MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng muốn thâu tóm công ty tài chính, vì đâu?

25-04-2014 - 11:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Những NH muốn khai thác phân khúc cho vay tiêu dùng có thể lựa chọn mua công ty tài chính tiêu dùng nhằm kế thừa hệ thống khách hàng, hệ thống vận hành quản lý rủi ro của công ty đó.

Đã có những cuộc sáp nhập

Trong các ĐHCĐ ngành Ngân hàng vừa qua, có hai NH xin ý kiến cổ đông về việc mua lại công ty tài chính. Ngoài việc xin nhận sáp nhập với MDB, lãnh đạo Maritime Bank cũng xin cổ đông ủy quyền để thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết. Qua đó, tạo điều kiện cho Martime Bank thành lập hoặc mua lại công ty tài chính để phát triển mảng cho vay tiêu dùng một cách chuyên biệt. Tương tự, lãnh đạo SHB xin ý kiến cổ đông về việc NH muốn sáp nhập thêm công ty tài chính…

Trước những động thái này, Tổng giám đốc một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá: Đây là một hướng đi đúng. Những NH muốn khai thác phân khúc cho vay tiêu dùng có hai cách để lựa chọn: Một là tự đầu tư xây dựng mô hình mới hoàn toàn, từ việc lựa chọn khách hàng, cho đến xây dựng sản phẩm, hệ thống vận hành, quản trị rủi ro… Cách này nếu thực hiện tốt cũng sẽ mang lại hiệu quả cao nhưng mất nhiều thời gian.

Vì vậy, các NH thường chọn cách thứ hai là mua công ty tài chính tiêu dùng nhằm kế thừa hệ thống khách hàng, hệ thống vận hành quản lý rủi ro của công ty đó. Như vậy, tốc độ triển khai sản phẩm dịch vụ cho vay tiêu dùng sẽ nhanh hơn.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo cấp cao của SHB chia sẻ thêm lý do lựa chọn mua công ty tài chính là NH này muốn chuyên biệt hóa mảng cho vay tiêu dùng một cách chuyên nghiệp từ đội ngũ bán hàng, phát triển sản phẩm… Phân tích sâu hơn, theo vị này, cho vay tiêu dùng chỉ là một mảng của bán lẻ mà quy mô tín dụng nhỏ nên rất cần đông khách hàng để bù đắp chi phí.

Ví dụ, cho vay trả góp bộ máy vi tính, ti vi, tủ lạnh… dư nợ chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng/món, nên NH không đủ nhân sự, thời gian để xử lý các khoản vay nhỏ lẻ. Trong khi đó, nếu cho vay qua các công ty tài chính với lợi thế về mạng lưới, khách hàng… NH có thể tận dụng hệ thống phân phối để khai thác sâu, rộng hiệu quả hơn trên thị trường này.

Có lẽ, đây cũng là lý do mà “ngẫu nhiên” từ tháng 9/2013, HDBank cũng nhanh chân hoàn tất việc mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (thuộc Tập đoàn Tài chính Société Générale – Pháp) sau đổi tên thành Công ty Tài chính HDFinace. Trước khi bị mua lại, Công ty Tài chính Việt Société Générale có khoảng 1.100 nhân viên, mạng lưới hoạt động đã có mặt tại 42 tỉnh thành trên toàn quốc.

Và con số đáng chú ý nữa là Công ty này đã cho vay trả góp với hơn 125.000 khách hàng cá nhân thông qua 300 đối tác và gần 800 điểm dịch vụ tại các cửa hàng xe máy và điện máy, trên cả nước. Giá trị “tài sản” trên được nhận định rất quý giá trong thời điểm này bởi số lượng khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển dịch vụ tài chính cá nhân của bất kỳ NH nào.

Thận trọng khi chọn đối tác

Tuy nhiên, vị lãnh đạo NH trên cũng lưu ý, cái gì cũng có mặt trái của nó. Vừa phát triển nhanh, vừa đảm bảo an toàn, bền vững không phải là bài toán đơn giản mà NH nào cũng có lời giải hay. Và không phải NH nào cũng có nhiều cơ hội lựa chọn đối tác tốt, nhưng tối thiểu cũng phải mua được công ty tài chính tiêu dùng phù hợp với NH về hướng đi, chiến lược phát triển.

Do quy mô sản phẩm tín dụng tiêu dùng thường nhỏ, lợi nhuận thu được từ cho vay theo kiểu “góp gió thành bão”… nên mô hình vận hành cũng như cách thức quản lý rủi ro của nó tương đối khác so với mô hình NH truyền thống. Vì vậy, các NH nên thận trọng khi lựa chọn các đối tác để tránh bị hớ về giá cũng như không phải chịu thêm một gánh nặng về tài chính khi đối tác kinh doanh kém hiệu quả.

Trước những đồn đoán về khả năng công ty tài chính mà SHB định mua lại liên quan đến ngành cao su, lãnh đạo SHB khẳng định, đây không phải là đối tác NH này nhắm đến. Ông cũng nhấn mạnh, đối tác mà SHB lựa chọn để tiến hành sáp nhập là công ty có tài chính lành mạnh, không có nợ khó đòi nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Việc triển khai mô hình mới này sẽ là hướng đi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm 2014. Nhưng các chuyên gia cho rằng, không nên đặt kỳ vọng sự bứt phá của tín dụng tiêu dùng. Bởi, tình hình kinh tế vẫn chưa có nhiều điểm sáng, nên xu hướng tiêu dùng của người dân vẫn là thắt lưng buộc bụng. Nếu tổng cầu thị trường không tăng, thậm chí đi ngang thì khả năng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng lớn.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, đến cuối tháng 3/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt mức 0,49%. Con số này cho thấy để hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng, các NH vẫn tiếp tục phải chịu nhiều áp lực. Dù cho vay tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh thì bài học về những khoản nợ xấu trước đây vẫn đang nhắc nhở các lãnh đạo NH không thể bằng mọi giá để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Theo Hà Thành

loanlt

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên