MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng: Hết ăn vay đến ăn đong

17-08-2014 - 08:56 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau hàng loạt giải pháp điều hành của NHNN và những hành động của các ngân hàng thương mại là những con số kết quả kinh doanh khá thấp. Ngân hàng đang phải ăn đong vì quá khó khăn.

Sống mòn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 năm 2011- 2012 có 108.170 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động (bằng số doanh nghiệp ngừng hoạt động của cả 12 năm trước đó). Năm 2013 là 60.737doanh nghiệp, tăng tiếp 11,9% so với năm 2012.

Trong khi số doanh nghiệp thành lập mới 5 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2013 thì số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng 20,5% (tăng 4.741 doanh nghiệp). Những con số đáng sợ này là minh chứng rõ nét nhất cho những khó khăn của nền kinh tế.
Doanh nghiệp không sống được thì ngân hàng – vốn là những người bạn đồng hành của họ – cũng héo hon theo.

Một số ngân hàng thương mại vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm như: Vietcombank đạt 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; con số này ở TPBank là 263 tỷ đồng; Sacombank 1.531 tỷ đồng… Tăng trưởng tín dụng thấp, trích lập dự phòng thì lại phải cao hơn (theo quy định tại Thông tư 09, có hiệu lực thi hành từ 1/6/2014) khiến lợi nhuận của các ngân hàng ngày càng teo tóp đi.

Và trong khi nợ xấu cũ chưa được giải quyết dứt điểm thì nợ xấu mới có nguy cơ ngày càng tăng. Việc áp dụng Thông tư 09 về phân loại, xử lý nợ xấu của NHNN sẽ khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng nhiều khả năng sẽ tăng tiếp. Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng thương mại nhà nước thừa nhận: tình hình sức khỏe của doanh nghiệp không tốt trong khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn đã khiến ngân hàng chùn tay trong việc xét duyệt tín dụng.

Khó khăn vì sức cầu nền kinh tế yếu thì đã rõ, vì thế những tuyên bố kiểu như: “đã, đang và sẽ có hàng loạt các biện pháp từ Chính phủ, NHNN cùng sự triển khai tích cực từ các ngân hàng thương mại, sự chung tay của các bộ ngành, chính quyền địa phương,…” đang dần trở nên sáo rỗng.

Phải chăng chúng ta vẫn chưa tìm ra đúng nguồn gốc của căn bệnh của nền kinh tế nên bốc thuốc chưa đúng, chưa đủ?

Với các bộ, ngành khác thế nào thì còn nhiều ý kiến, còn về phía ngân hàng, một chuyên gia khá nổi tiếng trong giới tài chính ngân hàng ví von: hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa khi nào hết bệnh. Bởi, thời kỳ 1997 – 2000 các ngân hàng Việt Nam lây bệnh từ khủng hoảng tài chính thế giới; 2001 – 2007 chuyển qua phòng “hồi phục chức năng”; giai đoạn 2008 – 2010 lại phải “cấp cứu” vì tăng trưởng quá nóng. Còn từ 2011 đến nay thì đang phải qua phẫu thuật chỉnh hình và cả phẫu thuật thẩm mỹ!

Ăn đong

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hiện đang dừng ở mức 3,52% – quá thấp so với chỉ tiêu kế hoạch cho cả năm là 12 – 14%, nhưng cũng khiến dư luận tranh cãi, ngờ vực. Hãy khoan tạm không bàn về sự chính xác của số liệu vì hiện không chỉ số liệu này mà rất nhiều số liệu thống kê khác phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn chủ quan của người công bố. Vấn đề đặt ra là: nếu cứ làm theo kiểu đối phó thì đến khi nào hệ thống ngân hàng Việt Nam mới hết bệnh thực sự?

Theo công bố của Vụ Dự báo thống kê NHNN về điều tra triển vọng kinh doanh quý 3/2014, có tới 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằnglãi suấthuy động vốn và cho vay bằng tiền đồng tiếp tục duy trì ổn định hoặc giảm trong quý 3/2014. Thế nhưng tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại lại đồng lòng kiến nghị không giảm lãi suất cho vay thêm nữa. Vì một ngân hàng giảm, các ngân hàng khác phải giảm theo nếu không muốn mất khách hàng.

Hiện lãi suất cho vay các ngành nghề kinh tế phổ biến ở mức 9-10%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn; 10,5-12%/năm đối với trung dài hạn. Còn lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tương ứng là 7-8%/năm và 10-11%/năm. Mức lãi suất này hiện thấp hơn nhiều so với thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng trước đây.Còn nhớ, đầu năm 2008, lãi suất huy động cao nhất là 13,5%/năm thì đến cuối năm đã lên 17,5%/năm. Biểu lãi suất thay đổi nhanh đến mức nhiều ngân hàng không kịp làm bảng thông báo mới mà phải dùng giấy dán đè lên các con số cũ cho kịp. Lúc đó, lãi suất cho vay cũng lên đến 25%/năm.

Các ngân hàng đã “vay” của tương lai quá nhiều. Đó là nguồn gốc dẫn đến nợ xấu cao vào những năm sau đó và là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng phải “ăn đong” hiện nay.

Chính vì thế, trái ngược với những ý kiến sốt ruột về tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhiều ý kiến cho rằng, cứ để tín dụng tăng theo hướng “ăn chắc mặc bền”. Tăng trưởng kinh tế là cần thiết, nhưng nếu chất lượng tín dụng tăng thì cái giá phải trả cho tăng trưởng sẽ giảm và chúng ta không phải nơm nớp lo chuyện tương lai không bền vững.

Trở lại vấn đề khó khăn của ngân hàng hiện nay, rõ ràng các ngân hàng đã và đang làm tất cả những gì có thể. Dư địa cho chính sách tiền tệ không còn nhiều nên chỉ có thể nhìn sang chính sách tài khóa và sự chuyển động mạnh mẽ hơn của tiến trình tái cấu trúc hai trụ cột còn lại: đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.

Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng BIDV vừa đưa ra những đề xuất rất đáng chú ý và tổng thể trên nhiều mặt như: hỗ trợ ngành thủy sản, quan trọng là Nghị định 67/2014/NĐ – CP được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Hỗ trợ thị trường bất động sản (có cơ chế hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, thu mua hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh các căn hộ; mạnh dạn cho phép các ngân hàng xem xét khoanh nợ từ 1-3 năm đối với một số dự án khó khăn). NHNN sớm thành lập các tổ, cơ quan chuyên trách thuộc ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu nhằm nâng cao vai trò đôn đốc, giám sát chặt chẽ. Đặc biệt BIDV đề xuất cần hỗ trợ vốn cho VAMC vì với số vốn quá nhỏ hiện nay họ đang phải “tay không bắt giặc”. Nợ xấu mới chỉ được xử lý trên giấy (chuyển từ sổ sách của các ngân hàng sang sổ của VAMC).

Chỉ khi những đề xuất kiểu này được cấp hoạch định chính sách sớm xem xét, quyết định thì tín dụng mới được khơi thông một cách rõ nét, từ đó mới hy vọng nền kinh tế khởi sắc trở lại.


Theo Thái Thanh

hangnt

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên