MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng thắt chặt khâu thẩm định

30-08-2013 - 13:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Với cho vay vốn lưu động, vay theo định mức, ngân hàng thường định giá TSĐB bằng khoảng 85%-90% so với giá thị trường sau khi đã xác định giá mua; bán.

Doanh nghiệp: Ngân hàng thẩm định khắt khe!

Theo số liệu từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013, so với đầu năm, lãi suất cho vay của các NHTM đã giảm 3-4%/năm. Còn thống kê mới nhất từ NHNN, hiện lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường khoảng 9%-11,5%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 11,5%-13%/năm; trong đó, một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5%-7%/năm.

Lãi suất cho vay liên tiếp hạ không chỉ tạo cơ hội cho các DN mới được thành lập tiếp cận vốn vay ngân hàng mà còn để các DN cũ vượt qua khó khăn, tiếp tục đầu tư sản xuất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số DN đăng ký thành lập mới tiếp tục xu hướng tăng, 8 tháng ước tăng 9,5% và có khoảng 10,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, theo một số DN đã vay vốn ngân hàng, thì hiện nay, khi đến kỳ đáo hạn muốn vay lại nhưng họ không được ngân hàng duyệt cho vay như định mức cũ vì tài sản đảm bảo (TSĐB) - chủ yếu bằng bất động sản đã giảm giá. “So với cách đây 1 năm các ngân hàng định giá TSĐB của các ngân hàng thấp hơn giá thực tế khá nhiều. Không những vậy, định mức cho vay của ngân hàng cũng thấp hơn khá nhiều so với giá trị TSĐB đã thẩm định. Điều này khiến DN gặp khó khăn trong việc chủ động kế hoạch kinh doanh” – một DN chia sẻ.

Cán bộ thẩm định của một NHTMCP tại Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng trên chủ yếu do giá bất động sản giảm, thanh khoản kém nên việc thẩm định của ngân hàng với các TSĐB bằng bất động sản phải thận trọng. Cũng theo cán bộ thẩm định này thì cũng tùy vào gói tín dụng của DN. Với cho vay vốn lưu động, vay theo định mức, ngân hàng thường định giá TSĐB bằng khoảng 85%-90% so với giá thị trường sau khi đã xác định giá mua; bán.

Thông thường, khoản vay theo định mức khoảng 1 năm thì sau 6 tháng ngân hàng sẽ phải tái thẩm để xác định xem tài sản đó có còn giá trị đủ đảm bảo cho hạn mức DN đang vay không. Trong trường hợp giá trị TSĐB tại thời điểm tái thẩm định giảm xuống mức quá thấp thì khách hàng phải bổ sung TSĐB hoặc ngân hàng rút định mức cho vay xuống để đảm bảo an toàn. Việc thẩm định lại giá trị tài sản không chỉ xảy ra đối với TSĐB là bất động sản, mà với bất kỳ tài sản nào.

Ngân hàng: Giá hàng hóa do thị trường quyết định

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh ôtô thậm chí còn “phàn nàn” rằng: ngân hàng không chỉ khắt khe hơn trong định giá TSĐB, mà tỷ lệ cho vay căn cứ theo giá trị định giá tài sản cũng giảm hơn trước nhiều.

Hiện hầu hết các ngân hàng chỉ cho vay 60%-70% giá trị TSĐB. Với khoản cho vay trung và dài hạn từ 5-10 năm thì ngân hàng còn áp dụng tỷ lệ cho vay thấp hơn. Chẳng hạn, TSĐB bằng bất động sản qua thẩm định có giá trị 1 tỷ đồng thì ngân hàng cho vay 600 – 700 triệu đồng. Ngoài việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình tái thẩm định theo định kỳ, ngân hàng phải thường xuyên bám sát khách hàng, nếu thấy phát sinh rủi ro, khách hàng khả năng gặp khó khăn thì ngân hàng thẩm định lại, yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tài sản.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) nhấn mạnh, đây là cách định giá đúng với thị trường của ngân hàng. Ngân hàng định giá TSĐB thì phải căn cứ trên cơ sở giá trị thực hiện trên thị trường. Thời điểm này, TSĐB bằng bất động sản có tính thanh khoản thấp và liên tục xuống giá thì ngân hàng phải định giá sát với giá thị trường. Ví dụ, như ở TP.Hồ Chí Minh giá căn hộ giảm tới 20%-30% so với khoảng 1 năm trước. “Nếu giá thị trường tăng thì chúng tôi cũng định giá tăng lên” – ông Nguyễn Đình Tùng khẳng định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng vẫn ưu tiên các khoản vay theo hạn mức để dễ hơn trong thu hồi vốn. “Với DN có vòng quay vốn đều, có hàng ra và vào liên tục, có hợp đồng vay theo định mức, chỉ cần chuyển hợp đồng mua bán, hóa đơn nhập hàng là ngân hàng xuất tiền. Nếu hạn mức vay là 5 tỷ đồng, DN có thể vay 1 tỷ đồng/lần” – cán bộ tín dụng một NHTM cho biết.

TS. Nguyễn Thị Mùi – Chuyên gia Tài chính–Ngân hàng cho rằng, tăng trưởng tín dụng không chỉ là đòi hỏi tất yếu của mỗi ngân hàng khi thu nhập của ngân hàng chủ yếu vẫn từ hoạt động cho vay, mà còn là yêu cầu đối với nền kinh tế, doanh nghiệp cho mục tiêu phát triển. Nhưng tăng trưởng tín dụng phải gắn chặt với hiệu quả tín dụng nên ngân hàng không thể hạ thấp điều kiện vay vốn nếu biết rằng khoản vay đó tiềm ẩn rủi ro.

“Qua thẩm định, khi tiên liệu khoản tín dụng mới có tiềm ẩn rủi ro, nhưng đây là khách hàng truyền thống, không thể rút ngay hạn mức được, nên ngân hàng thường sẽ chọn cách đánh giá lại TSĐB và yêu cầu khách bổ sung thêm TSĐB cho khoản vay mới là bình thường, để hạn chế nợ xấu mới phát sinh” – TS. Nguyễn Thị Mùi kết luận.


Theo Đức Nghiêm

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên