MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng dồn gần 90.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro

28-07-2015 - 11:18 AM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng đã dồn lượng lớn trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ đầu tiên thực hiện cơ chế mới...

Theo dữ liệu VnEconomy tìm hiểu, đến cuối tháng 6/2015, tổng lượng dự phòng rủi ro còn lại của các tổ chức tín dụng đã lên đến 89.672, tỷ đồng.

Đây là quy mô lớn nhất so với các con số Ngân hàng Nhà nước công bố tại một số thời điểm trong những năm gần đây. Như cuối tháng 5/2012, quy mô trích lập ở khoảng 67.000 tỷ đồng; tháng 7/2014 khoảng 78.000 tỷ đồng; hay bình quân những năm 2012 - 2014 là khoảng 70.000 tỷ đồng.

Quy mô trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống tăng cao do 6 tháng đầu năm 2015 là kỳ đầu tiên bắt đầu thực hiện các cơ chế mới trong phân loại nợ và trích lập dự phòng.

Cụ thể, từ tháng 4/2015, cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm theo Quyết định 780 trước đây (và chuyển tiếp vào Thông tư 09) đã dừng lại. Cùng đó, các tổ chức tín dụng phải áp dụng cơ chế phân loại khắt khe hơn quy định trong Thông tư 02, trên cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC); nếu khách hàng có 1 khoản vay là nợ xấu, các khoản khác tại các ngân hàng khác cũng buộc phải ghi nhận là nợ xấu.

Đó là hai tác động chính đối với tỷ lệ nợ xấu - đã có xu hướng tăng trở lại trong quý 1/2015. Nói cách khác, nợ xấu từng bước buộc phải ghi nhận sát thực hơn. Yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro theo đó lớn hơn.

Với gần 90.000 tỷ đồng nói trên, các tổ chức tín dụng tiếp tục dồn được một nguồn lực khá lớn trước yêu cầu xử lý nợ xấu. Đây cũng là hướng xử lý nổi bật nhất trong ba năm qua, kể từ khi đề án xử lý nợ xấu được phê duyệt và triển khai.

Theo đề án trên, cuối tháng 9/2012, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu của hệ thống chỉ ở mức 133.060 tỷ đồng tương đương 4,93% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, theo đánh giá và xác định một cách thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (bao gồm cả các khoản nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines), thì nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2012 là gần 465.000 tỷ đồng (tương đương 17,21% tổng dư nợ).

Sau khi xác định quy mô trên, đến cuối năm 2014, toàn hệ thống đã xử lý được 311.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 67% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012). Trong đó, xử lý thông qua sử dụng dự phòng rủi ro vẫn là chủ yếu với 131.000 tỷ đồng; bán nợ cho VAMC là 119.000 tỷ đồng; xử lý thông qua các hình thức khác (khách hàng trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm,...) là 61.000 tỷ đồng.

Sau quá trình xử lý trên, nợ xấu được kiềm chế và tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2014 là 145,2 nghìn tỷ đồng tương đương 3,25% tổng dư nợ; còn nợ xấu theo số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước đến cuối 2014 là 214,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,83% tổng dư nợ.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung bán lại nợ xấu cho VAMC. Theo chỉ đạo này, đến 30/6/2015 các thành viên phải bán được tối thiểu là 75% số lượng chỉ tiêu được giao, và đến 30/9/2015 phải bán hết 100%.

30/9/2015 cũng là mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra để hoàn thành chỉ tiêu giảm được tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống xuống dưới 3%.

Ngoài cao điểm bán lại nợ xấu cho VAMC, khả năng thu hồi và khách hàng trả nợ, hệ thống cũng đã tiếp tục dồn được lượng lớn với gần 90.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro nói trên. Cho đến nay, nguồn lực này vẫn là chính yếu, trực tiếp nhất và lớn nhất trong xử lý nợ xấu.

Quy mô trích lập lớn đó cũng góp phần giải thích vì sao trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi tín dụng tăng trưởng khá mạnh, tỷ lệ nợ xấu nhiều ngân hàng báo cáo khá thấp, nhưng lợi nhuận vẫn chỉ ở những mức khiêm tốn.

 

Theo Minh Đức

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên