MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ “trận địa” vàng

04-09-2013 - 11:10 AM | Tài chính - ngân hàng

Các giải pháp, chính sách đối với thị trường vàng cần phải có một độ trễ nhất định. Và để bình ổn được thị trường, nhất là với thị trường vàng vốn rất phức tạp, thì không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Trong phiên đấu thầu gần nhất vào ngày 30/8, NHNN đã bán được 19.700 lượng vàng miếng SJC trên tổng số 20 nghìn lượng chào thầu. Như vậy, tính từ ngày 28/3 đến 30/8, NHNN đã tổ chức 57 phiên đấu thầu với khối lượng trúng thầu là 1.517.200 lượng trên tổng số 1.622.000 lượng vàng đưa ra bán đấu thầu. Nhận định về hoạt động đấu thầu vàng miếng của NHNN, nhiều chuyên gia về ngân hàng đánh giá hiệu ứng khá tích cực.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đấu thầu vàng đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Thị trường vàng đã ổn định dần đi vào quỹ đạo. Minh chứng là thời gian qua dù thị trường vàng trong nước cũng như thế giới có nhiều biến động và phức tạp nhưng trên thị trường vàng không xảy ra các cơn sốt về vàng gây bất ổn xã hội. Nhất là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã thu hẹp một cách đáng kể, từ mức cao nhất 6-7 triệu đồng/lượng, đến nay chỉ dao động quanh mức 2 triệu đồng/lượng thậm chí có thời điểm xuống dưới 2 triệu đồng. Chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm này cũng là cơ hội để NHNN nên ngừng lại hoạt động đấu thầu vàng.

Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ chức năng NHNN cho biết, sau khi các TCTD tất toán số dư huy động vàng, lực mua giảm dần. Đây là tín hiệu tích cực trên thị trường. Nhưng, quan sát trên thị trường, NHNN nhận thấy xu hướng giảm chênh lệch giá trên vẫn chưa thật sự bền vững. Do vậy, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra phương án cho hoạt động này đảm bảo thị trường vàng không xảy ra đầu cơ, gây bất ổn xã hội. NHNN với tư cách là cơ quan quản lý không thể bỏ trận địa được. Về nguyên tắc, nếu thị trường còn nhu cầu NHNN sẽ vẫn phải bình ổn thị trường vàng qua các phiên đấu thầu vàng.

Trên thực tế, dù chưa thông báo về lộ trình hoạt động đấu thầu vàng, nhưng thời gian qua NHNN đang giảm dần số lượng phiên đấu thầu vàng cũng như khối lượng vàng qua các phiên đấu thầu. Cụ thể từ trung tuần tháng 8/2013, NHNN chỉ tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng/tuần, thay vì 3 phiên như trước đây. Và trong 3 phiên trở lại đây, số lượng vàng chào bán giảm xuống còn 20 nghìn lượng sau một thời gian duy trì ở mức 26 nghìn lượng vàng. Tất nhiên những điều chỉnh trên không phải là lớn, nhưng qua đó cho thấy hoạt động đấu thầu vàng đang phản ánh theo diễn biến thị trường.

Về những lo ngại nếu NHNN tiếp tục đưa vàng ra bán đấu thầu sẽ tác động đến quỹ dự trữ ngoại hối, một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực ngoại hối cho biết, tất nhiên NHNN phải “trích” một lượng USD nhất định để mua vàng. Theo vị này, cũng như ngoại tệ, nếu thị trường bất ổn NHNN phải hành động và để bình ổn, chúng ta phải chấp nhận sử dụng dự trữ ngoại hối. “Nhưng, với tư cách là cơ quan quản lý cũng như là người chịu trách nhiệm chính “quản” quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước, NHNN sẽ có nhiều phương án để hạn chế tối đa việc sử dụng các loại tiền tệ của Quỹ này”, vị chuyên gia này lưu ý thêm.

Theo NHNN, trong thời gian tới, kế hoạch đấu thầu vàng miếng theo tuần về số lượng, khối lượng vàng đấu thầu thậm chí có thể biến động theo từng ngày. Thường những tuần gần đây, NHNN tổ chức đấu thầu 2 phiên/tuần. Song điều đó không có nghĩa là NHNN phải thực hiện cả hai phiên mà tùy theo diễn biến thị trường. “Có thể NHNN chỉ đấu thầu một phiên. Hay nói cách khác là vai trò can thiệp của NHNN thời điểm này ở mức độ thích hợp, tương tác với thị trường, không nhất thiết phải thường xuyên chạy với quy mô lớn như trước đây”, lãnh đạo Vụ chức năng cho biết.

Một trong những lý do đang “thuyết phục” NHNN dừng lại hoạt động bán vàng miếng được nhiều ý kiến đưa ra đó là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang thu hẹp đáng kể về mức hơn 2 triệu đồng/lượng sau gần 2 năm bị kéo doãng khá xa.

Thừa nhận đây là tín hiệu khả quan, nhưng các chuyên gia về vàng cho rằng câu chuyện về thị trường vàng không phải chỉ nhìn ngày một ngày hai mà là cả một quá trình. Bởi giá vàng thế giới biến động rất mạnh và cũng không ai có khả năng “làm giá” cho thị trường vàng thế giới được. Có thể ngày hôm nay giảm sâu, nhưng ngay ngày hôm sau lại tăng đột biến tới vài chục phần trăm. Và như vậy, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng sẽ biến động theo có thể là thu hẹp và ngược lại.

Chính vì vậy, các giải pháp, chính sách đối với thị trường vàng cần phải có một độ trễ nhất định. Và để bình ổn được thị trường, nhất là với thị trường vàng vốn rất phức tạp, thì không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

“Sự can thiệp thích hợp tùy thuộc nhiều yếu tố thế giới, giá trong nước, cầu thực tế, qua nhận định đánh giá phân tích thị trường, hệ thống thông tin của NHNN. Trên cơ sở tổng hợp những thông tin này, NHNN sẽ xây dựng phương án để làm thế nào bình ổn thị trường”, một chuyên gia bình luận thêm.

Đồng quan điểm, một chuyên gia ngân hàng khác cho rằng, có thể khi nào NHNN thấy sự can thiệp bình ổn đối với thị trường không cần nữa thì họ sẽ dừng lại. Bởi trận chiến nào cũng có hồi kết. Và cũng không loại trừ NHNN đang chuẩn bị cho phương án mua vàng miếng. “Tất nhiên việc mua vào sẽ khó hơn bán ra và NHNN sẽ phải chuẩn bị cơ chế chính sách chặt chẽ để đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước”, vị này lưu ý.


Theo Thanh Huyền

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên