Ngân hàng ngoại đủng đỉnh giảm lãi suất
Khối ngoại có nhiều lý do để thận trọng trong việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, một trong số đó vì nợ xấu tăng lên đáng kể - điều mà trước đây chưa từng xảy ra với khối này.
Các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, vốn có ưu thế trong các sản phẩm cho vay tiêu dùng và đã triển khai nhiều gói sản phẩm cho vay ưu đãi khá hấp dẫn. Nhưng từ đầu năm đến nay nếu so với nội, khối ngoại lại tỏ ra khá bình thản trong việc giảm lãi suất cho vay, thậm chí nhiều sản phẩm vẫn còn thiếu thực tế và chưa có nhiều cải thiện.
Đơn cử ANZ lâu nay được nhiều người dân biết đến với thế mạnh cho vay mua, thuê nhà. Thế nhưng, trong “cơn sốt” chào mời người vay mua nhà lãi suất thấp trong mấy tháng qua, ngân hàng này tỏ ra khá mờ nhạt trên thị trường tín dụng nhà ở. Hôm qua (ngày 4/6), ANZ mới chính thức nhập cuộc bằng cách tung ra gói tín dụng cho vay mua nhà lãi 6,5%/năm trong một tháng đầu tiên, như một hình thức cạnh tranh với lãi suất của gói tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Hong Leong Bank, một ngân hàng của Malaysia hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh đang triển khai các gói tín dụng cho vay mua nhà, nhưng lãi suất tùy từng trường hợp, thậm chí lãi vay được tính theo ngày. Cụ thể, Hong Leong Bank đang đang triển khai chương trình cho vay ưu đãi với mức lãi suất 6%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu tiên đối với các sản phẩm vay sửa chữa, thuê, mua nhà ở. Ngoài ra, ngân hàng còn đưa ra lãi suất cố định trong năm đầu tiên từ 11,5%/năm cho đến 12,3%/năm tùy sản phẩm để người vay lựa chọn.
Sau thời gian khuyến mại, lãi suất sẽ được điều chỉnh về mức cạnh tranh tùy thuộc vào lãi suất thị trường. Thông tin cho vay tiêu dùng cũng được HSBC căng tràn ngập, vay mua, sửa chữa nhà… Theo đó, người vay vốn mua nhà được hưởng lãi suất 0% trong 1 – 3 tháng đầu tùy khoản vốn giải ngân. Tuy nhiên, những chương trình lãi suất 0% của ngân hàng này chỉ áp dụng đến ngày 19/6/2013.
Đối với loại tín dụng phát hành qua thẻ tín dụng, các ngân hàng ngoại đều kéo người vay bằng miễn phí phát hành, thậm chí miễn phí thường niên... Song, để vay được lãi suất thấp của các ngân hàng ngoại không dễ. Thậm chí một số người dân có quan hệ với tín dụng “ngoại” cho rằng các ngân hàng nước ngoài đang cố tình “chơi chữ” khiến không ít người vay bị quả đắng vì những điều kiện của khối ngoại.
Ví dụ, với khoản khi chi tiêu qua thẻ, thông thường ngân hàng cho khách hàng 45 ngày để thu xếp trả nợ và nếu khách hàng trả nợ trong khoảng thời gian này sẽ không phải trả lãi. Nhưng nếu việc trả nợ được thực hiện sau thời hạn 45 ngày, khách hàng sẽ phải trả lãi cho khoản vay ngay từ ngày bắt đầu thanh toán qua thẻ, trong khi không ít khách hàng đều lầm tưởng được miễn lãi hoàn toàn trong vòng 45 ngày đầu.
Chưa kể, lãi suất vay qua thẻ tín dụng thường ở mức cao hơn so với mặt bằng lãi suất vay vốn trực tiếp. Như ANZ, lãi suất tới 2,4% và 2,65%/tháng (tùy hạng thẻ), chưa kể hàng loạt loại phí như phí thanh toán quốc tế từ 3,0 – 3,5%; phí rút tiền mặt 4% giá trị giao dịch; phí chậm thanh toán 4% trên số tiền chậm thanh toán và hàng chục loại phí khác, từ 50.000 – 200.000 đồng/lần... Những mức lãi suất và phí này không dành cho đại bộ phận người tiêu dùng làm công ăn lương mà chủ yếu hướng vào người có thu nhập cao sử dụng.
