Ngân hàng "khát" vốn ngoại
Một số ngân hàng đang xúc tiến kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài với kỳ vọng đẩy nhanh tái cơ cấu, tăng cường tiềm lực tài chính, quản trị điều hành...
- 18-11-2013HDBank sẽ bán tối đa 30% cổ phần cho đối tác Nhật
- 19-09-2013Ngân hàng lớn nhất Singapore có thể sẽ mua cổ phần của GPBank
Theo các chuyên gia, làn sóng NĐT nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam đang hình thành và nhận diện rõ hơn. Một số ngân hàng cũng đánh tiếng đang "rộng cửa" cho NĐT nước ngoài vào, khi có đủ những yếu tố thị trường và hành lang pháp lý thuận lợi.
Ngân hàng muốn bán vốn
Gần đây, trên thị trường lại rộ lên thông tin ngân hàng mới sáp nhập từ HDbank và DaiAbank sẽ bán 30% cổ phần cho đối tác nước ngoài. Được biết, HDbank sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản trên 85.000 tỷ đồng, có hơn 210 điểm giao dịch trên cả nước. Nếu tính theo mệnh giá, thương vụ chuyển nhượng cổ phần này trị giá khoảng 2.430 tỷ đồng.
Trong buổi họp báo công bố việc sáp nhập, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank, cho biết việc tìm kiếm đối tác nước ngoài để tham gia mua cổ phần của ngân hàng đã nằm trong kế hoạch từ trước. Một số NĐT từ Nhật Bản, châu Âu hay châu Á đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề mua cổ phần nhưng HDbank chưa quyết định bán cho ai. Với quy định NĐT nước ngoài được phép sở hữu tối đa 30% vốn của ngân hàng trong nước, HDbank sẽ đàm phán với đối tác về tỷ lệ, lộ trình bán cổ phần.
Cũng theo HDbank, ngân hàng sẽ mua lại công ty tài chính Việt - Société (SGVF) và chuyển thành một công ty con thuộc ngân hàng mới sau sáp nhập.
Việc mua bán, sáp nhập với 2 tổ chức này nhằm tăng cường năng lực tài chính, quản trị điều hành, hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đánh giá của giới ngân hàng, HDbank là một nhà băng mạnh, hoạt động hiệu quả nên kế hoạch mua bán, sáp nhập hay tìm kiếm đối tác nước ngoài là bước tiến xa hơn của nhà băng này.
Ngoài HDbank, lãnh đạo ngân hàng GPbank cũng hé lộ về khả năng sẽ bán cổ phần cho các NĐT nước ngoài, trong đó có một ngân hàng đến từ Singapore. Hiện, các đối tác đang thăm dò, tìm hiểu kỹ lưỡng về ngân hàng, nhất là lựa chọn thời điểm và giá cả có lợi nhất. Hơn nữa, NĐT ngoại đang e ngại giới hạn tỷ lệ sở hữu quá hẹp (không vượt quá 15 - 20% vốn ngân hàng nội).
Trong tâm lý của người đầu cơ hay đầu tư dài hạn, họ thường muốn có chính sách tỷ lệ sở hữu cổ phần nới lỏng hơn, nhằm gia tăng giá trị và sức ảnh hưởng trong ngân hàng. Nếu Chính phủ đồng ý nới "room" sở hữu cho NĐT ngoại lên tối đa 40% thì càng tăng sức hấp dẫn cho cổ phần ngân hàng.
Miếng bánh hấp dẫn
Hiện nay, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đang phải thực hiện thoái vốn tại nhiều ngân hàng như Oceanbank, Techcombank, PVcombank, An Bình…
Đơn cử, Vietnam Airlines chào bán toàn bộ 24,033 triệu cổ phiếu tại Techcombank (chiếm 2,7% vốn điều lệ) nhưng chưa bán được. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đang chịu áp lực khi cùng lúc phải thoái vốn tại 2 ngân hàng là Oceanbank (sở hữu 20% vốn), và PVcombank (chiếm 56% vốn). Theo quy định và đề án tái cơ cấu, đến năm 2015, Tập đoàn phải rút hết vốn khỏi Oceanbank và giảm tỷ lệ sở hữu tại PVcombank xuống dưới 20%.
Đây sẽ là cơ hội cho các NĐT nước ngoài mua cổ phần với tỷ lệ lớn trong các ngân hàng Việt Nam. Ngay như trường hợp của Ngân hàng An Bình, Tập đoàn điện lực Việt Nam đang cần bán gấp 25,2 triệu cổ phần, nhà đầu tư ngoại (hiện sở hữu kịch trần 30% vốn) vẫn còn hi vọng nếu Chính phủ đồng ý nới "room" lên 40% trong năm tới.
Theo Ts. Nguyễn Quang A, Chuyên gia ngân hàng, chuyện NĐT nước ngoài mua ngân hàng trong nước sớm muộn cũng xảy ra. Vì Chính phủ đã cho phép thành lập ngân hàng có 100% vốn nước ngoài. Vấn đề là lợi ích như thế nào?
"Một số ngân hàng yếu kém đang cần bán vốn, NĐT nước ngoài mua cổ phần sẽ phải bỏ tiền vào, gánh chịu áp lực nợ xấu. Cho nên, giá mua ngân hàng sẽ phải thấp hơn trước đây", Ts. Quang A nói và đồng tình với việc xem xét nới "room" cho cổ đông ngoại tại ngân hàng.
Một điểm đáng chú ý là, các NĐT từ Nhật Bản đang rất quan tâm, muốn trở thành cổ đông lớn của ngân hàng Việt Nam. Bằng chứng là, cuối năm 2012, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ đã sở hữu 20% cổ phần của Vietinbank trong thương vụ chuyển nhượng trị giá 734 triệu USD.
Trước đó, Tập đoàn tài chính Mizuho Financial Group cũng mua 15% cổ phần Vietcombank và 15% cổ phần của Eximbank. Hai tổ chức này đều cử đại diện trong Hội đồng quản trị, trực tiếp tham gia vào các quyết sách quan trọng của ngân hàng.
Theo một chuyên gia ngân hàng, việc mua cổ phần của ngân hàng nội cho thấy, các NĐT Nhật Bản đang muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường tài chính Việt Nam, hiện vẫn được cho là còn khá "sơ khai".
Xu hướng này được lý giải là do Nhật Bản đang dư thừa ngoại tệ rất lớn, cần chuyển hướng đầu tư cùng với làn sóng doanh nghiệp Nhật dịch chuyển đầu tư từ khu vực Asean vào Việt Nam…
"Các ngân hàng Nhật Bản có tiềm lực tài chính thực sự mạnh, cần mở rộng đầu tư vào những thị trường tiềm năng. Chẳng hạn, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ có tổng tài sản lên tới 3.000 tỷ USD thì chi vài chục triệu USD mua 20% cổ phần Vietinbank chỉ là khoản đầu tư nhỏ", vị chuyên gia này nói.
Theo Thu Hằng