Ngân hàng không còn “ăn dày”
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp băn khoăn về mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng (tỷ lệ thu nhập lãi thuần - NIM) hiện nay là bao nhiêu?
Hẳn đây sẽ là vấn đề gây nhiều tranh cãi, bởi từ mỗi góc nhìn khác nhau, người ta lại có những quan điểm, lập luận khác nhau.
Xét về mặt bằng chung của toàn hệ thống, theo Ts. Cấn Văn Lực, Chuyên gia ngân hàng, NIM của các ngân hàng hiện nay khoảng 2,5 - 2,8% và là giới hạn thấp nhất có thể của các ngân hàng. "Trong điều kiện kinh tế hiện nay, NIM ở mức này là hợp lý, bởi nếu giảm thêm nữa thì ngân hàng không có lãi trong hoạt động tín dụng", TS. Lực cho biết.
Cao, thấp tùy thuộc khách hàngCâu hỏi đặt ra hiện nay là liệu có thể giảm thêm tỷ lệ NIM nữa không, khi doanh nghiệp
đang chật vật với khó khăn? Theo Ts. Lực, không thể giảm thêm, vì nếu giảm nữa thì sẽ bị lỗ. "Nếu kinh doanh mà bị lỗ thì chắc chắn CEO sẽ "bị tống cổ" ra khỏi ngân hàng. Đối với ngân hàng quốc doanh thì CEO còn được 2 năm, chứ ngân hàng cổ phần thì có thể ngay sau 1 quý hoạt động", TS. Lực nói.
Tuy nhiên, đây là mức bình quân của hệ thống ngân hàng, chứ còn mỗi ngân hàng sẽ có một mức chênh lệch khác nhau vì định hướng mục tiêu khác nhau. Theo ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc SeABank, hiện nay, đối với cho vay ngắn hạn, tỷ lệ này chỉ khoảng 1%, còn cho vay trung và dài hạn dành cho khách hàng cá nhân khoảng 4%, riêng với doanh nghiệp thì "thấp lắm".Theo ông Khánh, sở dĩ tỷ lệ NIM đối với doanh nghiệp rất thấp là vì ngân hàng cho khách hàng tốt hơn để cho vay, việc này giúp ngân hàng giảm được chi phí về trích lập dự phòng rủi ro, chi phí đòi nợ mà hiệu quả khách hàng mang lại cao.
"Tỷ lệ NIM phụ thuộc vào rủi ro của khách hàng. Tuy nhiên, quan trọng là lợi ích tổng thể của khách hàng mang lại. Nếu chỉ đơn thuần huy động rồi cho vay thì chắc chắn tỷ lệ NIM thấp, ngân hàng sẽ bị lỗ. Nhưng nếu khách hàng gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn số tiền cho vay thì lại là một bài toán khác", ông Khánh cho biết.
Theo ông Khánh, trước đây, các ngân hàng chỉ hoạt động theo kiểu "độc canh tín dụng", nên cứ chênh lệch lãi suất cho vay và huy động giảm mạnh sẽ dẫn đến nguy cơ lỗ. Ngày nay, tuy thu nhập từ tín dụng vẫn là chính, nhưng các ngân hàng đã có nhiều sản phẩm có lợi lớn xung quanh hoạt động cho vay khách hàng, đó là huy động doanh nghiệp, thu phí dịch vụ.
"Dòng tiền khách hàng chạy trong ngân hàng hiện chỉ hưởng lãi suất không kỳ hạn, hiện nay là 1%, thì càng huy động được nhiều thì càng có lời. Ví dụ, huy động 1% rồi đem gửi sang TCTD khác với lãi suất 3%, thì đã có lãi rồi. Do vậy, tổng thu từ 1 khách hàng mà dương thì tỷ lệ NIM thấp một chút cũng không bị lỗ", ông Khánh phân tích.
Cùng quan điểm trên, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết với tình hình kinh doanh hiện nay, mức chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của nhiều ngân hàng đã rút về còn dưới 1%, chứ không phải "ăn dày" như nhiều người vẫn nghĩ. "Thậm chí, chúng tôi chấp nhận hy sinh lợi nhuận, cho vay dưới giá vốn nếu "gặp" được doanh nghiệp tốt", lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội chia sẻ.
Vị này dẫn chứng, với lãi suất huy động hiện 6%/năm và cho vay ra khoảng 7 - 9%, trừ đi các khoản chi phí khác như trích lập dự phòng rủi ro, dự trữ bắt buộc, chi phí hoạt động… khoảng 1 - 2% (tùy từng ngân hàng) thì mức chênh chỉ khoảng 1%. Ngay cả với các ngân hàng quốc doanh, giá vốn huy động rẻ hơn, nhưng lãi vay đầu ra thấp hơn khối ngân hàng cổ phần thì lãi biên tín dụng cũng rất thấp, dưới 1%.
"Thu nhập chính hiện nay của ngân hàng vẫn chủ yếu từ tín dụng. Nên nguyên tắc hoạt động hiện nay của các ngân hàng là tìm đầu ra cho dòng vốn. Do vậy, nếu gặp khách hàng tốt, dù lãi suất thấp mà vẫn có tí lãi thì sẽ cho vay ngay", vị này chia sẻ.
Thời của doanh nghiệp
Một thực tế mà thị trường đang thừa nhận, đó là, sau rất nhiều năm doanh nghiệp mới được tiếp cận với mức lãi suất vay vốn dễ chịu như hiện nay. Theo thống kê của NHNN, hiện mặt bằng lãi suất cho vay chỉ ở mức 9 - 10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11 - 12,5%/năm đối với trung và dài hạn. Trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, lãi suất cho vay chỉ 6 - 7%/năm.
Tuy vậy, nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, lãi suất cho vay đối với một vài khách hàng tốt còn thấp hơn, thậm chí có khách hàng chỉ phải vay với lãi suất 5%. "Trong bối cảnh hiện nay, khách hàng làm ăn tốt, minh bạch và an toàn nên được hưởng lãi suất thấp là rõ ràng. Lợi ích cuối cùng là cho khách hàng, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh", lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.
Dù vậy, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm vẫn khá đì đẹt. Tính đến ngày 22/4, tín dụng tăng 0,62% so với cuối năm 2013. Thực tế đó cho thấy cầu vốn hiện khá thấp, do vậy, các ngân hàng hiện không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà quan trọng là tìm chỗ an toàn cho dòng vốn chảy vào.
Thế nên, thời "ăn dày" trong hoạt động tín dụng của ngân hàng đã qua và thời của chất lượng tín dụng lên ngôi. Vậy nên, ít nhất trong ngắn hạn, sẽ rất hiếm hoi về thông tin tăng trưởng tín dụng nóng.