Ngân hàng với câu chuyện tín dụng và trái phiếu Chính phủ
Trong bối cảnh đầu ra bị nghẽn, các ngân hàng đã dành phần lớn lượng vốn huy động được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Các chuyên gia cho rằng việc ngân hàng dành nhiều vốn mua trái phiếu Chính phủ là có lợi.
Mặc dù lãi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn giảm từ 1% - 1,3%/năm so với phiên đầu năm nhưng lượng tiền đổ vào kênh đầu tư này vẫn liên tục tăng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã mua khoảng 83% lượng trái phiếu Chính phủ phát hành.
Việc các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ phát hành thành công khối lượng lớn trái phiếu với lãi suất thấp để tiết kiệm chi phí cho ngân sách và cơ cấu lại các trái phiếu Chính phủ đến hạn thanh toán, đồng thời đáp ứng nguồn vốn để giải ngân các dự án, công trình trọng điểm.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng: "Như chúng ta thấy rằng, khi mức lãi suất giảm thì một trong những cái lợi chung của nền kinh tế trong đó có cả lợi của ngân sách Nhà nước. Trái phiếu Chính phủ khi chúng ta phát hành, nếu như lãi suất trái phiếu Chính phủ ở mức 6% cho 400.000 tỷ đồng so với mức lãi suất là 5% cho 400.000 tỷ thì chúng ta giảm được 4.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Cho nên, khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất trái phiếu cũng sẽ giảm theo, đó là cái lợi chung của nền kinh tế".
Đối với nền kinh tế, việc tăng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ có tác động rất tốt trong bối cảnh tín dụng chưa thể mở rộng, việc các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu Chính phủ có thể giúp tăng thanh khoản cho nền kinh tế. Khi các khoản vốn này được giải ngân và sử dụng hiệu quả, sẽ giúp kích hoạt dòng tiền trong nền kinh tế. Các dự án, doanh nghiệp thuộc diện sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ có tiền để đầu tư, sẽ giúp lưu thông hàng hóa, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp khác, qua đó có tác động lan tỏa và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Văn Bình nhận xét: "Việc này thì cũng vừa mừng mà chúng ta cũng phải tiếp tục nghe ngóng. Năm nay trong điều hành kinh tế vĩ mô thì nội dung quan trọng nhất là sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Nghị quyết của Quốc hội cho phép thâm hụt ngân sách là 5,3% nên Chính phủ phát hành thêm trái phiếu để giúp góp phần tăng tổng cầu và hệ thống các tổ chức tín dụng là người mua trái phiếu Chính phủ. Qua các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ vừa rồi thành công, điều đó thể hiện rằng hệ thống tổ chức tín dụng rất tin tưởng vào lạm phát ở mức độ thấp và tin tưởng vào việc duy trì mức lãi suất thấp tương đối ổn định. Từ đó, tạo điều kiện cho chúng ta có thêm nhiều cơ chế chính sách mới".
Bên cạnh đó, trái phiếu Chính phủ được đánh giá là một kênh đầu tư tốt và an toàn cho các ngân hàng bởi có thể chuyển sang tiền mặt bất cứ lúc nào khi có nhu cầu về thanh khoản. Trong khi đó, vốn huy động đầu vào của ngân hàng vẫn dồi dào, khiến các ngân hàng phải đẩy vào trái phiếu Chính phủ. Tính đến hết quý I/2014, tín dụng mới tăng trưởng dương 0,01%. Riêng trong tháng 3/2014, tín dụng tăng trưởng 1,35%, tuy nhiên vốn chảy vào trái phiếu đã tương đương với 1,09% tăng trưởng tín dụng.
Ông Phạm Linh, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông, lý giải: "Năm 2014 thì Chính phủ cho phép phát hành thêm trái phiếu Chính phủ cũng như một số công cụ nợ khác. Điều này cũng không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất của thị trường vì năm 2013 đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm thì dòng tiền cho nền kinh tế tăng trưởng rất tốt. Đơn cử thời gian qua, thị trường chứng khoán có sự tăng đột biến về giao dịch nhưng huy động của ngân hàng vẫn không giảm, dòng tiền vẫn rất tốt".
Ở một góc độ khác, các chuyên kinh tế cho rằng tại thời điểm này, việc ngân hàng tăng mua trái trái phiếu Chính phủ không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, nếu tình hình này tiếp tục diễn ra trong thời gian dài thì rất đáng lo. Bời chức năng chính của ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế chứ không phải chỉ tập trung vốn cho Chính phủ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, phân tích: "Ngân hàng thương mại có chức năng là huy động vốn từ dân chúng và cho vay ra cho các thành phần kinh tế. Việc giữ một lượng trái phiếu Chính phủ hợp lý để giữ thanh khoản cho ngân hàng theo luật định là cần thiết. Tuy nhiên, nếu dồn quá nhiều tiền vào trái phiếu thì không hoàn toàn đúng với chức năng của ngân hàng thương mại. Ngân hàng thương mại có thể đầu tư vào trái phiếu Chính phủ ở một lượng vừa đủ, có thể ở mức tối đa là 10% tổng tài sản của Ngân hàng".
Trong điều kiện tín dụng chưa thể mở rộng mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh, thì việc các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vào trái phiếu Chính phủ cũng là một sự linh hoạt vừa đem lại hiệu quả đầu tư của nguồn vốn huy động phải trả lãi, đồng thời tăng dự trữ thanh khoản. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng cũng cần phải cân đối dòng tiền của mình một cách hợp lý để khi nền kinh tế “ấm” lên thì vẫn có đủ tiền để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.