MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng: Kiểu gì cũng lãi

14-07-2011 - 23:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù nền kinh tế vẫn khó khăn, nhiều DN khốn đốn vì LS cao, thiếu vốn và nợ nần… nhưng theo hé lộ ban đầu, các NH vẫn đạt lợi nhuận cao 6 tháng đầu năm 2011.

Kiểu gì cũng lãi

Đã giữa tháng 7 nhưng hiện vẫn còn nhiều NH chưa công bố kết quả kinh doanh quý II/2011. Lãnh đạo một NH cho hay thực ra số liệu đã có nhưng nhiều NH vẫn đang “nhìn nhau”, chưa vội công bố thông tin. Tuy nhiên, những hé lộ ban đầu cho thấy lợi nhuận của các NH sẽ vẫn ở mức cao.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đã công bố lợi nhuận ước đạt trong quý II của NH này là 301 tỉ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Sacombank gần 1.500 tỉ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch cả năm.

Chủ tịch HĐQT NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nguyễn Hòa Bình, cũng cho biết 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã đạt khoảng 3.000 tỉ đồng lợi nhuận, so với kế hoạch cả năm là 5.650 tỉ đồng.

Dù không thuộc tốp các NH hàng đầu nhưng NH TMCP An Bình (ABBANK) cũng đã công bố con số lợi nhuận 6 tháng là 307,6 tỉ đồng, xấp xỉ kế hoạch đề ra.

Một số NH lớn khác như: Eximbank, Techcombank, ACB dù chưa công bố thông tin chính thức nhưng được biết lợi nhuận cũng ở mức khá cao...

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính NH nhận xét: Cỡ nào NH cũng có lãi. Việc thắt chặt tín dụng trên thực tế chỉ gây khó khăn cho các DN, đặc biệt là DN bất động sản, chứng khoán..., còn các NH cũng bị ảnh hưởng nhưng không quá nghiêm trọng. Việc “áp” tăng trưởng tín dụng của các NH về mức 20% trong năm nay dù gây nhiều khó khăn cho các NH nhỏ, thanh khoản kém nhưng lại tạo ra lợi thế cho các NH quy mô lớn. Vị này cũng cho rằng hiện tượng lãi suất đầu vào tăng cao, nhiều NH phải “xé rào” huy động lãi suất vượt trần quy định cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của các NH bởi “nước lên, thuyền lên”, lãi suất đầu vào tăng cao thì lãi suất cho vay cũng sẽ càng cao...

Vui buồn chuyện lãi của NH

"Vấn đề phụ thuộc vào chính sách chứ không thể hô hào vì đạo lý mà NH phải giảm lợi nhuận. Cái chính là các nhà thiết kế chính sách từ thuế, lãi suất đến cải cách chính sách NH... cần đưa ra các quyết định phù hợp hơn để tháo gỡ khó khăn cho DN và các NH thương mại cũng làm tròn trách nhiệm là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế".

TS Lê Đăng Doanh

Tại buổi hội thảo về “Diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2011” do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng trong khi các DN khó khăn, không thể sản xuất kinh doanh thì các NH lại có lãi cao. Một lãnh đạo Bộ Tài chính nhận xét NH lãi cao là do đẻ ra các khoản phí để thu của khách hàng và cho rằng: “Lãi suất cũng là một loại giá cả, tiền tệ là hàng hóa đặc biệt, loạn phí như vậy không khác gì chúng ta đang thả nổi giá NH”...

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH NH TPHCM, cho rằng DN dù ngành nào cũng cần đề cao đạo đức kinh doanh, khi tốt đẹp thì nên biết chia sẻ để khi khó khăn sẽ được chia sẻ lại. Việc chia sẻ của NH có thể có nhiều cách khác nhau, từ việc thẩm định, lựa chọn khách hàng cho đến tiết giảm chi phí, nâng cao dịch vụ. Đó cũng là cách để thể hiện tầm, thương hiệu của mỗi NH...

Rõ ràng, khi kinh tế khó khăn mà chỉ NH lãi lớn thì nghe có vẻ không ổn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không thể bắt các NH chia sẻ lợi nhuận với DN bởi thực tế, NH thương mại cũng là một DN, phải vượt lên để kiếm lợi nhuận. Nếu tính tỉ suất sinh lời trên vốn bỏ ra thì thực tế NH cũng không lợi nhiều, thường chỉ khoảng 20%-30%.

Câu chuyện “lãi suất cao chưa chắc được hoan nghênh” của một số ngành, trong đó có NH, đã được nói đến nhiều. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, chính những lúc khủng hoảng, có ngành gặp khó khăn nhưng cũng có ngành lại chớp được cơ hội. Vì vậy, khó trách các NH có lợi nhuận cao.

Theo Sơn Nhung - Hoàng Lâm

Người lao động

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên