MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nhiều động lực tăng lợi nhuận trong năm 2016

22-01-2016 - 10:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo VCBS, cơ chế tỷ giá trung tâm mới được áp dụng khiến độ dao động của tỷ giá lớn hơn, điều này có thể là cơ hội cho hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTM có sự khởi sắc trong năm 2016

Trong báo cáo mới đây, CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2016 sẽ có nhiều động lực để cải thiện hơn so với năm 2015 do tín dụng duy trì tăng trưởng tốt và NIM cải thiện nhờ nhu cầu tín dụng trung-dài hạn của khách hàng thể nhân & doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng mạnh hơn các nhóm khác.

Tuy nhiên áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC trong 2016 là tương đối lớn (VCBS ước tăng khoảng 50-80% so với 2015), khiến cho tổng chi phí dự phòng được dự báo vẫn ở mức cao.

Thêm vào đó, báo cáo chỉ ra, cơ chế tỷ giá trung tâm mới được áp dụng khiến độ dao động của tỷ giá lớn hơn, điều này có thể là cơ hội cho hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTM có sự khởi sắc trong năm 2016. Báo cáo cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn sẽ có sự phân hóa mạnh, đặc biệt tại nhóm TMCP.

Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), một phần quan trọng của quá trình tái cấu trúc hệ thống diễn ra sôi động trong năm 2015. Bốn thương vụ sáp nhập ngân hàng và năm thương vụ NHTM thâu tóm công ty tài chính đã diễn ra, số lượng NHTM còn lại là 33 so với con số 42 năm 2010. Ngoài ra, việc mua lại bắt buộc 3 NHTM yếu kém (Ocean Bank, VNCB, GPBank) được VCBS đánh giá là một trong những động thái quyết liệt nhất từ trước đến nay của NHNN nhằm kiểm soát khu vực NHTMCP, thay cho phương án để các ngân hàng này phá sản.

Theo đó, mục tiêu của NHNN là kiểm soát hoạt động, xóa bỏ sở hữu chéo và tái cấu trúc các ngân hàng này mà không làm ảnh hưởng đến người gửi tiền cũng như sự ổn định của hệ thống tài chính. Cùng với tần suất gia tăng của các vụ khởi tố lãnh đạo ngân hàng có sai phạm, NHNN phát đi thông điệp rằng thời kì nới lỏng và thiếu kiểm soát trong hoạt động ngân hàng đang dần đi đến hồi kết.

Tuy nhiên, hoạt động M&A còn tiếp diễn dưới sự tác động của cả yêu cầu chính sách và yếu tố thị trường. VCBS không loại trừ khả năng trong năm 2016 sẽ có thêm những NHTM bộc lộ sai phạm và gặp khó khăn về nợ xấu và thanh khoản, dẫn đến sự can thiệp của NHNN qua 2 biện pháp chủ yếu là yêu cầu TCTD thực hiện sáp nhập hoặc bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.

“Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy sự cạnh tranh trong hệ thống về quy mô, sản phẩm, dịch vụ đang diễn ra ngày càng gay gắt và khoảng cách giữa các NHTM tốp đầu với phần còn lại đang được nới rộng. Các NHTM quy mô nhỏ hoặc trung bình có năng lực cạnh tranh thấp có nhu cầu M&A cao với các ngân hàng khác để không bị đào thải”, VCBS nhận định.

Làn sóng thành lập các công ty tài chính tiêu dùng (TCTD) trực thuộc NHTM, trong đó có ít nhất 5 công ty TCTD của các NHTMCP là Techcombank, MBB, SHB, VPBank, Maritime Bank được thành lập qua thâu tóm các Công ty tài chính yếu kém trong năm 2015 và 2 công ty TCTD được Vietcombank và BIDV thành lập mới.

Báo cáo cho rằng, ACB, Sacombank cũng đều có dự định thành lập công ty TCTD, tuy nhiên những NHTMCP này cần phải tham gia tái cấu trúc công ty tài chính mới có thể được NHNN cho phép thành lập công ty TCTD. Với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, quy mô dư nợ khoảng 6 tỷ USD, lãi suất cho vay lên đến 20-50%/năm, và không chịu rủi ro tập trung thì đây là một phân khúc rất hấp dẫn đối với các NHTM.

 

Mai Ngọc

VCBS

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên