MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nội hướng tới thị trường ngoại

26-10-2014 - 23:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc mở rộng thị trường ra nước ngoài là xu hướng tất yếu của các ngân hàng thương mại nước ta nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, khách hàng...

Nhiều ngân hàng thương mại nước ta đã mở chi nhánh, văn phòng đại diện và công ty con ở nước ngoài. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có văn phòng đại diện tại Singapore và công ty con tại Hong Kong; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Campuchia;

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) mở chi nhánh ở Lào, Campuchia; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mở chi nhánh nước ngoài đầu tiên tại Lào vào tháng 12.2010 và tiếp tục mở rộng thị trường sang Campuchia (tháng 12.2011); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã khai trương chi nhánh tại Campuchia. Tháng 6.2010, Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam (Agribank) cũng đã chính thức khai trương chi nhánh đầu tiên tại Campuchia.

Ngoài hai thị trường truyền thống là Lào, Campuchia, tháng 9.2011, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) mở chi nhánh tại thành phố Frankfurt (Đức), đây được coi là tiền đề cho sự phát triển mở rộng mạng lưới tại thị trường quốc tế, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của ngân hàng Việt trên thế giới. Đến tháng 4.2012, VietinBank lại mở thêm chi nhánh thứ hai ở Berlin (Đức). Sau Đức, Vietinbank lại chọn mở rộng thị trường tại Lào. Hiện Vietinbank có văn phòng đại diện tại Singapore, tại Paris (Pháp)…

Ngoài hai thị trường Lào và Campuchia trong khu vực ASEAN, các ngân hàng Việt cũng chú ý đến thị trường Myanmar. Đây được coi là môi trường kinh doanh hấp dẫn, được dự đoán là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong trung hạn.

Những điểm đến ban đầu của các ngân hàng Việt Nam như Lào và Campuchia được đánh giá cao ở tiềm năng, nhất là khi hai quốc gia này có đường biên giới cận biên, giao thương phi mậu dịch xưa nay lớn với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp các nước. Tại đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có quan hệ thương mại truyền thống. Sự hiện diện của các ngân hàng Việt Nam tại hai thị trường này có thể phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp nước ta liên quan tới vốn, phương tiện thanh toán, kinh doanh ngoại tệ…

Việc các ngân hàng thương mại đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều là một tín hiệu tốt cho chính các ngân hàng và cũng có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với chủ trương đa dạng hóa thị trường, mở rộng đầu tư, hội nhập quốc tế của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, so với các ngân hàng trên thế giới, việc mở chi nhánh và văn phòng tại nước ngoài của các ngân hàng thương mại Việt Nam là muộn và gặp không ít trở ngại. Các ngân hàng trước hết phải bảo đảm yêu cầu về năng lực tài chính. Hơn nữa, với những thị trường mới, bên cạnh những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, yếu tố cạnh tranh nội tại, một khó khăn nổi bật là môi trường pháp lý. Ở thị trường nước ngoài, ngân hàng cũng phải cạnh tranh với ngân hàng bản địa, ngân hàng nước ngoài tại nước bản địa và cả những ngân hàng Việt đang hoạt động tại đây.

>>> Sacombank mở rộng hoạt động tại Lào

Theo Phương Linh

hangnt

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên