MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng “đổ bộ” xuống chợ

29-11-2013 - 07:47 AM | Tài chính - ngân hàng

Không thể bơm thêm vốn cho doanh nghiệp (DN) từng có nợ xấu, các ngân hàng (NH) đang tìm cách tiếp cận các hộ gia đình, tiểu thương, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ để chào mời vay vốn.

Nhiều sáng kiến đã được các NH đưa ra để tiếp cận đối tượng khách hàng này, đặc biệt khi mùa tết đang cận kề.

Ngân hàng cho vay trả góp theo tuần

Ông Trần Ngọc Tâm, phó tổng giám đốc NH Nam Á, cho biết NH đang đẩy mạnh tiếp cận đối tượng khách hàng nhỏ lẻ là phân khúc mà nhiều NH lớn chưa quan tâm với phương châm phục vụ tận nơi. Với hướng đi này, NH tiếp cận các hộ cá thể qua kênh tổ dân phố, bằng cách tài trợ các chương trình nhỏ của các tổ dân phố rồi xin vào để tiếp cận khách hàng cá nhân.

“NH giao cho từng chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn tiếp cận thực hiện, vận động chính quyền cùng tham gia với NH, từ đó NH cũng an tâm hơn khi biết được tường tận thông tin của người vay” - ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, với đối tượng này món vay không nhiều, chỉ 5-10 triệu đồng, hoặc nhiều lắm là vài chục triệu để nhập hàng bán tết.

“Cho vay theo hướng này rủi ro của NH được phân tán bớt thay vì tập trung vào một số khách hàng lớn để đẩy vốn như trước. Mặt khác, đây cũng là phân khúc mà trước nay NH bỏ ngỏ vì đối tượng này ít dám đến đặt vấn đề vay vốn với NH do món vay quá nhỏ, lại có tâm lý sợ đến những nơi máy lạnh, sang trọng” - ông Tâm cho biết. Lãi suất cho vay với đối tượng này trung bình 13-13,5%/năm, NH cũng có hai hình thức là trả góp hoặc trả một lần vào cuối kỳ nếu vay theo thời vụ.

Vừa qua Sacombank cũng dành 1.000 tỉ đồng cho cá nhân, tiểu thương chợ, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP.HCM vay để kinh doanh các mặt hàng trong dịp Tết Giáp Ngọ mà không cần thế chấp. Trong đó mức vay tối đa cho mỗi tiểu thương lên đến 500 triệu đồng, phương thức trả góp linh hoạt theo ngày/tuần/tháng và được giải ngân cũng như thu nợ trực tiếp tại địa điểm kinh doanh. Theo ông Phan Huy Khang - tổng giám đốc Sacombank, việc cho tiểu thương vay đã được triển khai từ các năm trước, nhưng năm nay có đẩy mạnh hơn, bằng gói sản phẩm riêng và trong gói sản phẩm tín dụng có luôn quyền lợi bảo hiểm tín dụng cho người vay.

Tuy nhiên theo các NH, năm nay tình hình kinh tế còn khó khăn nên DN vay vốn của NH mùa tết cũng rất thận trọng, nên món vay thường nhỏ, chỉ vài chục đến 100 triệu đồng.

DN nợ xấu vẫn bị từ chối

Trong khi rộng cửa với khách hàng cá nhân thì NH lại dè dặt với DN nợ xấu, dù NH Nhà nước đã có công văn yêu cầu các NH tạo điều kiện cho DN có nợ xấu được tiếp cận vốn mới đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Ông D.L., chủ một DN sản xuất hàng tiêu dùng, trót lao vào đầu tư hàng loạt dự án bất động sản đã không thể “cục cựa” gì hơn hai năm qua vì vướng nợ xấu. “Tôi từng đề nghị bán lại cho NH các phần vốn góp mà mình đã tham gia trong từng dự án hoặc đề nghị NH tiếp tục cho vay để chúng tôi hoàn thiện dự án bán ra thị trường rồi thu hồi vốn trả cho NH nhưng bị từ chối” - ông D.L. nói. Ông cho biết đã được NH gia hạn nợ, khoanh nợ gốc nhưng không NH nào còn dám cho những DN còn nợ như ông vay mới dù thấy các phương án kinh doanh mới khả thi.

Ông D.L. cũng cho biết thêm một số dự án của công ty đã được cơ cấu lại phần vốn gốc, định lại giá trị tài sản và áp dụng theo mức lãi suất hiện hành nhưng áp lực trả lãi quá lớn, mỗi tháng lên đến 3 tỉ đồng. DN không có tiền trả nhưng NH vẫn tính sổ đều đặn số lãi phát sinh chờ tới khi DN gặp được thời điểm thuận lợi sang nhượng dự án sẽ “cấn” nợ. “Cơ cấu nợ thôi chưa đủ, NH cần tách bạch từng khoản nợ thuộc diện nào và có cách xử lý riêng cho từng khoản thì may ra DN mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện nay, chứ nếu không có vốn thì DN không thể tái tạo lợi nhuận để trả nợ cho NH” - ông D.L. đề nghị.

Lý giải việc không dám mạnh dạn giải ngân cho DN từng có tiền sử nợ xấu, ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank, nói nợ cũ chưa thu hồi mà cho vay mới, không khéo dễ dẫn đến nợ xấu lại gia tăng. Ông Dũng nói thêm trong cuộc họp giữa NH Nhà nước và nhóm 14 NH lớn vừa qua, thống đốc đã nhắc đến chỉ đạo này nhưng chủ tịch HĐQT của một NH lớn đã nói rằng “cho vay thế nào được vì giờ đang nợ, lỡ không đầu tư làm ăn mà đem trả nơi khác thì chết”. “Thống đốc thúc giục các NH tìm hướng tăng trưởng tín dụng cho thời gian còn lại của năm 2013 nhưng không NH nào có cao kiến gì vì muốn tăng tín dụng bây giờ phải nới lỏng điều kiện, trong khi thống đốc lại yêu cầu tăng tín dụng không được để nợ xấu trong tương lai. Đó là bài toán quá khó” - ông Dũng nói.

Ông Phạm Linh, phó tổng giám đốc OCB, nói thường NH rất khó cho các DN vướng nợ xấu vay lại, và thực tế đến nay NH chưa xét cho bất kỳ trường hợp nào. “NH chỉ có thể giúp DN tìm cổ đông mới rót vốn vào, từ đó giúp DN có nguồn tiền để xoay xở chứ không thể bơm thêm tiền. Thời gian qua nhiều DN đã thoát khỏi tình trạng khó khăn nhờ tìm được cổ đông mới” - ông Linh nói.

Tiền mới không cứu được tiền cũ

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết NH Nhà nước đang yêu cầu các NH trên địa bàn tổng hợp báo cáo kết quả sau một tháng rưỡi thực hiện việc cơ cấu nợ và cho vay trở lại cho DN có tiền sử nợ xấu. Tuy nhiên, ông Minh cũng nhìn nhận thực tế DN có nợ xấu thường ít có phương án kinh doanh khả thi, NH xét cho vay cũng rất thận trọng khi thẩm định phương án kinh doanh mới vì sợ làm phát sinh thêm nợ xấu.

“Thực chất công văn của NH Nhà nước là nới lỏng các điều kiện vay vốn để các DN nợ xấu có thể tiếp cận vốn NH, tuy nhiên các NH vận dụng thế nào thì phải chờ đến khi có báo cáo” - ông Minh nói. Trước câu hỏi NH Nhà nước kiểm soát thế nào để tránh tình trạng NH lợi dụng dồn vốn cho DN sân sau, ông Minh nói NH Nhà nước đã lường trước khả năng này nên đã lưu ý các NH và cả thanh tra NH Nhà nước về vấn đề trên.

Một chuyên gia NH nói cũng dễ hiểu khi các NH dè dặt với DN có tiền sử nợ xấu vì đã nợ xấu rồi mà cho vay với kỳ vọng “tiền mới cứu tiền cũ” thì cuối cùng cả tiền mới lẫn tiền cũ cùng chìm xuồng. Theo ông này, những DN gặp khó khăn đang vướng nợ cũ nay chỉ có thể hồi phục khi được cấu trúc nợ cũ theo thủ tục phá sản, tuy nhiên ở VN không có chính sách này.

“Phải hiểu cho các NH vì sao NH Nhà nước liên tục kêu gọi thời gian qua nhưng không NH nào dám làm” - ông nói và cho biết vấn đề tái cơ cấu rất phức tạp, nếu không khéo trộn lẫn cả nợ cũ lẫn nợ mới, nợ tốt thành nợ xấu sẽ gây nguy hiểm cho NH. “Trong tình trạng hiện nay, Chính phủ phải ra tay cứu vớt DN, nghĩa là phải bảo lãnh tín dụng, chứ DN yếu, tài sản bảo đảm không có thì NH chẳng dại gì mà nhảy vô” - vị chuyên gia này nói.

Theo Ánh Hồng - Trần Vũ Nghi

hangnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên