MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng lớn tăng nợ xấu, VAMC vẫn 'nhàn nhã'

21-08-2014 - 17:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc trích lập dự phòng hiện nay đang không được các ngân hàng thực hiện đầy đủ, các ngân hàng luôn ép mức trích lập dự phòng xuống để nợ xấu không quá cao.

Trung tuần tháng 8/2014, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã lần lượt công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu hầu hết đều tăng, thậm chí là tăng cao, nhất là đối với ngân hàng lớn lâu nay vốn duy trì tỉ lệ nợ xấu ở ngưỡng an toàn 3% mà NHNN đưa ra.

Đáng lo

Tại Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), nếu năm ngoái nợ xấu chỉ chiếm 1% tổng dư nợ, thì đến nay đã tăng hơn 150% lên 2,53% tổng dư nợ. VietinBank dẫn đầu hệ thống khi con số tuyệt đối nợ xấu lên tới 9.575 tỉ đồng. Đáng lo hơn, nợ có nguy cơ mất vốn của ngân hàng này tăng 2,5 lần so với cuối 2013 lên tới 3.172 tỉ đồng.

Các ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có mức nợ xấu tăng lên 3,09%, ở mức hơn 9.030 tỉ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gần 71% trong 6 tháng lên gần 4.770 tỉ đồng. Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) thì có tỉ lệ nợ xấu tăng lên 3,1%.

Tỉ lệ nợ quá hạn của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vào thời điểm cuối tháng 6.2014 cũng ở mức 8,17%. Con số này tăng 72,4% trong vòng 6 tháng đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu quý 2/2014 của ngân hàng này ở ngưỡng 4%.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcombank), tỉ lệ nợ xấu đã tăng lên 5,2%. Ở OceanBank là 4,84%, cùng kỳ năm ngoái chỉ là 2,3% và đầu năm là 3,5%.

Mặc dù nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng gia tăng nhưng công việc của công ty mua bán nợ xấu VAMC lại có phần "nhàn nhã".

Theo lãnh đạo của VAMC, tính đến thời điểm hiện nay thì công ty này mới mua được gần 55.000 tỷ đồng nợ xấu từ 35 tổ chức tín dụng.

Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, số nợ xấu mà VAMC mua vào đạt khoảng 16.000 tỉ đồng, cách xa so với mục tiêu 70.000-100.000 tỉ đồng nợ xấu của cả năm 2014. Tính gần hơn nữa, trong khoảng hơn 2 tháng qua, VAMC chỉ mua vào được vỏn vẹn gần 6.000 tỉ đồng nợ xấu.

Mua vào đã chậm nhưng nợ xấu bán ra cũng càng chậm hơn. Cụ thể, số nợ xấu bán ra đến nay mới đạt 1.400 tỉ đồng, quá nhỏ so với số mua vào, càng không thấm vào đâu so với tổng nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng.

Nguyên nhân

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Trần Huy Hoàng, Nguyên Trưởng khoa Ngân hàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nợ xấu ở các ngân hàng.

Thứ nhất là do bản thân các ngân hàng. Các ngân hàng cho vay nhưng thẩm định sơ sài, không nắm được các thông tin chính xác về khách hàng nên mới dẫn đến tình trạng nợ xấu. Hay có những tiêu cực trong hệ thống ngân hàng như tình trạng sở hữu chéo, rồi Chính phủ chỉ định cho vay như trường hợp Vinashin, Vinalines... mới dẫn đến việc nợ xấu gia tăng.

Thứ hai là do các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vay nhưng rồi làm ăn thua lỗ, không có tiền trả, không theo kịp cơ chế thị trường, bị cạnh tranh dữ dội.

Thứ ba là do kinh tế vĩ mô. Trong thời gian gần đây, kinh tế vĩ mô đã tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, và đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc gia tăng nợ xấu ở các ngân hàng.

"Tất nhiên là bản thân các ngân hàng cũng có sai sót nhất định, tuy nhiên tôi cho rằng những tiêu cực trong hệ thống ngân hàng hiện nay đã giảm đi nhiều. Và rõ ràng, khi thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp thì rất tốt, không có vấn đề gì, nhưng sau khi cho khách hàng vay rồi thì khách hàng đó, doanh nghiệp đó lại không bán được hàng vì tình hình kinh tế vĩ mô tác động, phải chịu áp lực, khủng hoảng từ bên ngoài. Hàng bán không được lại phải chịu nhiều chi phí đi kèm nên doanh nghiệp mới không có tiền để trả nợ và đưa đến nợ xấu", PGS. Hoàng cho biết.

Lý giải về việc nợ xấu thì gia tăng nhưng các ngân hàng lại dè dặt trong việc bán nợ xấu cho VAMC, PGS. Hoàng cho biết, bản chất hoạt động của công ty mua bán nợ xấu là kéo dài thời gian xử lý nợ xấu chứ không phải là có một nguồn khác để giải quyết nợ xấu này.

"Ví dụ như ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC thì VAMC sẽ phát hành trái phiếu. Trái phiếu này ngân hàng sẽ mang đến NHNN để sử dụng làm tài sản đảm bảo, vay của NHNN. Nhưng khi trái phiếu đến hạn thì ngân hàng thương mại vẫn phải nhận lại nợ xấu để xử lý, cho nên bán nợ xấu của VAMC chỉ kéo dài thời gian, giảm áp lực nợ xấu chứ không thể giải quyết được các khoản nợ xấu này", PGS. Hoàng cho biết.

Cũng theo PGS. Hoàng, việc trích lập dự phòng hiện nay đang không được các ngân hàng thực hiện đầy đủ, các ngân hàng luôn ép mức trích lập dự phòng xuống để nợ xấu không quá cao. Bởi vì khi để nợ xấu quá cao thì bản thân các ngân hàng sẽ bị khống chế về chỉ tiêu tài chính, việc mở thêm chi nhánh cũng khó khăn nên các tổ chức tín dụng luôn cố gắng ép nợ xấu xuống để trích lập dự phòng ít, góp phần giảm bớt chi phí.

>>> Ngân hàng ăn lãi bao nhiêu?

Theo Hà Anh

hangnt

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên