Ngân hàng trong tương lai
Mô hình ngân hàng trong tương lai, được nhiều người cho rằng, là “không phòng giao dịch” - có nghĩa là mọi giao dịch được thực hiện online trên cơ sở phát triển của công nghệ thông tin.
Một hệ thống TCTD của Việt Nam mạnh về chất lượng là điều mà những nhà quản lý ngân hàng đang hướng tới sau khi thực hiện Quyết định 254/QĐ - TTg về Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 (Đề án 254).
Trước khi thực hiện Đề án 254, Việt Nam có trên 100 TCTD, bao gồm 5 NHTM Nhà nước, 35 NHTMCP, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, và 54 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, còn có TCTD phi ngân hàng bao gồm 30 công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, 1 Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương (nay là Ngân hàng Hợp tác xã) và 915 Quỹ Tín dụng cơ sở.
Đến năm 2013 về số lượng hệ thống ngân hàng đã giảm 6 tổ chức, trong đó có 4 NHTMCP và 2 TCTD phi ngân hàng thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể. Ngoài ra còn có 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thu hồi giấy phép; 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác đã được chuyển đổi hình thức, tiến hành mua lại 1 công ty tài chính. Nếu thực hiện theo đúng lộ trình giảm số lượng thì trong năm 2014 toàn Ngành sẽ giảm thêm gần chục đơn vị nữa.
Giới chuyên gia cũng đã tranh luận nhiều về vấn đề Việt Nam cần bao nhiêu TCTD thì đủ, nhưng đến giờ vẫn chưa ngã ngũ. Bởi nếu so với số dân 90 triệu người thì số lượng TCTD hiện nay vẫn chưa phải là nhiều. Song ở nhiều nước phát triển, các TCTD nhiều nhưng họ được khoanh vùng hoạt động, có khi chỉ một lĩnh vực như cho vay bất động sản hay nông nghiệp nông thôn hay hoạt động ở một tỉnh, thành phố chứ không hoạt động dàn trải như ở ta.
Cũng có ý kiến cho rằng, số lượng các TCTD ở Việt Nam quá nhiều, phân bố lại không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, sản phẩm không có sự khác biệt lớn, chất lượng hoạt động còn yếu. Do đó, cần phải “sắp xếp” lại để giảm về số lượng, nâng cao chất lượng.
Tăng về chất
Trên thực tế, không phải đợi đến lúc tái cơ cấu, thời gian qua, các NHTM đã nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ khách hàng, đặc biệt ở khối các NHTMCP hạng trung. Một loạt các NHTM triển khai xây dựng phòng giao dịch thân thiện. Khách hàng ngồi chờ giao dịch có thể uống nước, nghe nhạc, đọc sách báo… Nhiều ngân hàng có dịch vụ dành riêng cho các khách hàng VIP (VIP banking) dưới những tên gọi khác nhau nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm: bảo đảm tính riêng tư, đem lại tiện ích tối ưu và tính bảo mật giao dịch cao.
Tùy mỗi ngân hàng, tiêu chuẩn khách hàng VIP khác nhau và theo định hướng kinh doanh trong từng thời kỳ, mỗi ngân hàng lại có chính sách cho khách hàng VIP khác nhau. Chẳng hạn như ngay từ năm 2010, DongABank đã có Phòng giao dịch VIP Banking đầu tiên. Sau đó là dịch vụ khách hàng VIP của Eximbank với một đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng đến từng “nhu cầu chi tiết”, một thẻ VIP riêng với hàng loạt quyền ưu tiên về thứ tự, giao dịch, hồ sơ và các ưu đãi về vay vốn. Gần đây là Techcombank rồi SCB cũng có những sản phẩm, dịch vụ VIP…
Tuy nhiên, mô hình ngân hàng trong tương lai, được nhiều người cho rằng, là “không phòng giao dịch” - có nghĩa là mọi giao dịch được thực hiện online trên cơ sở phát triển của công nghệ thông tin.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, các ngân hàng nên tìm hiểu vấn đề của từng phân khúc thị trường. Ví dụ như khách hàng của họ muốn giao dịch ở ngân hàng nhiều mạng lưới chi nhánh hay họ có nhu cầu lớn hơn về giao dịch số: giao dịch ngân hàng điện tử (internet banking), qua điện thoại (mobile banking)…
Nếu khách hàng của ngân hàng hầu hết ở các tỉnh thì họ có thể cần nhiều chi nhánh hơn để hoạt động. Nhưng nếu khách hàng chủ yếu tập trung ở các thành phố hay ngân hàng lấy phân khúc khách hàng DN là chính thì không cần quá nhiều chi nhánh. Đây là xu hướng tất yếu vì với Thông tư 21/2013/TT-NHNN cũng chủ trương không khuyến khích các TCTD mở chi nhánh, phòng giao dịch ồ ạt. Điều này sẽ khiến các NHTM thay vì đẩy mạnh phát triển mạng lưới, dựa vào kênh tín dụng họ sẽ tập trung vào tìm kiếm doanh thu từ các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Theo Đức Nghiêm