MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nói về gói 50.000 tỉ cứu BĐS: "Không hiểu sao mình có tên"

27-03-2014 - 22:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Xây dựng và Thiên Thanh Group vừa gây sốt khi công bố gói 50.000 tỉ đồng cho vay bất động sản, với sự tham gia của cả chục ngân hàng. Nhưng chính ngân hàng có tên cũng không biết là mình tham gia.

Không hiểu sao mình có tên

Theo danh sách các ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng 50.000 tỉ đồng, ngoài Ngân hàng Xây dựng (VNCB), còn có các ngân hàng khác như: BIDV, Agribank, LienvietPostbank, Oceanbank, Sacombank, MBbank...

Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank khẳng định: “Tôi cũng mới đọc thông tin gói 50.000 tỉ đồng trên báo, chưa có kế hoạch gì về gói tín dụng này. Hiện đơn vị tổ chức (VNCB - PV) đang đàm phán và chưa ký kết gì với chúng tôi”. Một đại diện ngân hàng khác có tên trong nhóm tham gia cũng cho biết, chưa nhận được thông báo gì từ ngân hàng tổ chức.

Chuyên gia ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng, gói 50.000 tỉ đồng các ngân hàng thương mại vừa đưa ra không ảnh hưởng gì tới gói 30.000 tỉ đồng (của Ngân hàng Nhà nước). Do khác nhau cả về điều kiện vay và chính sách ưu đãi. Gói 50.000 tỉ đồng không có gì đặc biệt, không có ưu đãi nào, khi vẫn với điều kiện và lãi suất như vay thương mại bình thường. Khác biệt chỉ là quản lý dòng tiền đi đúng nơi, đúng chỗ để không bị chiếm dụng.

“Kiểm soát luồng tiền là yêu cầu bắt buộc của ngân hàng, không phải của riêng từng gói 50.000 hay 100.000 tỉ đồng. Nếu ngân hàng nào không làm vậy là thiếu sót”- ông Thành nói.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý gói 50.000 tỉ đồng không liên quan đến chính sách. “Gói tín dụng này là sáng kiến tốt, nhưng để triển khai các ngân hàng phải ngồi lại với nhau, tránh vết xe đổ của gói 30.000 tỉ đồng” - ông Hiếu nói.

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nghe gói 50.000 tỉ đồng rất hay, vẽ đẹp, khuếch trương, nhưng bản chất chỉ là đảm bảo dòng tiền đi đúng mục đích. “Nhiều người nói thực chất gói 50.000 tỉ đồng chỉ là số ảo, khó khả thi. Cụ thể ra sao phải đợi triển khai mới nói được” - ông Long nói.

Không nên ảo tưởng

Chuyên gia Bùi Kiến Thành lưu ý, điểm lạ của gói 50.000 tỉ đồng là vị trí của Cty Thiên Thanh Group. Khi công ty này khẳng định có nguồn vật liệu giá rẻ hơn các đơn vị khác, nên đứng ra làm cầu nối giữa ngân hàng và chủ đầu tư, đơn vị thi công.

“Không rõ Cty Thiên Thanh là gì lại được giữ vị trí trung gian, được cung ứng vật liệu để giải ngân tiền. Còn những đơn vị cung ứng vật liệu khác sẽ ra sao, chẳng nhẽ họ không được tham gia vào chuỗi cung ứng này? Tự tạo ra một thế độc quyền cho nhà cung ứng vật liệu này (Cty Thiên Thanh - PV), như vậy là phi thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, hình thành nhóm lợi ích”- ông Thành nói.

Theo vị chuyên gia này, vấn đề lớn của thị trường bất động sản không phải làm sao tạo ra sản phẩm, mà là sản xuất ra phải có người mua để ở (không phải mua đầu tư). Nếu không ai mua, không thu hồi được vốn, khoản vay sẽ biến thành nợ xấu. “Có lẽ đây là một chiêu PR của ngân hàng, và thổi phồng anh Thiên Thanh nào đấy, nên có đề xuất như vậy”, ông Thành thẳng thắn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, cho rằng không nên ảo tưởng về gói 50.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp được vay bao nhiêu, lãi suất thế nào hoàn toàn phụ thuộc thỏa thuận với ngân hàng. Theo ông Châu, việc liên kết 4 nhà (nhà đầu tư, nhà băng, nhà cung ứng vật liệu, nhà thi công) là xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu của đơn vị tổ chức là gì? Nếu để giảm giá bất động sản rất đáng hoan nghênh; còn đơn vị tổ chức đặt lợi nhuận đầu tiên thì việc độc quyền và lợi ích nhóm không tránh khỏi. Điều này làm méo mó thị trường bất động sản vốn đang khó khăn.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), khẳng định gói 50.000 tỉ đồng chỉ là tín dụng thông thường, không ưu đãi. Vì vậy, không liên quan gì tới gói 30.000 tỉ đồng và cũng không có cạnh tranh.

Theo ông Mạnh, không nên gọi đây là gói tín dụng, chỉ là chương trình tín dụng thông thường của ngân hàng. Trước đây, mỗi ngân hàng cho vay một khúc (người cho vay đầu tư, người cho vay thi công, người cho vay mua vật liệu…), thiếu kết nối, dễ bị chiếm dụng nên giờ cần kết nối dòng tiền.

“Bản thân xây dựng cơ bản đang mất niềm tin lẫn nhau trong tín dụng, ngân hàng không tin chủ đầu tư, chủ đầu tư không tin nhà thầu... do dòng tiền bị sử dụng không đúng mục đích. Do đó, nợ đọng trong xây dựng lớn, đấy là con số phản ánh thực tế” - ông Mạnh nói. Vì vậy, theo ông Mạnh, các ngân hàng phải liên kết để kiểm soát dòng vốn.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay không biết đến gói tín dụng 50.000 tỉ đồng, cũng không chủ trì, nghiên cứu, đề xuất gói này.

Theo Lê Hữu Việt - Ngọc Mai

hangnt

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên