MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng có sẵn lòng nắm người “không có tóc”?

10-08-2014 - 18:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Câu hỏi mà tôi đặt lại cho bạn, đáng quan tâm hơn. Hiện còn có bao nhiêu doanh nghiệp có thể vay được vốn mà không cần tài sản đảm bảo?

“Nắm người có tóc, không nắm kẻ trọc đầu”. Sự chắc chắn này được dân gian đúc kết khá gần gũi với hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại. Tài sản đảm bảo được xem như phần “tóc” - biện pháp cuối cùng để ngân hàng nắm lấy, khi có rủi ro xẩy ra.

Chính vì vậy, nhiều khách hàng vẫn có tâm lý e ngại khi vay vốn ngân hàng nếu không có tài sản đảm bảo. Ngược lại, có suy tính ỷ lại giá trị tài sản đảm bảo lớn mà nhầm tưởng sẽ vay được nhiều.

Mới rồi, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 5342/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai một số biện pháp đẩy mạnh cho vay, trong đó có hướng xem xét tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức, kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của mình để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay…

Về định hướng này, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nói với chúng tôi: “Nếu tín dụng tiếp tục chật vật như hiện nay sẽ khó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hoàn thành chỉ tiêu. Yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là một hướng đi tốt, nhưng còn tùy thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan và chủ quan”.

Trong bản tin cập nhật tới nhà đầu tư, Công ty Chứng khoán VCBS cũng nhìn nhận: “Yêu cầu trên tiếp tục cho thấy quyết tâm và nỗ lực đẩy nhanh tín dụng đầu ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khá chậm chạp trong thời gian vừa qua”.

Nhưng, hướng đi này có dễ mở rộng không, hay những khách hàng không có tài sản đảm bảo có dễ vay vốn ngân hàng hay không?

Có lẽ là suy tính của số đông, cho vay thường đối diện với rủi ro, nhất là trong môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt lên, ngân hàng càng phải chọn “người có tóc” để nắm; hay, tài sản đảm bảo sẽ là yêu cầu hàng đầu.

Nếu vậy, diện có thể vay vốn ngân hàng hiện rất hẹp. Giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Nhà Bè (Tp.HCM) nói với chúng tôi rằng: Thông thường các ngân hàng ưa nhận thế chấp bằng bất động sản, thế nhưng không nhiều doanh nghiệp có nhiều bất động sản để thế chấp. Việc thế chấp tài sản là hàng hóa, nguyên vật liệu cũng có những trở ngại, như sự luân chuyển, vòng quay sản xuất kinh doanh, và đặc biệt là cả rủi ro bị rút ruột rồi rủi ro pháp lý như nhiều vụ việc xẩy ra thời gian qua…

Theo đó, nếu mở rộng được hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo, ngân hàng sẽ thúc đẩy được tín dụng, doanh nghiệp có thêm cơ hội vay vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã bật đèn xanh. Vấn đề còn lại là có sự ái ngại khi cho vay “người không có tóc” hay không?

Trả lời chúng tôi, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, tại ngân hàng ông hiện nhiều khách hàng tốt đều được vay không có tài sản đảm bảo. Thay vào đó là cơ chế giám sát, quản lý dòng tiền để đảm bảo an toàn; mặt khác, yếu tố “tốt” tự thân cũng đã là một cơ sở khi xem xét cho vay.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác cũng nhấn mạnh đến yếu tố tự thân của mỗi khách hàng khi vay vốn. Và khá bất ngờ khi ông cho rằng, tài sản đảm bảo chỉ là yếu tố/điều kiện cuối cùng, thậm chí là thứ yếu.

“Khi cho vay ngân hàng sẽ phải trả lời bốn câu hỏi cơ bản: Khách hàng là ai? Họ vay để làm gì? Khả năng tài chính của họ như thế nào? Rồi mới đến câu hỏi cuối là tài sản đảm bảo như thế nào? Đó cũng là các điều kiện, nếu điều kiện này thấp thì điều kiện kia phải cao. Nếu trả lời tốt những câu hỏi đầu thì không nhất thiết phải là câu hỏi cuối - cần phải có tài sản đảm bảo mới vay được vốn”, lãnh đạo ngân hàng trên tư vấn.

Trường hợp vay không có tài sản đảm bảo, ngoài việc thẩm định tốt những câu hỏi đầu, ngân hàng thường áp cơ chế giám sát, quản lý dòng tiền của khách hàng để phòng ngừa rủi ro. Chuyện còn lại là khách hàng có thực sự minh bạch để trả lời trung thực những câu hỏi trên, có ngại khi dòng tiền bị người ngoài dòm ngó và quản lý hay không mà thôi.

Cùng nhìn nhận ở khía cạnh yêu cầu trên của Ngân hàng Nhà nước là một nỗ lực nữa để có thể góp phần thúc đẩy tín dụng, vị lãnh đạo ngân hàng mà chúng tôi tham vấn nêu quan điểm: tín dụng thấp hiện nay không còn là nguyên nhân từ hoạt động cho vay, cũng không nên cứng nhắc ở những con số mục tiêu tăng trưởng.

“Những gì có thể mở Ngân hàng Nhà nước đã mở. Cũng như câu chuyện ở đây, yêu cầu xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo, không yêu cầu thì các ngân hàng cũng đã và đang làm. Câu hỏi mà tôi đặt lại cho bạn, đáng quan tâm hơn. Hiện còn có bao nhiêu doanh nghiệp có thể vay được vốn mà không cần tài sản đảm bảo?”, lãnh đạo ngân hàng này hỏi, như gián tiếp đề cập đến tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hiện nay.

>> Bên thế chấp có quyền tự bán tài sản: Hệ thống ngân hàng… thất kinh

Theo Minh Đức

thunm

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên