11-2013 - 16:03 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ thực tế nợ xấu, nợ quá hạn, từ thực tiễn vấp phải trong những năm qua, chắc chắn ngân hàng phải có sự cảnh tỉnh, thu hẹp, thận trọng hơn khi cho vay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng sau 10 tháng đầu năm đạt 6,8%. Tuy nhiên, trong hai tháng còn lại, mỗi tháng tín dụng phải tăng khoảng 2% thì ngành ngân hàng mới có thể hoàn thành kế hoạch năm là 12%. Dư luận quan tâm là ngành ngân hàng sẽ chạy nước rút như thế nào để đạt được mức tăng trưởng này? 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa VN ông Cao Sỹ Kiêm.

- Hai tháng còn lại của năm nay, với tình hình này và những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết của doanh nghiệp và nền kinh tế thì tăng trưởng chắc chắn nhất là khoảng 10 hoặc hơn 10%, mỗi tháng tăng khoảng 1 hoặc hơn 1% thì có thể coi là tăng trưởng có chất lượng. Còn nếu như tính thời vụ cao, khả năng vay vốn của doanh nghiệp tăng nhanh, những vướng mắc được tháo gỡ triệt để hơn thì có thể nhích lên một chút.

- Hai tháng cuối năm 2012 từng diễn ra hiện tượng tín dụng tăng trưởng rất mạnh so với 10 tháng trước đó. Kịch bản này có thể xảy ra với năm nay không, thưa ông?

- Theo tôi, khả năng xảy ra với năm nay hạn chế hơn, tất nhiên không loại trừ 100%. Nhưng cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải rút kinh nghiệm. Nếu cho vay và quản lý lỏng lẻo, thì trước hết doanh nghiệp sẽ gánh chịu thiệt thòi và ngân hàng cũng sẽ phải gánh chịu khi không thu hồi được nợ, biến thành nợ xấu… Từ thực tế nợ xấu, nợ quá hạn, từ thực tiễn vấp phải trong những năm qua, chắc chắn phải có sự cảnh tỉnh, thu hẹp, thận trọng hơn khi cho vay.

- Gần đây Ngân hàng nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về biện pháp tình thế này?

- Trong tình hình hiện nay, giữa ngân hàng và doanh nghiệp có thể bàn luận, phân tích những nội dung, vướng mắc cụ thể để cùng linh hoạt giải quyết. Bây giờ những dự án mà xét về tiêu chuẩn thì vi phạm, nhưng nếu họ chứng minh được dự án có hiệu quả và sẽ ký kết tay đôi hoặc tay ba, bảo đảm thu hồi được, cán bộ tín dụng thẩm định, thấy có khuynh hướng như thế, sẽ cùng thống nhất, cùng chịu trách nhiệm để giải quyết. Đấy là cách vận dụng linh hoạt chứ không thể hạ chuẩn cho vay.

- Căn cứ vào tình hình thực tiễn của nền kinh tế và ngành ngân hàng, theo ông, có nhất thiết phải hoàn thành kế hoạch về tăng trưởng tín dụng 12% của năm nay không, hay chỉ coi đó là mục tiêu định hướng để phấn đấu?

- Mục tiêu theo cách chỉ đạo của QH, Chính phủ vài năm trở lại đây mang nhiều tính định hướng. Điều này phụ thuộc vào khả năng kiểm soát, quản lý và phấn đấu của doanh nghiệp. Cho nên mục tiêu 12% là mục tiêu phấn đấu, nhưng nếu đạt được thì nó đảm bảo các cân đối khác mà chúng ta đã tính toán. Nhưng nếu vì phấn đấu đạt số lượng, mục tiêu ấy mà có sai sót, gây ra nợ xấu, không thu hồi được thì lại bất lợi hơn việc bảo đảm tăng khoảng 10%. Nhưng tôi cho rằng, hiện nay với nhu cầu vốn của doanh nghiệp thì tăng 12% là mức rất thấp, nếu chúng ta chỉ đạo tốt, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, đạt mức này thì rất đáng khuyến khích.

- Thưa ông, nếu tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch 12% thì có giúp GDP tăng thêm không, vì đã dự kiến GDP cả năm tăng khoảng 5,5%?

- Tín dụng có độ trễ, có kết quả năm nay là do đầu tư từ năm trước ra sản phẩm, năm ngoái đầu tư, sau độ trễ tác động vào nền kinh tế. Còn những khoản cho vay cuối năm nay, trừ hàng tiêu dùng phục vụ tết, giải phóng hàng tồn kho hoặc bán trong năm thì có tác dụng trực tiếp, còn các dự án đầu tư thì đẩy cho sang năm. Năm nay mà cho vay tích cực thì đóng góp cho năm nay một phần thôi, còn đẩy cho sang năm, tác động đến kế hoạch 2014.

- Vậy ông dự báo thế nào về khả năng tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 với mục tiêu GDP sẽ tăng khoảng 5,8%?

- Năm 2014, theo tôi sẽ tích cực hơn, vì những kết quả thực hiện của năm nay, kể cả việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu trong tài chính ngân hàng, đầu tư sẽ là kết quả cho năm sau. Thứ hai, những vấn đề tồn tại chúng ta đang giải quyết tích cực, những nội dung theo Nghị quyết 02, nút thắt của nền kinh tế chúng ta đang tháo ra dần, nền kinh tế đang phục hồi, chuyển biến theo hướng tích cực thì sang năm, yêu cầu tín dụng và khả năng giải quyết tín dụng sẽ tăng lên, tích cực hơn, có thể tăng khoảng 14-15%.

- Xin cám ơn ông!

Theo Anh Tú

hangnt

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên