Ngân hàng đầu tiên công bố hạ lãi suất huy động
Ngân hàng đầu tiên công bố hạ lãi suất huy động VND, thực hiện theo thỏa thuận đạt được giữa các hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).
Chiều 14/10, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 15/10 - ngày đồng thuận hạ lãi suất huy động VND giữa các ngân hàng hội viên VNBA có hiệu lực, thay cho biểu lãi suất huy động áp từ ngày 20/9 trước đó.
Trong biểu mới, mức lãi suất huy động VND cao nhất của ACB là 11%/năm - mức tối đa theo đồng thuận nói trên, thay cho mốc cao nhất 11,2%/năm trước đó. Mức 11%/năm này được áp dụng cho sản phẩm tiền gửi tiết kiệm lãi suất thả nổi kỳ hạn 36 tháng.
Ngoài mức lãi suất trên, ACB áp chính sách thưởng thêm tiền cho khách hàng vào ngày lãnh lãi với tỷ lệ thưởng 0,15%. Tuy nhiên, đây không phải là tỷ lệ thưởng thêm lãi suất, mà theo số vốn gốc tại thời điểm mở tài khoản.
Ở lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm khác, ngân hàng này áp phổ biến thấp hơn so với mốc tối đa 11%/năm trong đồng thuận. Cụ thể, ngoài kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) và 36 tháng là 11%/năm, các kỳ hạn còn lại từ tuần cho đến 24 tháng (lĩnh lãi theo quý) đều áp dưới 11%/năm, có từ 9,9% - 10,88%/năm.
Theo lộ trình thực hiện mốc hẹn 15/10 về hạ lãi suất huy động, khảo sát cho thấy cuối ngày 14/10 ACB là trường hợp đầu tiên công bố. Trước đó, một số thành viên khác như Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Đại Á (DaiABank) hay Ngân hàng Phát triển Nhà Tp.HCM (HDBank) cũng đã chủ động rút lãi suất huy động VND ở tiết kiệm thường về tối đa dưới 11,2%/năm; cá biệt chỉ áp tối đa 11,2% cho sản phẩm tiết kiệm bậc thang với tiền gửi có giá trị lớn (từ 2 tỷ đồng trở lên).
Điểm lại những lần thực hiện mốc hẹn đồng thuận hạ lãi suất những năm gần đây, đây là lần đầu tiên thị trường ghi nhận các ngân hàng thương mại cổ phần chủ động đi trước (và công bố trước), thay vì các ngân hàng quốc doanh (hoặc Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối).
Theo Thùy Duyên
VnEconomy