Nợ xấu ngân hàng ngoại tăng đáng kể
Dù rằng ngân hàng ngoại có ưu thế cho vay tiêu dùng vì sản phẩm dịch vụ đa dạng, nhưng nếu so với lãi suất cho vay thuê mua nhà ở hiện nay trên thị trường thì khối ngoại chưa giảm mạnh lãi suất và cải thiện điều kiện vay như các ngân hàng nội địa.
“Thấy các ngân hàng liên tục giảm lãi suất, chúng tôi cũng muốn vay để chi tiêu. Lúc vay, tôi được chào lãi suất thấp trong 9 – 10%/năm, thậm chí 0% trong 3 tháng đầu, nhưng sau đó là lãi suất thả nổi, trong khi khoản vay tiêu dùng thường có thời hạn dài 3 – 5 năm, thậm chí 10 – 15 năm. Đến khi nhận được thông báo khoản tiền phải trả từ tháng thứ tư trở đi tăng vọt. Tính ra, nhiều NHTMCP trong nước đang có nhiều ưu đãi hơn hẳn”, một khách hàng của HSBC chia sẻ.
Theo các chuyên gia tài chính, khác với trước đây, hiện khối ngoại có nhiều lý do để thận trọng trong việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Một phần, vì nợ xấu tại các ngân hàng ngoại năm 2012 tăng lên đáng kể (2,2%) điều mà trước đây chưa từng xảy ra với khối này. Mặt khác, gần đây những ngân hàng nước ngoài cũng có mối lo về thanh khoản khi lạm phát trở lại.
Quả vậy, dù vẫn nói rằng thanh khoản tốt nhưng bà Bùi Hải Hà - đại diện ANZ Vietnam thừa nhận, lượng tiền huy động tại ngân hàng này có giảm trong thời gian qua. “Hiện ANZ không thể đua với mức lãi suất mà các NHTMCP trong nước đưa ra, nên một lượng khách hàng cá nhân tại ANZ đã rút tiền để chuyển sang những NHTMCP nội địa”, bà Hà nói.
Đứng về mặt vĩ mô, lãnh đạo cao cấp của khối ngân hàng này cũng bày tỏ nhiều quan điểm lo ngại. Ông Tareq Muhmood - Tổng giám đốc ANZ Vietnam phân tích, trong một nền kinh tế có nhiều thành phần khác nhau phát triển với tốc độ khác nhau. Trong khi một số lĩnh vực của nền kinh tế chững lại, nhu cầu vay vốn giảm, DN thậm chí phải đóng cửa, nhiều lĩnh vực khác vẫn phát triển với tốc độ nhanh như nông nghiệp, các ngành liên quan đến xuất nhập khẩu. Do đó, muốn xây dựng một chiến lược hay một sản phẩm, các ngân hàng cần phân tích kỹ diễn biến thị trường vay.
Tương tự, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam nhận định, vấn đề tăng trưởng tín dụng bao giờ cũng cần chú ý đến hai khía cạnh: cung và cầu. Về nguồn cung vốn, mặc dù thanh khoản dồi dào nhưng không vì thế mà cho vay quá tay để những món nợ đó chuyển thành nợ xấu. Về nhu cầu, nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với vấn đề về niềm tin vì tốc độ tăng trưởng kinh tế đang thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
“Chúng ta không nên để nguồn thanh khoản dồi dào hiện tại chảy quá nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng, thay vào đó, điều cần làm là thúc đẩy dòng tiền chảy vào lĩnh vực sản xuất. Điều đó lý giải vì sao các ngân hàng ngoại chưa mạnh tay trong lĩnh vực này”, ông Louis Taylor nói.
Ông Sumit Dutt - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đưa ra phép tính khá rõ ràng. Đó là, nếu không cẩn trọng với việc điều hành chính sách để kích cầu, các ngân hàng để lãi suất giảm quá nhanh sẽ dẫn đến bùng nổ lạm phát và đưa nền kinh tế rơi vào vòng xoáy lạm phát của các năm trước: kinh tế tăng trưởng chậm -> kích cầu + giảm mạnh lãi suất -> kinh tế tăng trưởng trở lại kèm lạm phát cao -> xiết chặt chính sách tiền tệ. |
Theo Vũ Hoà